Có chiến lược tốt, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sự phát triển của ngành thủy sản hiện nay.
Ông nhận định thế nào về tác động của các hiệp định thương mại tự do tới ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới?
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm, cụ thể: Giai đoạn 2010- 2014, xuất khẩu thủy sản đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014, bình quân mỗi năm tăng khoảng 12%.
Hiện nay, thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới khoảng 170 thị trường, trong đó, 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 3 tỷ USD, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất, chiếm tỷ trọng 19%, tiếp theo là EU chiếm 18% và Nhật Bản chiếm 15%.
Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu 2015 đã giảm 16,3% và 3 thị trường chủ lực đều ghi nhận sự sụt giảm. Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ sụt giảm, cụ thể: Tôm giảm 28%, cá tra giảm 9%, cá ngừ giảm 8%.
Nguyên nhân là thời gian qua, đồng USD tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng ngoại tệ khác, khiến các nước xuất khẩu tập trung vào thị trường Mỹ, mức độ cạnh tranh diễn ra khốc liệt hơn. Trong khi đó, ở thị trường EU, tỷ giá đồng Euro sụt giảm so với đồng USD, cộng thêm khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đã làm giảm mạnh sức mua. Đặc biệt, tại thị trường Nhật, đồng Yên rớt giá quá mạnh so với đồng USD, thêm vào đó, tình hình kinh tế khá bi quan, buộc nhà nhập khẩu cắt giảm sản lượng và nguồn thủy sản thay thế có giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng tiền tệ như hiện nay, thủy sản vẫn là một trong những ngành có thặng dư xuất khẩu và nhiều tiềm năng tăng trưởng nếu chúng ta có chiến lược tốt. Trong nguy luôn có cơ, nếu biết tận dụng lợi thế có sẵn (nhân công lành nghề, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến tốt, điều kiện nhà xưởng tối tân...) thì chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội, mở rộng chuỗi giá trị, tạo sự phát triển bền vững cho toàn ngành thủy sản.
Ông có thể thông tin về tình hình thị trường thủy sản trên thế giới hiện nay, cung cầu các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra?
Hiện nay, 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ chiếm gần 75% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành (căn cứ theo số liệu xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015), trong đó tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị.
Song, tôm Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 28% so với cung kỳ năm trước, nguyên nhân là do sản lượng tôm thế giới tăng, giá tôm thế giới giảm mạnh sau khi đã tăng vượt đỉnh trong năm 2014, trong khi sức mua lại yếu đi từ thị trường EU và Nhật Bản. Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ khởi sắc, tuy nhiên sẽ không có được sự bứt phá ngoạn mục như năm 2014.
Dự báo nguồn cung tôm từ thị trường Ấn Độ sẽ giảm do dịch bệnh và giá xuất khẩu sẽ tương đối thấp. Ecuador cũng sẽ giảm nguồn cung tôm do ảnh hưởng của dịch tôm chết sớm. Đối với Thái Lan, dự kiến sản lượng tôm năm nay chỉ tương đương năm 2014. Tại Trung Quốc, trong thời gian tới, khu vực nuôi tôm sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi gió mùa và hiện tượng El Nino, khiến sản lượng tôm giảm và giá tôm sẽ tăng.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã hướng về thị trường nội địa
Như vậy, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ yếu, sản lượng tôm của Việt Nam chưa thể tăng mạnh so với năm ngoái, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam nửa cuối năm sẽ có những tín hiệu tích cực vì nguồn cung tôm của thế giới giảm sẽ dẫn tới giá tăng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi cá tra của Đồng bằng sông Cửu Lòng (ĐBSCL) ước đạt 5.795 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch đạt 533.500 tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2015, thị trường xuất khẩu vẫn là yếu tố then chốt tác động đến quyết định của người nuôi cá tra. Hiện nay, cá tra tại thị trường Mỹ vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá, trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đã có sự tăng trưởng trở lại. Tính đến nay, nhu cầu cá tra chưa có dấu hiệu khả quan hơn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, đã ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với mặt hàng cá ngừ, hiện nay, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh từ Philippines, Thái Lan. Trong quý I/2015, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn như nguồn nguyên liệu thiếu hụt, nhu cầu thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, sang quý II/2015, tình hình đã được cải thiện đáng kể tại các thị trường lớn như Mỹ, Nga, ASEAN.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ- thị trướng lớn nhất của cá ngừ Việt Nam- tăng khả quan, trong khi thị trường EU và Nhật tiếp tục giảm sâu. Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định bởi Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng từ Tổ chức Human Watch và bị xếp hạng Tier 3 trong báo cáo về tình trạng buôn người nhằm sử dụng trong hoạt động đánh bắt xa bờ.
Uy tín của ngành thủy sản Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều khả năng quan hệ thương mại thủy sản giữa Thái Lan và Mỹ cũng như EU sẽ phải chịu nhiều tác động.
Cũng trong 6 tháng đầu 2015, xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm tới 21,6%. Một số thông tin cho thấy EU đang có xu hướng gia tăng sử dụng cá ngừ đóng hộp của nội khối thay vì nhập khẩu từ các nước bên ngoài khối. Nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của EU không cao cùng với nguồn cung lớn, lợi thế cạnh tranh từ Philippines khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU khó tăng trưởng khả quan.
Sản phẩm do hội viên VASEP sản xuất được tiêu thụ thế nào tại thị trường trong nước, thưa ông?
Các sản phẩm của doanh nghiệp hội viên VASEP trước đây chỉ chế biến phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thủy sản chất lượng cao và các sản phẩm chế biến sẵn trong nước ngày càng tăng, nên một số doanh nghiệp đã chuyển sang đầu tư thêm mảng sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm thủy sản chế biến được đưa vào các kênh thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã đáp ứng rất tốt nhu cầu ngon- sạch- an toàn của người tiêu dùng.
Tuy doanh thu từ thị trường nội địa hiện nay còn rất thấp so với kim ngạch xuất khẩu nhưng tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trong tương lai sẽ rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Trong nguy luôn có cơ, nếu biết tận dụng lợi thế có sẵn (nhân công lành nghề, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến tốt, điều kiện nhà xưởng tối tân...) thì chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội, mở rộng chuỗi giá trị, tạo sự phát triển bền vững cho toàn ngành thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.
Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.
Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.
Vài ngày nay, hàng chục chiếc xe chở sắn nối đuôi nhau đậu ở trước cổng Nhà máy tinh bột sắn và tràn ra tận Quốc lộ 1A chờ nhập cho nhà máy, gây mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu từ các tài xế xe, chúng tôi được biết có nhiều xe phải đợi hai ngày mới bán được sắn cho nhà máy.
Bà Nguyễn Thị Thoa -Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết sẽ tiếp thu, xem xét các ý kiến của địa phương, đơn vị để điều chỉnh bổ sung trước khi ban hành bộ quy trình kỹ thuật, tiêu chí bình tuyển cây ăn quả đầu dòng trên địa bàn Hà Nội.