Cơn sốt cau non từng lỗ 700 triệu đồng vì thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng
Cau non sau khi được sấy khô chờ đóng bao xuất sang Trung Quốc
Lùng sục khắp nơi tìm cau non
Thời gian gần đây, các thương lái ở Khánh Hòa đã có dịp “ăn nên làm ra” nhờ nghề đi thu mua cau non. Để có cau non cung ứng cho các đại lý, các thương lái lùng sục khắp nơi để tìm nguồn hàng.
Theo các thương lái, thu nhập nghề mua cau tùy thuộc vào nguồn hàng mua được nhiều hay ít. Nếu ai mua được nhiều thì kiếm được 8-10 triệu đồng/tháng, người nào ít hơn thì 4-6 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Thanh Minh (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), một thương lái mua cau cho biết, bình quân mỗi tháng ông thu mua được khoảng 1 tấn cau non, lãi khoảng 10 triệu đồng. “Thấy đi mua cau có ăn, tôi chuyển sang đi mua cau cũng đã được một thời gian. Ngày nào tôi cũng đi đến các vườn cau ở Nha Trang, Diên Khánh… để hỏi mua”, ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Chí, một chủ cơ sở thu mua cau non trên QL1A, đoạn qua xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh), cho biết, sở dĩ giá cau tăng mạnh là vì thương lái Trung Quốc đang cần một lượng lớn cau non để sản xuất kẹo cau xuất sang các nước Đông Nam Á.
“Nhiều người nói thương lái Trung Quốc thu mua cau non là gây hại cho chúng ta, nhưng thực tế không phải. Chúng tôi có loại kẹo cau này, ăn rất thơm họng, mát và rất ngon”, ông Chí nói. Để minh chứng, ngay lập tức ông Chí đã trưng ra cho chúng tôi xem một bịch mà ông gọi là kẹo có in chữ Trung Quốc. Ông này khẳng định đó là loại kẹo cau được sản xuất từ cau sấy khô.
Theo các chủ đại lý thu mua cau non ở huyện Diên Khánh, cau non sau khi nhập tại đại lý sẽ được một chủ đầu nậu ở Hải Phòng mua lại rồi chuyển đến xã Diên Bình để sấy khô bán sang Trung Quốc. Hiện nay “lò” sấy này đang tạo việc làm cho gần chục người, với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lê Thị Mai (thôn Lương Phước, xã Diên Bình), cho biết, công việc hàng ngày của chị ở lò sấy cau là thực hiện việc tách cau non ra khỏi buồng. “Mỗi ngày tôi tách được 10-12 bao tải (loại 40kg/bao - PV). Nhờ nghề vạch trái cau mà tôi kiếm được trung bình 3 triệu đồng/tháng”, chị Mai chia sẻ. Theo chị Mai, do công việc nhẹ nhàng nên nhiều người lớn tuổi đang làm ở đây.
Thấp thỏm lo thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng
Theo một số người làm công ở lò sấy, hiện lò này có 2 lò hấp, 4 sàn sấy, mỗi sàn dài 15-20m. Theo đó, cau non sau khi được tách ra khỏi buồng thì đưa vào lò hấp chín rồi sấy khô.
Hiện nay các chủ nậu có thể thực hiện việc sấy cau bằng 2 cách, hoặc sấy bằng lò hơi hoặc bằng lò than (than đá). Bà Đồng Thao (xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), chủ lò sấy cau nói trên cho biết, cau luộc chín sẽ được sấy nguyên quả và sấy liên tiếp 5 ngày mới có 1 mẻ ra lò.
“Cứ 6 tấn cau tươi thì sấy còn được 1 tấn cau khô. Giá cau khô hiện khoảng 80.000 đồng/kg”, bà Thao nói và cho biết cau sấy khô được bán cho thương lái Trung Quốc làm kẹo cau.
“Làm nghề này rất bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái Trung Quốc. Năm 2013 tôi cũng từng lỗ 700 triệu đồng vì tồn hơn 50 tấn cau sấy khô do thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng. Bây giờ giá cau đang hạ nên tôi cũng mua rất dè chừng”, bà Thao tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí, Lại Văn Tài, Phó phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, cho biết, thời gian gần đây ông có nghe thông tin thương lái thu gom cau non trên địa bàn để bán sang Trung Quốc. Ông Tài không cho biết cụ thể diện tích cau trên địa bàn là bao nhiêu nhưng khẳng định cau tập trung nhiều ở một số xã như Diên Sơn, Diên Toàn, Diên An…
Theo ông Tài, trước đây cau có giá rất rẻ, người dân chỉ mua cau vào các dịp lễ tết, đám cưới… Giá cau đang tăng, theo ông Tài là “có lợi” cho người dân nhưng phải cần phải thận trọng.
“Cau không phải là cây trồng thiết yếu nên chúng tôi không nắm được giá cả của nó. Tôi có biết giá cau hiện đang tăng và như thế thì sẽ có lợi cho người dân thôi”, ông Tài nhận định.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, người dân không nên thấy cau được giá mà đốn những cây trồng có giá trị kinh tế để trồng cau. Thực tế là, thời gian qua các địa phương đã từng xảy ra nhiều sự việc tương tự như “cơn sốt” cau non ở các tỉnh miền Trung lần này. Đến khi thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua thì người dân mới là người chịu nhiều thiệt hại nặng nhất.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ với chiếc kéo nhỏ dưới bàn tay khéo léo và con mắt nhà nghề tinh thông đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các nghệ nhân chỉnh sửa cây cảnh.
Năm 2014, Đại Lộc lập kế hoạch, tập trung nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Cả huyện Đại Lộc có 5 hồ chứa và 9 đập dâng nhỏ cấp nước tưới cho 453,2ha lúa. Hiện tại, các công trình hồ chứa cơ bản vẫn đủ nước cho mùa vụ, riêng một số hồ đập như Chấn Sơn (Đại Hưng) và Cây Xoay (Đại Hồng) không đủ khả năng giải quyết nước tưới đến cuối vụ.
Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm thực phẩm mới được ghi là “hữu cơ” như lợn hữu cơ, gà hữu cơ, cá hữu cơ… Vậy những loại sản phẩm này có thực sự “hữu cơ” như giới thiệu, quảng cáo?
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tại cuộc họp với lãnh đạo ngành nông nghiệp và chính quyền một số địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn, diễn ra sáng qua 18.3.