Cộng Đồng Ngư Dân Cùng Tham Gia Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản
Tình trạng khai thác thủy sản hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Các khu bảo vệ thủy sản (BVTS) ở đầm phá được thành lập, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng ngư dân được nâng cao.
Tôm, cá được bảo vệ
Các khu BVTS là các vùng cấm khai thác thuỷ sản, tôm cá được bảo vệ để sinh sản, sinh trưởng...; sau đó, nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác. Thông qua mô hình này, Nhà nước đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cộng đồng ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá được hưởng lợi.
Anh Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Các khu BVTS là hệ thống bảo vệ thủy sản đầu tiên của Việt Nam mà Nhà nước không phải bố trí thêm bộ máy trực tiếp quản lý; đồng thời, việc tăng cường công tác quản lý bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản cũng là một nội dung quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lúc này, các khu bảo thủy sản chính là những vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của bảo tồn quốc gia”.
Các khu BVTS được thành lập nhằm hướng đến bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá dựa vào cộng đồng, ngăn chặn được việc đánh bắt mang tính hủy diệt, như dùng xung điện, giã cào, lừ, nò sáo... làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Sau khi được giao quản lý diện tích mặt nước, cộng đồng ngư dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ông Nguyễn Thương, ngư dân ở xã Vinh Phú vui mừng: “Trước đây, bà con ngư dân thường xuyên khai thác thủy hải sản trái phép làm cạn kiệt nguồn lợi. Từ ngày được Nhà nước giao chi hội nghề cá quản lý khu BVTS Cồn Chìm, tình trạng khai thác thủy sản trái phép giảm nhiều, cộng đồng ngư dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản…”
Khó khăn còn lại
Tại hội nghị đánh giá và triển khai hệ thống khu BVTS đầm phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua việc xây dựng các khu BVTS là hướng đi đúng. Sau 5 năm thực hiện, nguồn lợi thủy sản trên đầm phá có nhiều tín hiệu phục hồi tái tạo rõ nét, môi trường đầm phá đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt còn ít, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản rà soát quy hoạch các bãi giống, bãi đẻ, tiếp tục thiết lập, xây dựng thêm các khu BVTS mới, phấn đấu đưa tổng diện tích vùng cấm khai thác thủy sản lên 10% diện tích đầm phá. Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh hỗ trợ ban đầu để thiết lập và định hình mốc giới các khu BVTS, về lâu dài UBND cấp huyện cân đối ngân sách để tiếp tục đầu tư, trong đó, có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cộng đồng và tổ chức xã hội khác.
Qua 5 năm triển khai mô hình bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng cho thấy hiệu quả và mang lại tính thiết thực cao. Với những ưu điểm, như chi phí đầu tư thấp, dễ quản lý, quy mô nhỏ nên dễ dàng được nhân dân và chính quyền địa phương chấp nhận, mô hình BVTS dựa vào cộng đồng là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay. Quản lý Nhà nước về khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh gần đây đã có những chuyển biến tích cực, ứng phó với xu hướng suy giảm nguồn lợi và ô nhiễm môi trường thuỷ sản. Trong bối cảnh nguồn lực quản lý Nhà nước hạn chế về ngân sách và con người, việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường thuỷ sinh là cần thiết.
Tuy nhiên, đầu năm 2013 UBND tỉnh có quyết định thành lập 2 khu BVTS Cồn Sầy và Hà Nã, Sở Kế hoạch & Đầu tư đồng ý cấp kinh phí nhưng đến nay Sở Tài chính vẫn chưa bố trí để đầu tư trụ bê tông, cắm mốc, tạo ranh giới để người dân biết đó là vùng cấm đánh bắt. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội nghề cá duy trì hoạt động, UBND tỉnh cần có cơ chế trích 10% số tiền nộp phạt của các đối tượng khai thác thủy sản trái phép được chi hội nghề cá truy bắt. Hiện, số tiền các đối tượng vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước 100%. Trong khi đó, để truy bắt các đối tượng khai thác thủy sản trái phép, chi hội nghề cá phải bỏ tiền ra để đầu tư phương tiện, xăng dầu… Các chi hội nghề cá gặp nhiều khó khăn trong việc truy bắt các đối tượng khai thác thủy sản trái phép và duy trì hoạt động hội.
Năm năm qua, UBND tỉnh có quyết định thành lập 10 khu BVTS với diện tích hơn 307 ha; trong đó, khu BVTS Cồn Chìm (Vinh Phú, Phú Vang) diện tích 23,6 ha; khu BVTS Cồn Cát (Điền Hải, Phong Điền) diện tích 17,7 ha; khu BVTS Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang) diện tích 30,4 ha; khu BVTS Đập Tây-Chùa Ma (Vinh Giang, Phú Lộc) diện tích 35 ha; khu BVTS Vũng Mệ (Quảng Lợi, Quảng Điền) diện tích 40 ha; khu BVTS Hòn Núi Quện, diện tích 40 ha; khu BVTS Khe Đập Làng, diện tích 36 ha (Lộc Bình, Phú Lộc); khu BVTS Mai Doi Bống (Vinh Xuân, Phú Vang) diện tích 30 ha; khu BVTS Cồn Sậy (Hương Phong, Hương Trà) diện tích 30 ha và khu BVTS Hà Nã (Vinh Hiền, Phú Lộc) diện tích 25 ha.
Có thể bạn quan tâm
Theo đó, Vụ Nuôi trồng thủy sản cần bám sát tình hình sản xuất của các địa phương, cùng địa phương điều chỉnh mùa vụ cho hợp lý, đẩy mạnh nghiên cứu dịch bệnh, thú y, quan trắc, cảnh báo và phát hiện sớm các dịch bệnh để xử lý...
Ông Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 con cá lóc giống bằng thức ăn công nghiệp trong 4 bể ny-lon (tổng diện tích 62 m2).
Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.
Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.
Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).