Cú Hích Để Nông Dân Mạnh Dạn Phát Triển Chăn Nuôi
Nhiều hộ nông dân ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có diện tích đất rộng và nguồn lao động để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại nhưng thiếu vốn và chưa mạnh dạn đầu tư.
Thấy được lợi thế và những khó khăn của người nông dân, từ năm 2012, UBND huyện Định Hóa đã quyết định hỗ trợ 70% lãi suất khi nông dân vay vốn để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Đây là chính sách không mới nhưng thiết thực và thực hiệu quả với nhiều hộ nông dân ở miền núi...
Giúp tôi dám làm lớn”
Ông Vũ Văn Minh ở xóm Thâm Bây, xã Đồng Thịnh khẳng định với chúng tôi như vậy khi nói về tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ 70% lãi suất mà UBND huyện Định Hóa triển khai từ năm 2012.
Gia đình ông Minh có tổng diện tích đất trên 1ha, gia đình ông có 4 lao động và ai cũng có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng trước đây không dám lập trang trại với 2 lý do: Thiếu vốn lưu động; vay ngân hàng lại lo mới đầu tư chăn nuôi lợi nhuận chưa nhiều nên không biết có đủ trả lãi ngân hàng hay không? E dè nên gia đình nông dân này chỉ chăn nuôi nhỏ, cộng thêm gieo trồng những loại cây truyền thống tại địa phương dẫn tới lao động vất vả mà thu nhập cũng chỉ đủ ăn, sinh hoạt tằn tiện.
Từ khi có chính sách hỗ trợ 70% lãi suất của UBND huyện Định Hóa, gia đình ông Vũ Văn Minh đã mạnh dạn làm thủ tục vay 150 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa đầu tư chăn nuôi.
Ngoài số vốn vay của ngân hàng, gia đình ông Minh còn huy động vốn tự có của gia đình, người thân để quy hoạch lại khu chăn nuôi, xây dựng chuồng trại quy mô, xây dựng hầm bioga xử lý chất thải; nhập lợn giống chất lượng cao về tự sản xuất con giống, rồi nuôi thành phẩm theo quy trình khép kín.
Với cách làm này gia đình ông Minh đã phòng ngừa được dịch bệnh, chủ động điều chỉnh số đầu vật nuôi theo từng lứa để tránh thiệt hại khi giá lợn thịt xuống quá thấp. Ngoài lợn, ông gia đình ông Minh còn tận dụng diện tích vườn bãi, ao quanh nhà để nuôi thêm hàng trăm con gia cầm mỗi lứa.
Ông Vũ Văn Minh cho biết: “Số tiền lãi suất được UBND huyện Định Hóa hỗ trợ mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ với nông dân và điều quan trọng hơn là huyện đã tiếp sức, giúp chúng tôi dám mạnh dạn làm ăn lớn”.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Vũ Văn Minh bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế nên đã cổ vũ, động viện người dân trong xóm Thâm Bây, trong xã Đồng Thịnh đầu tư vào chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại.
Mô hình sẽ được nhân rộng
Gần 3 năm qua, không chỉ có gia đình ông Vũ Văn Minh ở xóm Thâm Bây, xã Đồng Thịnh được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ 70% lãi suất trong phát triển chăn nuôi của UBND huyện Định Hóa mà đã có 174 lượt hộ gia đình ở các xã, thị trấn trên địa bàn tham gia vào chương trình này.
Dù số tiền các hộ nông dân ở Định Hóa vay vốn đầu tư cho chăn nuôi chỉ từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng và tương tự số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ nho nhỏ nhưng nó như “ngọn lửa” hâm nóng tinh thần, ý chí vươn lên của người dân.
Chúng tôi đến xã Quy Kỳ, thăm lại gia đình ông Lưu Đức Chiều ở xóm Khuôn Câm, người cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất để đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi. Gia đình ông Chiều vay thêm 60 triệu đồng, thời hạn 24 tháng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Định Hoá và được huyện hỗ trợ 70% lãi suất nên lắp đặt thêm hệ thống cấp nước uống tự động cho vật nuôi, đưa giống lợn siêu nạc vào chăn nuôi.
Đến nay, trang trại của gia đình ông Lưu Đức Chiều thường xuyên duy trì từ 60 đến 80 lợn nái ngoại để cung cấp con giống, mỗi lứa nuôi thêm từ 200 đến 300 con lợn lấy thịt và đây cũng là mô hình chăn nuôi quy mô, hiệu quả tại xã Quy Kỳ.
Trong “bản đồ” chỉ dẫn các hộ chăn nuôi lớn của huyện Định Hóa đã có thêm những cái tên mới, như: Quách Đình Đạt (Bình Thành); Ma Thị Hằng (Kim Phượng); Ma Văn Nghĩa (Quy Kỳ); Nguyễn Văn Vận (Bình Yên); Trần Thị Sợi (Bảo Cường); Ma Công Trường (Định Biên); Đào Trung Tuyến (Bình Yên)…
Đây đều là những hộ nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất của huyện Định Hóa nên dần chuyển hướng từ chăn nuôi quy mô nhỏ, truyền thống sang phát triển gia trại, trang trại với số vật nuôi hàng trăm con mỗi nữa. Thực sự, những hộ nông dân này đã như ánh lửa sáng, khơi gợi rồi tạo nên phong trào chăn nuôi mạnh mẽ ở huyện vùng cao Định Hóa trong những năm gần đây.
Về phía UBND huyện Định Hóa cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện trong việc thẩm định hồ sơ, giải ngân và giám sát việc sử dụng trên 7,8 tỷ đồng mà các hộ nông dân vay phục vụ mục đích chăn nuôi. Đồng thời, huyện Định Hóa rất nỗ lực cân đối các nguồn trong điều kiện ngân sách địa phương eo hẹp để duy trì hỗ trợ 70% lãi suất cho 174 lượt hộ nông dân với tổng số tiền trên 817 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do giá lợn và giá một số loại vật nuôi xuống quá thấp nhưng đối với nhiều hộ chăn nuôi lớn ở Định Hóa lại không lâm vào cảnh quá khó khăn do có chính sách hỗ trợ 70% lãi xuất vay ngân hàng. Do vậy, qua đợt khó khăn vừa qua, bà con nông dân ở Định Hóa lại tiếp tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển đây thành thế mạnh thực sự.
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: “Đánh giá gần 3 năm triển khai hoạt động hỗ trợ lãi suất trong chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại cho các hộ nông dân trên địa bàn, chúng tôi thấy rất hiệu quả kể cả về mặt kinh tế cũng như phong trào.
Số tiền hỗ trợ lãi suất không lớn, chỉ có tác dụng khuyến khích, động viên, còn những thành quả trong chăn nuôi thời gian quan là do sự nỗ lực không ngừng của các hộ nông dân trong huyện. Kết thúc năm 2014, tập thể lãnh đạo huyện sẽ bàn để xem xét, nâng tầm chính sách hỗ trợ lãi suất cho các gia trại trong huyện phát triển lên thành trang trại hoặc các khu chăn nuôi tập trung…”.
Có thể bạn quan tâm
Cây tỏi sẻ du nhập vào vùng đất Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được hơn 5 năm và nhanh chóng khẳng định hiệu quả của nó. Thế nhưng gần đây, cây tỏi đang phát triển rất “nóng”, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết...
Hiện nay, phần lớn cà phê tại Gia Lai đều bán xô với giá không cao. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là phương thức sản xuất cà phê của nông dân chủ yếu ở các hộ riêng rẽ, chưa quản lý được chất lượng dẫn đến khó tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Dịp này, tại các xã: Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Đồng Tâm, Tam Tiến, An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang), hầu như nhà nào cũng có giàn gấc sai trĩu quả. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy bà con nói về vụ gấc năm nay.
Gắn bó với cây chè, một loại cây cho thu nhập ổn định trên đất Lâm Đồng, người nông dân đang tìm hướng thích ứng giữa việc nâng cao năng suất, chất lượng với bảo vệ môi trường.
Vì sao người nông dân vẫn chưa giàu lên trên chính mảnh ruộng của mình? Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thực trạng trên, trong đó có thất thoát trong khâu trước và sau thu hoạch, mà phần lớn nguyên nhân là do thiếu cơ giới, công nghệ trong sản xuất...