Cơ Hội Nào Cho Ca Cao Việt?
Theo dự báo nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới những năm tới sẽ tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung lại có sự sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Đây được xem là “cơ hội vàng” cho ca cao Việt Nam phát triển mạnh sản xuất để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tiềm năng lớn
Ông CasVander Horst- Phó đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam - cho biết, năm 2020, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao, trong khi nguồn cung lại ngày càng thiếu hụt. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong các quốc gia cung cấp ca cao cho thị trường thế giới.
Ông Gricha Safarian- Tổng giám đốc điều hành Puratos Grand-Place Việt Nam- cho rằng hiện nay, nhu cầu tiêu dùng sôcôla của Việt Nam vào khoảng 5.250 tấn/năm, nhưng hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài. Dường như các đơn vị sản xuất bánh kẹo nội địa chưa mặn mà với việc sử dụng nguyên liệu ca cao trong nước, trong khi đó nguồn nguyên liệu ca cao vẫn xuất khẩu.
Trung tuần tháng 11/2013, Công ty Puratos Grand-Place Việt Nam đã khánh thành Nhà máy thu mua và lên men hạt ca cao tại Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường ca cao của Việt Nam rất tiềm năng, đồng thời sẽ tạo cơ hội cho người nông dân trong nước mở rộng diện tích trồng cây ca cao trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam, tính đến tháng 11/2013, diện tích trồng ca cao cả nước là 22.110 ha, trong đó nhiều tỉnh có diện tích trên 1.000 ha như: Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, Đăk Lăk, Bình Phước và Vĩnh Long.
Cần có giải pháp bền vững
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam vài năm trở lại đây, việc giá ca cao hạt khô lên men tăng cao từ 45.000 - 60.000 đồng/kg đã thu hút đông đảo nông dân đầu tư phát triển. Đặc biệt, cây ca cao phát triển nhanh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm ca cao đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, cây ca cao ở Việt Nam vẫn bị trồng xen canh, phân tán, chưa đúng kỹ thuật, chưa chú trọng đầu tư chăm sóc, bị sâu bệnh nặng nên năng suất, hiệu quả thấp. Thống kê cho thấy, có khoảng 30% diện tích trồng ca cao đạt yêu cầu kỹ thuật, có 40% diện tích được chăm sóc đầu tư và khoảng 30% không được chăm sóc đầu tư. Cả nước có 232 cơ sở thu mua sản phẩm ca cao lên men nhưng việc quản lý chất lượng chưa tốt, làm giảm chất lượng sản phẩm sau khi sơ chế lên men.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững cây ca cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh điệp khúc “trồng chặt” như các loại cây nông sản khác, cần có chiến lược và kế hoạch dài hạn. Đồng thời phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ từ việc quy hoạch, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản với công nghệ cao... gắn liền với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là mô hình liên kết hợp tác bốn nhà. Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tuyên truyền tới người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước…
Ông Gricha Safariant:
Giá trị gia tăng của hạt ca cao được tạo ra dựa trên chất lượng hạt thông qua quá trình lên men để tạo ra hương vị đạt chuẩn. Do vậy cách tốt nhất để phát triển ngành ca cao Việt Nam là phải làm ra sản phẩm có chất lượng cao và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa đến nay vẫn là huyện biên giới miền núi nghèo. Để tìm lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn.
Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.
Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương
Trong những hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu (Quảng Ninh), mô hình nuôi giun quế do huyện Đoàn triển khai được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết được nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa làm sạch môi trường...
Bạc Liêu được mệnh danh là đất của tôm - lúa khi nghề nuôi tôm đã đạt được nhiều “thành tích lẫy lừng”: đa dạng về mô hình, ổn định về năng suất và ấn tượng trong hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng nuôi khác, sự bền vững vẫn là điều khiến nông dân và các ngành chức năng lo ngại.