Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Có thể chữa hoàn toàn bệnh phân trắng trên tôm không?

Có thể chữa hoàn toàn bệnh phân trắng trên tôm không?
Tác giả: Hà Tử
Ngày đăng: 24/04/2020

Bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng gà đẩy lùi phân trắng trên tôm một cách hiệu quả.

Lysozyme trong lòng trắng trứng gà có tính kháng khuẩn.

Tôm thẻ chân trắng là loài được nuôi nhiều nhất hiện nay trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Tuy nhiên Hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và Hội chứng Phân trắng (WFS) đang gây hại rất lớn cho tôm nuôi. Trong đó, phân trắng là hiện tượng xảy ra quanh năm, khi môi trường nuôi ô nhiễm là lại thấy nhiều dải phân trắng dài xuất hiện trong vó, gan tôm nhạt màu, tôm bị ốp thân, thức ăn không tiêu hóa được, đầy trong đường ruột. Từ đó làm tỷ lệ sống thấp và năng suất nuôi giảm đáng kể. Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số báo cáo chứng minh chưa hẳn EHP là nguyên nhân chính gây nên phân trắng. Khi đa số tôm bị phân trắng được phát hiện có EHP trong gan tụy thì những con tôm nhiễm EHP lại chưa chắc xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng phân trắng. 

Khi tôm bị bệnh phân trắng, tỷ lệ vibrio được phát hiện cao gấp đôi so với bình thường trong ruột tôm. Điều này chứng tỏ vibrio cũng góp phần vào hệ thống tác nhân của Hội chứng phân trắng. Người nuôi thường dùng kháng sinh trong trường hợp tôm bị phân trắng, tuy nhiên kháng sinh sẽ tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, đây là mối quan tâm lớn hiện nay trên toàn thế giới. Một số biện pháp theo hướng an toàn sinh học đang được nghiên cứu và dần áp dụng là một điều đáng vui cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chế phẩm sinh học hay các chất phụ gia đã được trộn vào thức ăn và cho thấy khả năng ngăn ngừa và kiểm soát được mầm bệnh một cách hiệu quả.

Lysozyme là chất có tiềm năng rất lớn để thay thế kháng sinh, có khả năng thủy phân thành tế bào peptidolycan của vi khuẩn. Lysozyme có nhiều trong các dung dịch và các mô sinh học, trong đó có lòng trắng trứng. Chất này đang được sử dụng rộng rãi để bổ sung vào trong thức ăn và cho kết quả kháng khuẩn vượt trội trong ngành chăn nuôi và một số loài thủy sản. Như việc cải thiện hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cua; tăng sức đề kháng và tăng tỉ lệ sống khi được bổ sung trên cá hồi. Nhưng chưa có nghiên cứu lysozyme sẽ ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm. Do đó, người ta đánh giá hiệu quả của lysozyme trong lòng trắng trứng với việc ức chế chủng vibrio và xem xét biểu hiện của các gen trong  hệ miễn dịch cũng như chống oxy hóa trên tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa cũng để xác định nồng độ tối ưu của lysozyme nên được bổ sung là bao nhiêu? Từ đó có bước đi mới để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và phòng bệnh phân trắng. 

Chuẩn bị lysozyme từ lòng trắng trứng chia thành 5 nghiệm thức: đối chứng, 0.005, 0.025, 0.125, 0.625 g/kg thức ăn cho tôm PL12 đã được xét nghiệm sạch bệnh, không nhiễm vibrio, cho ăn liên tục trong 4 tuần các nghiệm thức trên với tỷ lệ 10% trọng lượng thân. 

Sau đó thu và nuôi cấy vibrio trên tôm ở những môi trường chuyên biệt , định danh và định lượng các loài xuất hiện. Thực hiên xét nghiệm PCR để xem xét biểu hiện của những gen quy định chức năng miễn dịch và chống oxy hóa. Đồng thời , đánh giá hiệu suất tăng trưởng, FCR của tôm thí nghiệm. Phân tích thống kê để đưa ra kết quả.

Kết quả cho thấy nghiệm thức 0,125g/kg và 0,625g/kg thức ăn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, hoạt động mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa, làm các chủng vibrio sụt giảm đáng kể, nhất là nhóm khuẩn lạc xanh (vibrio parahaemolyticus và vibrio harveyi). Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong gan tụy, các gen biểu hiện miễn dịch cũng gia tăng nhanh về số lượng.

Tỷ lệ sống và bất cứ chỉ số tăng trưởng nào cũng không thay đổi, không có tác dụng phụ xảy ra. Khi đưa vào tôm đã bị bệnh phân trắng 6 tuần, sau 5 ngày cho ăn lysozyme, không còn thấy phân trắng khi bổ sung 0,125g/kg thức ăn và cũng không có dấu hiệu tái phát ở thời gian sau đó. Điều này chứng minh lysozyme là chất đẩy lùi được phân trắng hiệu quả ở liều 0,125g/kg thức ăn trở lên.

Cụ thể lysozyme vào trong cơ thể tôm sẽ kích thích hoạt động thực bào. Hơn thế nữa, lysozyme còn có khả năng phá vỡ cấu trúc của màng peptidoglycan của vi khuẩn gram âm, từ đó làm chết vi khuẩn. Những chủng vibrio khuẩn lạc xanh (gây hại nặng hơn) do không thể sử dụng đường sucrose giảm số lượng nhiều hơn so với nhóm tạo khuẩn lạc vàng. Trong hệ miễn dịch, lysozyme đã tăng cường hoạt động của enzyme phenoloxidase  liên quan đến quá trình melanin hóa kết tụ vi khuẩn lại và tiêu diệt. 

Như vậy việc bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng vào thức ăn tôm thẻ chân trắng đã làm giảm được sự tấn công của các mầm bệnh trên tôm. Lysozyme cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc chống oxy hóa, cải thiện hoạt động miễn dịch và tăng tỷ lệ sống của tôm. Những kết quả trên cho thấy bổ sung lysozyme là một phương pháp hiệu quả để thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và đẩy lùi bệnh phân trắng một cách hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Khắc phục một số bệnh ở tôm sú Khắc phục một số bệnh ở tôm sú

Bệnh còi ở tôm sú do virus MBV (Monodon Baculovirus) gây ra. Khi mới nhiễm virus MBV, tôm có dấu hiệu bệnh không rõ ràng

05/10/2019
Bổ sung luân trùng để hạn chế stress cho tôm thẻ Bổ sung luân trùng để hạn chế stress cho tôm thẻ

Bổ sung luân trùng Ampithoe sp. trong chế độ dinh dưỡng giúp hạn chế stress cho tôm nuôi.

20/04/2020
Phòng bệnh vi bào tử trùng và đốm trắng mùa nắng nóng Phòng bệnh vi bào tử trùng và đốm trắng mùa nắng nóng

Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên dễ phát sinh các mầm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và virus trong nuôi tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng

24/04/2020