Có Nên Ồ Ạt Trồng Tiêu?
Vài năm trở lại đây, xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh cả về lượng và giá. Dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu sẽ đạt 1 tỷ USD - mức kỷ lục cao nhất trong lịch sử xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều loại cây trồng, như: cao su, điều, mía... đang lâm vào cảnh khó khăn về thị trường và giá cả. Nhiều địa phương trong đó có Đồng Nai, đang diễn ra tình trạng, nông dân ồ ạt chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả chuyển sang cây tiêu.
* Vỡ quy hoạch
Theo Quyết định 1442 về quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa phê duyệt, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu của cả nước sẽ giữ mức ổn định 50 ngàn hécta với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD/năm.
Quy hoạch này được lập dựa trên nhu cầu thị trường, đặc biệt là về xuất khẩu; đồng thời căn cứ vào lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu... phù hợp với loại cây trồng này.
Nhưng hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã mở rộng lên khoảng 62 ngàn hécta, tăng 12 ngàn hécta so với quy hoạch.
Giá tiêu hạt liên tục đứng ở mức cao đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích loại cây trồng này. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Nằm trong những tỉnh được quy hoạch tập trung phát triển hồ tiêu, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai sẽ giữ ổn định ở mức 7 ngàn hécta.
Nhưng thực tế, diện tích tiêu của tỉnh đã đạt gần 9.400 hécta vào năm 2013. Và với tình hình nông dân đang háo hức đầu tư vào loại cây trồng siêu lợi nhuận này, diện tích tiêu đang có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nông dân đang chạy theo phong trào chặt cao su, điều, cà phê... để lấy đất trồng tiêu.
Bà Nguyễn Thị Dân, nông dân tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Thấy cây tiêu cho lợi nhuận quá cao, gia đình tôi đã mạnh dạn chặt vườn xoài, đầu tư xây trụ bê tông trồng tiêu. Nhưng do đất không phù hợp, lại thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc và xử lý dịch bệnh nên thu chưa đủ bù chi”.
Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), cho biết: “Tôi đã nhiều lần nêu ý kiến cảnh báo về việc nông dân đua nhau trồng tiêu.
Tiêu là cây trồng khó tính, đất trồng không phù hợp, nhất là vùng đất ẩm, thời gian đầu tiêu vẫn tăng trưởng tốt do rễ chỉ phát triển trên bề mặt. Nhưng 3-4 năm sau, nhiều vườn tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh thối rễ.
Thiệt hại của nông dân càng lớn do vốn đầu tư phát triển vườn tiêu thường cao gấp hàng chục lần so với các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, ngay tại vùng chuyên canh cây tiêu là Xuân Thọ, đất không phù hợp là nông dân không nên làm”.
* Chưa tính được đầu ra
Ông Đặng Bá Hồng, nông dân trồng tiêu lâu năm tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), nhận xét không phải ai trồng tiêu cũng làm giàu được.
Vì cây trồng này rất nặng vốn đầu tư với thời gian kéo dài, thường phải mất đến 7-8 năm mới cho thu hoạch. “Không ít người tôi quen biết đã trắng tay vì cây tiêu. Thời gian qua, nhiều vùng tiêu xảy ra dịch bệnh ở diện rộng, trong đó không ít trường hợp một vườn bị bệnh rồi kéo lan ra cả khu vực.
Việc trồng tiêu theo phong trào, thiếu kinh nghiệm canh tác gây ảnh hưởng rất lớn cho phát triển cây tiêu. Nhưng điều tôi lo lắng nhất, cứ thấy cây trồng nào có giá cao là nông dân lại ồ ạt đầu tư rồi xảy ra tình trạng rớt giá vì cung vượt cầu” - ông Hồng nói.
Cùng chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, dẫn chứng khi cao su sốt giá, nông dân đua nhau mở rộng diện tích cây trồng này. Giờ nông dân lại chặt cao su trồng tiêu vì nhiều vườn tiêu cho thu nhập vài tỷ đồng/năm.
Hiện diện tích tiêu của Cẩm Mỹ là 2.240 hécta, tăng cả ngàn hécta so với năm ngoái và nông dân vẫn tiếp tục bỏ các loại cây kém hiệu quả sang trồng tiêu. Chưa tính được bài toán đầu ra là khó khăn muôn thuở của nông dân, vì ngay cả những cây trồng chủ lực với diện tích lớn của địa phương vẫn chịu cảnh bấp bênh về thị trường.
Theo ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nông dân không nên ồ ạt trồng tiêu theo phong trào, vì với những vùng đất không thích hợp, nhất là vùng đất trũng, thoát nước chậm nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.
Hiện nay, trong tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân trồng giống tiêu ghép, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có văn bản về địa phương khuyến cáo nông dân không nên sử dụng giống tiêu này vì chưa được khảo nghiệm và công nhận về chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện thời tiết hiện nay, diện tích ao nuôi tôm bị thiệt hại không đáng kể, chưa tới 1%. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người nuôi tôm chân trắng tuân thủ việc thả tôm giống, quản lý chất lượng nguồn nước, chăm sóc, dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe tôm ngay từ lúc bắt đầu thả nuôi.
Từ đầu năm 2014 đến nay, hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ, hải sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra.
Cách đây 4-5 năm trước, nông dân thường phải đắn đo suy nghĩ giữa việc chọn thả nuôi tôm sú (TS) hay tôm thẻ chân trắng (TTCT) trước mỗi vụ tôm mới, tuy nhiên, do vụ tôm thẻ cuối năm 2013 thắng lớn, nên hiện nay TTCT là lựa chọn số 1 của nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL. Dù vậy, các chuyên gia ngành tôm cho rằng, nông dân không nên ồ ạt thả nuôi TTCT để tránh tình trạng "đụng hàng, rớt giá" và TS vẫn còn thị trường tiêu thụ tốt.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh An Giang yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường công tác quản lý vịt chạy đồng.
Gần một tuần nay, giá lúa đông xuân bất ngờ giảm sâu 200 - 500 đồng/kg, thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc khiến nông dân điêu đứng...