Trang chủ / Cá nước mặn / Cá bống cát

Công trình nghiên cứu kỳ thú của Nhật hoàng Akihito

Công trình nghiên cứu kỳ thú của Nhật hoàng Akihito
Tác giả: Hữu Đức
Ngày đăng: 15/04/2017

Ít ai biết rằng loài cá bống cát trắng, thịt tươi mịn màng, thơm ngon lại chính là sự phát hiện kỳ thú cách đây hơn 30 năm của Tiến sĩ Akihito – chính là Nhật hoàng ngày nay...

Người dân vùng châu thổ ĐBSCL thật bất ngờ và ít ai biết rằng dưới dòng sông Mekong thuộc vùng hạ lưu này có loài cá bống cát trắng, thịt tươi mịn màng, thơm ngon lại chính là sự phát hiện kỳ thú trong các công trình nghiên cứu từ cách đây hơn 30 năm của Tiến sĩ Akihito – chính là Nhật hoàng ngày nay và Tiến sĩ Katsusuke Meguero.

Hiện thời loài cá bống này vẫn tồn tại. Các nhà khoa học trường Đại học Cần Thơ cho rằng, công trình nghiên cứu của Nhật hoàng chính là món quà mang nhiều ý nghĩa, mở ra hướng mới trong nghiên cứu phát triển thương phẩm, nhất là đối với loài cá có khả năng thích nghi môi trường đa dạng như cá bống.

Vào đầu tháng 3/2009, Thái tử Naruhito, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đã thay mặt Nhật hoàng Akihito trao tặng trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công trình nghiên cứu phát hiện giống cá bống cát trắng ở vùng hạ lưu sông Mekong. Đến giữa tháng 5/2009 công trình nghiên cứu này tiếp tục được chuyển giao cho Trường Đại học Cần Thơ, nơi có những chuyên gia nghiên cứu bảo tồn và phát triển thủy sản trên sông Mekong. Tổ chức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Nagao - Natural Enviroment Foundation (NEF) sẽ hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục phát huy công trình nghiên cứu này.

Sông Mekong có hơn 2.500 loài thủy sản, nhưng đến nay số loài đưa vào phát triển kinh tế chưa nhiều. Khoa thủy sản trường ĐH Cần Thơ cho biết, đến nay đã nghiên cứu thành công trong 29 loại cá cho sinh sản trong điều kiện nhân tạo.

Trong số này có nhiều loài chuyển giao cho người nuôi và đang phát huy hiệu quả kinh tế cao như: cá tra, basa, cá hú, cá tra nghệ, cá vồ đém, cá lăng nha, cá bống tượng, tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá chạch sông, cá kết, cá leo, cá lóc, cá rô đồng, cá sặc rằn, cá trên vàng, cá hô, cá chép, cá he, cá tai tượng, cá thác lác, cá bống tượng, tôm càng xanh, cá chẽm, cá đối…

Không chỉ riêng vùng châu thổ sông Mekong, trên nhiều con sông ở nước ta từ Bắc vào Nam hầu như dòng sông nào cũng có loài cá bống. Theo các nhà khoa học khoa thủy sản trường Đại học Cần Thơ, cá bống có nhiều loài và phân bố rộng ở các nước như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ… Thế nhưng sự phân bố loài cá bống trên vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam) thật phong phú, đa dạng. Theo những dữ liệu trong quyển “Fishes of Cambodian Mekong”, do FAO ấn hành, 2 trong 6 loài cá bống được nghiên cứu ở vùng hạ lưu Mekong là công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Akihito và Tiến sĩ Meguero (lúc đó TS Akihito là Hoàng thái tử, ngày 7/1/1989 ông lên ngôi Thiên Hoàng, đế hiệu Minh Nhân).

Lần lượt trong 2 năm, năm 1975 đồng tác giả Akihito và Meguero đã công bố kết quả nghiên cứu 2 loài cá bống mới là Glossogobius aureus (có chiều dài khoảng 12cm) và năm 1976 loài cá bống Glossogobius Sparsipapillus (có chiều dài 24cm). Và từ hơn 30 năm trước đây, ngày 1/3/1974 Hoàng thái tử Akihito đã gửi tặng Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội) mẫu con cá bống trắng là tiêu bản Paratype mang ký hiệu: No: 137 Glosssogobius sparsipapillus sp. Nov.

TS Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt – Khoa thủy sản trường ĐH Cần Thơ:

“Với đặc điểm thích nghi ngọt, lợ, mặn, phân bố trên diện rộng phù hợp với điều kiện sinh thái đa dạng ở ĐBSCL, cá bống sẽ là đối tượng nghiên cứu nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Do vậy có hai việc “cần làm ngay” là bảo tồn giống quý và nghiên cứu lộ trình sản xuất cá thương phẩm”.  

Theo tài liệu về “Định loại cá nước ngọt vùng ĐBSCL”, 2 loài cá bống trên có hình dạng giống loài cá bống cát, cá bống trân… trong vùng. TS Trần Đắc Định, Khoa thủy sản Trường Đại học Cần Thơ cho biết thêm, cách đây 2 năm nhóm cán bộ khoa Thủy sản đã bắt tay nghiên cứu về các loài cá bống tập trung ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Nay từ công trình nghiên cứu loài sẽ đặt ra vấn đề nghiên cứu về khả năng sản xuất cá thương phẩm, có khả năng duy trì nguồn giống… với nhiều hy vọng mới mở ra. Trong đó có sự góp mặt của GS.TS Yasuhiko Taki, Trường Đại học Tokyo, Giám đốc Tổ chức NEF, trước năm 1975 từng là giảng viên trường Đại học Cần Thơ và được biết là người biết rõ công trình nghiên cứu trên sông Mekong của Hoàng thái tử Akihito thời bấy giờ.

Ngày nay đi khắp sông rạch trong vùng ĐBSCL, người dân trong vùng cho rằng cá bống vẫn còn hiện diện. Cá bống hầu như có quanh năm, nhưng theo dân gian độ từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm là cá bống vào mùa. Từ lâu cá bống được xem là cá dân dã và thường góp mặt trong những bữa cơm đạm bạc ở miền quê. Thế nhưng, khi hay tin trường Đại học Cần Thơ tiếp nhận “món quà” công trình nghiên cứu của Nhật hoàng, một vài món ăn cá bống bắt đầu được nhiều nhà hàng chú ý đưa vào thực đơn. Giới kinh doanh nhạy cảm đang nghĩ tới “Cá bống của Nhật hoàng” mai kia sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng. Song hiện thời điều còn phải chờ đợi các nhà khoa học nối tiếp công trình nghiên cứu, sớm làm bật dậy khả năng phát triển thương phẩm với giống cá này.


Có thể bạn quan tâm

Đặc Điểm Hình Thái Cá Bống Cát Đặc Điểm Hình Thái Cá Bống Cát

Thân thon dài, phía sau dẹp ngang. Đầu dẹp đứng, mõm dài và nhọn. Mắt gần như nằm ngang trên đỉnh đầu. Hai lỗ mũi tương đốI gần nhau. Lỗ mũi trước hình ống. Miệng rộng, xiên. Hàm dưới hơi nhô ra

12/02/2011
Kỹ Thuật Nuôi Cá Bống Cát Thương Phẩm Kỹ Thuật Nuôi Cá Bống Cát Thương Phẩm

Ao nuôi cá bống cát là những ao đất thông thường. Ở vùng ven biển có thể sử dụng ao nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hoặc ao nuôi quảng canh để nuôi luân canh cá bống cát

31/12/2010
Nấu Cháo Cá Bống Cát Nấu Cháo Cá Bống Cát

2Lúa xin giới thiệu đến Quý bà con cách nấu cháo cá bống cát. Cá bống cát lựa con vàng, bóng mình, làm sạch rửa lại bằng nước muối

18/02/2011
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.