Cơ hội vàng về thời gian để chăn nuôi Việt Nam thắng trong TPP
Ngành chăn nuôi Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nhất khi Hiệp định TPP được ký kết.
Bài toán tìm cách đưa ngành chăn nuôi vượt qua thách thức từ hội nhập đang làm nóng dư luận xã hội.
Nhưng phân tích kỹ những tiềm năng, người trong cuộc của ngành chăn nuôi vẫn tự tin còn nhiều cơ hội để thắng, hoặc chí ít là không thua trên sân nhà, vì còn nhiều thời gian chuẩn bị.
Vẫn nhiều tiềm năng, lợi thế
Một loạt những cơ hội mà TPP và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam được ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, chỉ ra:
Ngành chăn nuôi sẽ được tiếp cận nhanh hơn các khoa học công nghệ mới, giống vật nuôi mới, các sản phẩm mới, các hình thức sản xuất tiên tiến.
Tham gia TPP và các FTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI.
Ngành chăn nuôi chịu sức ép buộc phải thúc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành; nhà quản lý, doanh nghiệp và người chăn nuôi đều phải thay đổi tư duy quản lý, sản xuất, kinh doanh để hội nhập.
Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển
Đặc biệt, khi thuế xuất về 0% thì ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, con giống, trang thiết bị chăn nuôi… từ các nước đối tác, góp phần giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.
Ông Trúc còn tự tin:
Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nước ta về lâu dài có thể xuất khẩu sản phẩm có lợi thế như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn sang Đông Bắc Á, Đông Âu;
Trứng vịt muối sang một số nước ASEAN và Nam Á, mật ong sang Mỹ, EU… Ngành chăn nuôi cũng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy làn sóng mua bán sáp nhập trong chăn nuôi.
Nói thêm về lợi thế ngành chăn nuôi Việt Nam, TS.
Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho hay đó là thị trường nội địa hơn 90 triệu dân.
Người dân cần phải ăn.
Tiếp cận phục vụ được lượng dân này là một thị trường không hề nhỏ.
Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, tự tin rằng: Việt Nam cũng có những mặt hàng có thể cạnh tranh được như: gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại lợn có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn cắp nách…
Cũng tự tin về tiềm năng, PGS.TS.
Hoàng Kim Giao, Hiệp hội Gia súc lớn, lấy ví dụ ngành sữa: Xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa càng cao.
Ở nước ta, tốc độ tăng trưởng về nhu cầu sữa luôn luôn đạt ở mức hai chữ số.
Bình quân tiêu thụ mới đạt 18 kg sữa quy đổi (và khoảng 6,1 kg sữa tươi), trong khi bình quân chung đầu người trên thế giới là 104,3kg (sữa tươi).
Cho đến nay, chăn nuôi bò sữa nước ta mới sản xuất và đáp ứng được gần 34% nhu cầu về sữa tiêu dùng, 66% còn lại người tiêu dùng phải dùng sữa nhập.
Như vậy, thị trường sữa ở nước ta còn rất lớn.
Cơ hội vàng về thời gian
Một trong những điểm sáng quan trọng trong lối thoát cho ngành chăn nuôi nước ta, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho dù Hiệp định TPP được chính thức thông qua thì trung bình thời gian cắt thuế về 0% cũng khoảng từ 10 - 15 năm.
Nghĩa là thời gian để cắt giảm thuế về 0% còn rất lâu.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55 - 58 triệu người, chiếm 60 - 63% dân số năm 2014.
Trong đó, 4 triệu hộ nuôi heo; 7,9 triệu hộ nuôi gà; 2,7 triệu hộ nuôi vịt; 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt; 1,6 triệu hộ nuôi trâu và gần 24.000 hộ nuôi bò sữa.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2013 nước ta có 9.206 trang trại chăn nuôi, nhưng có tới 90 - 95% trong đó là trang trại quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
Theo ông Khanh, rất nhiều thông tin lo ngại và cho rằng khi vào TPP ngành chăn nuôi của ta gặp khó khăn, thậm chí bị nhấn chìm.
Nhưng thực tế đã chứng minh không phải cứ ký kết các hiệp định thương mại xong thì lập tức nhập khẩu tăng và xuất khẩu gặp khó.
Bởi nhìn lại từ năm 2004 - 2013 thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành tăng giảm nhiều, không phải do ký kết hiệp định tạo ra.
Vì dù ký kết xong nhưng cũng phải chờ thời gian, có lộ trình cụ thể thì các điều khoản của hiệp định mới được hiệu lực trong thực tiễn.
Hơn nữa, từ thực tế câu chuyện một lãnh đạo doanh nghiệp ngành chăn nuôi ở Việt Nam đã từng sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và nhận thấy rằng, những việc mà Thái Lan làm được thì Việt Nam chưa làm chứ không phải không làm được.
Sau đó, chính doanh nghiệp này về nước đã đầu tư phát triển chăn nuôi và thành công.
“Đó là một bài học thực tế rằng, dù TPP được thực thi, thời gian để ngành chăn nuôi nước ta chuẩn bị còn tương đối nhiều.
Nếu ở nước ta đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chăn nuôi, sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng vào thực phẩm sạch thì ngành chăn nuôi phát triển được”- ông Khanh kỳ vọng.
Với lộ trình đó, ông Đoàn Xuân Trúc cũng khẳng định “rất may là ngành chăn nuôi chúng ta đang còn đủ thời gian để củng cố”.
Đồng thời, thói quen tiêu dùng các sản phẩm thịt nóng, thịt máu, thịt tươi sang thịt đông lạnh cũng không thể thay đổi nhanh và rộng khắp, sự thay đổi này, nếu có, cũng chỉ ở một bộ phận thuộc các thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Bản thân Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: “TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam.
Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động”.
Theo ông Trúc, đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tất nhiên, nếu không tận dụng được cơ hội vàng này để chuẩn bị một cách thiết thực, hiệu quả thì chắc chắn sẽ thua trên sân nhà”-ông Trúc cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Hàng trăm hecta mì trồng trên vùng trũng ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành đang phải thu hoạch sớm để "chạy" úng ngập sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 mấy ngày trước.
Sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đến nay HTX Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà (HTX Tịnh Trà), huyện Sơn Tịnh đã đi đến thành công. Thông qua các dịch vụ nông nghiệp, các mô hình sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, trồng cây dược liệu…
Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
IMF dự báo giá tôm sẽ giảm trong dài hạn do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường truyền thống, biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%; năm 2017 giảm 7%; năm 2020 giảm 13% so với năm 2015.
Hàng chục ngàn con cá chẽm của 62 hộ nuôi lồng bè ở xã Hộ Độ (Lộc Hà - Hà Tĩnh) bông dưng bị chết hàng loạt mấy ngày nay đẩy họ đứng trước nguy cơ trắng tay sau vụ nuôi đầu tiên.