Cơ Hội Mới Cho Sản Xuất Tôm Giống
Sản xuất tôm giống, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng giống đang phát triển mạnh tại tỉnh Ninh Thuận. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Là nơi tạo ra con giống chất lượng cao, Ninh Thuận vẫn đứng vị trí số 1 trong nước về sản xuất tôm giống. Điều đó có thể thấy rõ khi các chủ trang trại nuôi tôm phía Nam đang có xu hướng đến Ninh Thuận tìm mua hoặc đầu tư nuôi giống.
Hiện nay, toàn tỉnh có 190 cơ sở hoạt động sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ước sản lượng tôm giống sản xuất 6 tháng đầu năm là 9,5 tỷ con, đạt 88% kế hoạch năm và vượt 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tôm sú giống, dù có khoảng 240 cơ sở hoạt động sản xuất, nhưng 6 tháng qua chỉ sản xuất được 2,4 tỷ con, đạt 44% kế hoạch năm và bằng 83% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng giống tôm sú giảm có nguyên nhân do dịch bệnh nuôi tôm sú thịt tăng nên nhu cầu thả giống nuôi không còn nhiều.
Thêm vào đó, hiện tượng suy giảm chất lượng tôm sú bố mẹ càng làm cho hoạt động sản xuất giống khó khăn hơn. Theo Chi cục NTTS tỉnh, do nắm được tình hình chuyển đổi đối tượng nuôi tôm thương phẩm tại các tỉnh miền Nam, dự báo nhu cầu tôm thẻ chân trắng giống sẽ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp trang thiết bị và nhập tôm bố mẹ. Các cơ sở sản xuất cùng lúc 2 đối tượng cũng dần chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng nên số cơ sở và sản lượng giống tôm thẻ chân trắng tăng cao.
Các cơ sở nhỏ không đủ khả năng nhập tôm bố mẹ thì mua ấu trùng của các doanh nghiệp lớn, do đó đã có một số doanh nghiệp chuyên nhập tôm bố mẹ để sản xuất và kinh doanh giống, ấu trùng. Qua đó có thể nói hoạt động sản xuất tôm giống chủ yếu hướng vào đối tượng tôm thẻ chân trắng.
Trong sản xuất tôm giống, tập trung vẫn là vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải (Ninh Phước). Theo thống kê, tại đây đang có 103 cơ sở, tập đoàn, công ty hoạt động, trong đó có 47 công ty lớn trong và ngoài nước. Một số tập đoàn, công ty trong lĩnh vực thuỷ sản như Minh Phú, Globert & Imei Việt Nam, Uni-President Việt Nam, CP Việt Nam đã sớm có mặt hoạt động từ đầu, đến nay chẳng những vẫn tiếp tục duy trì hoạt động mà còn thuê thêm đất mở rộng hạ tầng nhà xưởng sản xuất. Gần đây xuất hiện thêm hàng chục “đại gia” đến đầu tư.
Anh Lê Văn Quê, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giống thuỷ sản Lộc An, cho biết: Công ty chính thức đi vào hoạt động tại An Hải từ tháng 4 năm 2012. Trước khi đến đây đầu tư, chúng tôi đã có thông tin về điều kiện sản xuất giống thuỷ sản tuyệt vời nơi đây rồi. Tôi nghĩ nếu còn đất trống, vùng đất này còn tiếp tục thu hút đầu tư chứ không dừng lại như con số bây giờ.
Khi nói đến sản xuất tôm giống, còn có khu vực sản xuất giống ở huyện Ninh Hải, trong 6 tháng đầu năm với 135 cơ sở hoạt động cũng đã sản xuất được 2,638 tỷ post tôm thẻ chân trắng, tăng 392 triệu so với cùng kỳ. Với diện tích 158 ha, khu vực sản xuất này đang được tỉnh ta đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư chỉnh trang, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, cùng góp phần vào xây dựng thương hiệu tôm giống chất lượng cao của tỉnh.
Riêng vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải, tuy có diện tích tổng thể 125 ha, song nếu trừ phần đầu tư hạ tầng, thực tế chỉ còn lại khoảng 90 ha dành cho cơ sở sản xuất. Diện tích hạn chế nhưng vùng sản xuất giống này đã tạo ra giá trị sản phẩm lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà, lại ít gây ô nhiễm môi trường hơn nuôi tôm thịt. Nếu so sánh điều kiện để sản xuất giống chất lượng cao với các nơi trong và ngoài tỉnh, An Hải vẫn là vùng “đất hứa”.
Theo lý giải của Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, không phải tỉnh nào cũng có được điều kiện như vậy, vả lại việc sản xuất giống chỉ lấy nước biển là chính, không ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên nước, cho nên với nhu cầu giống rất lớn của các tỉnh phía Nam đang là cơ hội hiếm có cho sản xuất tôm giống ở tỉnh ta.
Để không bỏ lỡ cơ hội này, tỉnh cần có hướng đầu tư mở rộng, quy hoạch lại vùng đất sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải, khai thác lợi thế sản xuất tôm giống tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, một mặt vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác vừa củng cố vững chắc thương hiệu giống thuỷ sản Ninh Thuận.
Có thể bạn quan tâm
Theo quốc lộ 14 đi thành phố Buôn Ma thuột, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 20 km chúng tôi ghé vào thôn 11 xã Nâm Njang thăm một gia đình nông dân sản xuất giỏi - anh Hoàng Quốc Hùng.
Có tiếng là nơi cây tiêu sống bền nhờ ít bệnh vì đất đai, nguồn nước phù hợp nên từ khi giá tiêu tăng cao thì xã Lộc An (Lộc Ninh - Bình Phước) đã trở thành địa chỉ đỏ để nông dân tìm về mua giống. Đó cũng là nguyên nhân diện tích hồ tiêu ở Lộc An tăng vọt. 1 tỷ đồng/ha đất đỏ trồng tiêu là cơn sốt tăng giá đất hay chỉ là giá ảo thời hoàng kim của hồ tiêu ở Lộc An!?
Tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển bền vững ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường nước, góp phần thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Vừa qua, Sở KH&CN Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Thử nghiệm sản xuất giống và con lai thương phẩm gà Grimaud, vịt chuyên thịt M14 tại Hải Phòng”. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng chủ trì thực hiện đề tài.
Bước vào đầu tháng 7, trong khi nhiều nhà vườn đang tất bật bón phân dưỡng quả, chăm sóc quả non thì một số hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hưng Yên đã bắt tay thu hoạch những chùm nhãn đầu mùa. Theo các hộ làm vườn, năm nay nhãn trà sớm mất mùa. Hiện, nhãn sớm đang được bán với giá từ 45 – 50 nghìn đồng.