Hướng đi mới nhờ nuôi cá chép giòn tại Vĩnh Phúc
Mô hình được ông Nguyễn Quang Đức, thôn Đại Lương, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch nuôi thử nghiệm thành công, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, gia đình ông Đức quyết định đầu tư 2 lồng nuôi cá chép giòn với số lượng 1.000 con/lồng. Cá chép giòn thực chất là giống cá chép thông thường nhưng được nuôi theo quy trình tạo giòn. Để thịt cá trở nên dai, giòn, săn chắc, không còn lượng mỡ thừa và có vị ngọt của tôm, người nuôi sẽ phải cho cá ăn hạt đậu tằm. Đây là loại thức ăn được nhập khẩu từ nước ngoài, có chứa hàm lượng tinh bột, protein cao và nhiều loại axit amin thiết yếu. Chính vì vậy, nuôi bằng đậu tằm không chỉ bảo đảm chất lượng thịt cho cá mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Để cá thường thành cá giòn là cả một quá trình, đòi hỏi người nuôi nắm chắc kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn trọng trong tất cả các khâu.
Những con cá chép thông thường sau khi đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không mang mầm bệnh sẽ được chọn để tiến hành thả nuôi trong lồng theo quy trình tạo giòn.
Lồng cá phải có diện tích đủ rộng với độ sâu khoảng 4 m, được cố định tại một điểm thông thoáng trên sông, cách bờ ít nhất 15 m, có dòng nước chảy liên tục, mực nước ổn định. Thời gian đầu mới thả nuôi nên cho cá ăn thức ăn thông thường. Một tuần sau đó tiến hành luyện cho cá ăn đậu tằm đã được ngâm trong nước khoảng 2 ngày. Khi cá ăn quen, tiến hành tăng bữa và thường xuyên kiểm tra để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Ngoài ra, phải thường xuyên di chuyển lồng, giúp cá bơi lội, tiêu hóa thức ăn và tạo độ giòn cho thịt nhanh hơn. Sau thời gian nuôi bằng đậu tằm 5 – 6 tháng, cá đạt trọng lượng từ 5 – 6 kg là có thể xuất bán.
Mỗi năm, gia đình ông Đức cung cấp khoảng 10 tấn cá chép giòn cho các thương lái, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận, doanh thu ước tính trên 1,3 tỷ/năm.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá giò bằng lồng tròn HDPE được đánh giá là đáp ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Đối với ao nuôi cá nước ngọt giai đoạn đầu nếu thấy xuất hiện váng màu vàng hoặc có màu bồ hóng, có thể do một trong các nguyên nhân:
Theo CFEED, một công ty thức ăn thủy sản tại Na Uy, sử dụng copepod ở giai đoạn cho ăn đầu tiên sẽ giải quyết được vướng mắc này.