Công nghệ nuôi cá mú theo hình thức Sông trong ao hiệu quả cao
Sầm Sơn là thành phố du lịch nghỉ dưỡng, lượng du khách về ngày càng tăng, nên nhu cầu thực phẩm cung cấp cho dịch vụ ăn uống cao, nhất là sản phẩm tươi sống đánh bắt từ biển như, cá, mực, tôm, cua và những đặc sản tươi sống nuôi trong ao, đầm nước lợ, như: Cá vược, cá mú.
Trung bình mỗi năm, TP Sầm Sơn tiêu thụ khoảng 20 tấn cá vược, cá đù, 5 tấn cá mú và cá các loại. Nhận thấy, đây là lợi thế để phát triển nghề nuôi cá nước lợ, mặn, nhất là những loại sản phẩm con nuôi đặc sản, những năm qua UBND TP Sầm Sơn đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chủ đồng, ao nuôi trồng thủy sản nước lợ đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá, nhất là cá mú để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.
Ban đầu, mô hình nuôi cá mú được các chủ hộ thực hiện theo hình thức quảng canh xen ghép cùng cá vược và nuôi với mật độ thấp, chỉ 1 con/m2, nên đạt năng suất thấp. Hơn nữa, do nuôi theo hình thức quảng canh, đầu tư hạ tầng hạn chế, nên chưa kiểm soát được môi trường nước nuôi nên ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của cá mú, hiệu quả kinh tế thấp, chỉ đạt khoảng 80-100 triệu đồng/ha. Để phát huy tối đa tiềm năng của vùng nuôi thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình nuôi cá mú, UBND TP Sầm Sơn đã vận động, khuyến khích một số hộ nuôi đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị để áp dụng công nghệ nuôi cá mú theo hình thức “Sông trong ao” (IPRS). Đây là phương thức nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao dựa trên nguyên lý cơ bản là tạo môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống máng nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo oxy...; hai đầu máng có cổng chắn bằng lưới thép không rỉ hoặc bọc nhựa PVC để ngăn giữ cá. Ở đầu máng được lắp đặt hệ thống máy thổi khí nén, tạo dòng chảy liên tục một chiều theo dọc chiều dài của máng. Cuối máng được lắp đặt hệ thống thu gom phân, chất thải của cá và được vận hành tự động 3 lần/ngày để phân, chất thải luôn được thu gom triệt để ra ngoài ao nuôi. Hệ thống nuôi này được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội. Bởi, hệ thống máy nén khí đưa không khí nén qua hệ thống giàn thổi khí đặt sát đáy ao, không khí nén được đưa xuống đáy ao và đẩy từ dưới lên mặt ao. Hiện tượng oxy hóa làm cho khí độc bay lên, khí nén xuống đáy ao cũng tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc ra khỏi đáy ao. Do đó, thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không phải thay và thải nước ra ngoài, tránh hiện tượng lây lan mầm bệnh sang các ao khác và ra môi trường xung quanh. Hệ thống này cũng được ứng dụng linh hoạt trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau, tạo ra chuỗi sản phẩm con nuôi cung cấp cho thị trường.
Được phổ biến, hướng dẫn, trực tiếp tham quan, tham khảo về tính năng và hiệu quả vượt trội mô hình nuôi cá mú bằng công nghệ IPRS, năm 2017, một số hộ dân tại khu phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị để thực hiện mô hình. Theo đó, các hộ dân đã đầu tư 2 máng nuôi đầy đủ, hệ thống giàn khí nén theo đúng thiết kế và kỹ thuật, lắp đặt hệ thống điện 3 pha, máy bơm nước với công suất 200m3/giờ, máy phát điện, hệ thống quạt nước và dụng cụ phục vụ trong quá trình nuôi..., với tổng mức đầu tư lên tới 520 triệu đồng/ha. Sau khi đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị, các hộ dân nhập con giống từ Trung Quốc và tiến hành thả nuôi, với mật độ 14 con/m2. Trong quá trình nuôi, công tác quản lý, chăm sóc được thực hiện đúng theo quy trình, nên tỷ lệ con nuôi sống đạt tới 70%. Sau 1 năm thả nuôi, 1 ha nuôi cá mú bằng công nghệ IPRS đạt năng suất từ 3,8 đến 4 tấn, doanh thu từ 1 đến 1,1 tỷ đồng, lãi từ 450 đến 500 triệu đồng/năm.
Từ thực tế của mô hình cho thấy, nuôi cá mú bằng công nghệ IPRS đã và đang cho hiệu quả kinh tế vượt trội, vì vậy TP Sầm Sơn đang thực hiện rà soát những diện tích mặt nước lợ, phù hợp với đối tượng con nuôi đặc sản nói chung và đối tượng nuôi cá mú nói riêng, trên cơ sở đó tiếp tục vận động các hộ dân có tiềm lực kinh tế đầu tư thực hiện và mở rộng mô hình này.
Có thể bạn quan tâm
Đối với ao nuôi cá nước ngọt giai đoạn đầu nếu thấy xuất hiện váng màu vàng hoặc có màu bồ hóng, có thể do một trong các nguyên nhân:
Theo CFEED, một công ty thức ăn thủy sản tại Na Uy, sử dụng copepod ở giai đoạn cho ăn đầu tiên sẽ giải quyết được vướng mắc này.
Mô hình được ông Nguyễn Quang Đức, thôn Đại Lương, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch nuôi thử nghiệm thành công, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản