Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh đi lên từ chất lượng sản phẩm
BIDIFISCO là doanh nghiệp (DN) được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chọn là gương điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.
Chất lượng sản phẩm là quyết định
Thời gian qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động, sức tiêu thụ giảm, giá cả sản phẩm thủy sản chế biến ngày càng hạ và một loạt khó khăn khác làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trước tình hình này, Ban lãnh đạo BIDIFISCO đã họp các bộ phận sản xuất, kỹ thuật tìm giải pháp giảm định mức nguyên liệu, tăng năng suất, cắt giảm chi phí gián tiếp không thật sự cần thiết, sắp xếp lại dây chuyền hợp lý... mục tiêu hàng đầu là hàng hóa làm ra đạt chất lượng cao, giảm giá thành để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Các sáng kiến thay đổi kỹ thuật chế biến hàng đông nhập khẩu, kỹ thuật cấp đông hàng hóa đã đem lại hiệu quả bước đầu, như: giảm chi phí đưa hàng đi cấp đông các nơi khác, tiết kiệm gần 100 triệu đồng/tháng, tăng năng suất lao động từ 250 kg/ngày/người lên 335 kg/ngày/người, tỉ lệ định mức tăng 30 - 35%...
Theo ông Lê Văn Quý, Phó Giám đốc BIDIFISCO, chất lượng sản phẩm chính là sự sống còn của DN. Công ty đã đầu tư mạnh cho các chương trình quản lý chất lượng (QLCL). Tiêu biểu có chứng nhận QLCL và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, ISO 22000-2005; chứng nhận quản lý ATVSTP quốc tế công đoạn chế biến theo tiêu chuẩn BRC-VER6; chứng nhận mức độ an ninh thực phẩm toàn cầu IFS-VER6... Nhà máy đạt tiêu chuẩn XK sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật...; được quản lý chặt chẽ theo chương trình hệ thống HACCP Codex và EU. Các tổ chức quốc tế như SGS, Nafiquaved, Vicas, Intertek đánh giá, kiểm tra và giám sát chương trình QLCL rất chặt chẽ, nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường XK một cách bền vững, ổn định.
Xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật
Bình Định là 1 trong 3 địa phương của cả nước có hoạt động khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) lớn; tuy nhiên chất lượng sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ít, giá trị kinh tế thấp. Trước thực tế này, BIDIFISCO đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng CNĐD XK và được tỉnh ủng hộ. Năm 2014, Công ty tham gia mô hình thí điểm nâng cao chất lượng CNĐD theo chuỗi với mục đích XK sang thị trường Nhật Bản. Bước đầu, BIDIFISCO đã ký kết hợp đồng mua sản phẩm của 5 tàu thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt CNĐD theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao.
“Trong năm 2014, chúng tôi đã đưa 2 kỹ sư đi đào tạo chuyên sâu về kiểm tra chất lượng CNĐD và kỹ thuật chế biến; từ đó góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, tiến tới cá không còn chất lượng thấp nữa. Theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020, Công ty sẽ là đầu mối quan trọng trong chuỗi giá trị liên kết dọc và liên kết ngang bao tiêu sản phẩm XK và hỗ trợ công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Cùng với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đào tạo công nghệ cho ngư dân về khai thác, bảo quản xử lý đánh giá chất lượng sản phẩm. Trong năm nay, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Bình Định 25 bộ câu hoàn chỉnh và đào tạo các thuyền trưởng, thuyền viên theo công nghệ mới, nâng số lượng tàu thực hiện đánh bắt CNĐD theo công nghệ của Nhật lên 30 chiếc”. Giám đốc BIDIFISCO Cao Thị Kim Lan cho biết.
Năm 2015 cũng là thời điểm Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do FTA, hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Theo bà Lan, điều này sẽ mang lại lợi thế XK các mặt hàng thủy sản, mở ra nhiều thị trường XK tiềm năng. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít thách thức, như cạnh tranh về giá cả, chất lượng, những hàng rào kỹ thuật, nhất là bảo đảm ATVSTP.
Xác định thời cơ và thách thức, BIDIFISCO đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, ưu tiên các quy trình QLCL sản phẩm, tập trung công tác chấn chỉnh, rà soát lại toàn bộ hệ thống quản trị DN, mua sắm trang thiết bị dụng cụ sản xuất, đào tạo tay nghề…
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của BIDIFISCO đạt 40,8 triệu USD, tăng 22,8% so với năm 2013; doanh thu tăng 21%. Công ty hiện giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động với mức lương bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Có thể bạn quan tâm
Gần 47.000 ha nằm trong vùng diện tích phục vụ tưới, quản lý hơn 30 hồ và đập dâng, hệ thống công trình tưới tiêu và dân sinh do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý phủ rộng ở 5 huyện: Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Hương Khê. Vì thế, việc điều tiết nước gần như được công ty căn cơ đến từng li, đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn đủ cung cấp kín diện tích tưới cho mùa vụ khó nhất trong năm nay…
Trung tâm Khuyến nông An Giang đã chọn ấp Tân Lập (xã Tân An) thí điểm thực hiện Chương trình “Nuôi vịt an toàn sinh học” cho 16 hộ thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi vịt số 1 và số 2. Bởi, đây là ấp có địa bàn thuận tiện chăn nuôi thủy cầm, vừa có kênh sau cách ly xa nơi chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa là nơi có mặt bằng giáp với đồng ruộng thuận lợi chăn nuôi vịt.
Quan sát hai bên đường từ trung tâm xã Bản Bo dẫn tới các bản: Cốc Phát, Cốc Phung, Nậm Tàng, Hưng Phong, Nà Ly, chúng tôi thấy trên các sườn đồi phủ kín mầu xanh non của đậu tương, lạc xen lẫn cây chè. 3 năm qua, bà con trong xã đã trồng mới hơn 200ha chè.
Do đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng Tánh Linh đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá đầu vuông trên địa bàn huyện.
Nuôi chim cút ấp trứng không chỉ giúp gia đình chị Phạm Thị Kim Điệp (ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) thoát nghèo mà còn vươn lên làm, giàu, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.