Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn
Nhiều cây sơ ri có thân hình rất đẹp, thích hợp với mô hình du lịch sinh thái ẢNH: THANH ĐỨC
Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.
Đến xã Mỹ Thuận hỏi nơi nào trồng sơ ri thì ai ai cũng biết. Vừa rẽ vào đầu con rạch Trà Cuông thuộc ấp Mỹ Trung A, đã thấy toàn sơ ri. Sơ ri vây kín nhà, sơ ri trồng tận mé đường, mé rạch...
Ông Phan Khắc Tài (55 tuổi, ngụ ấp Mỹ Trung A, xã Mỹ Thuận) cho biết người dân nơi đây gắn bó với cây sơ ri khoảng 20 năm nay. Trước kia, nơi đây là vùng đất phèn, trồng nhãn hay bưởi đều không hiệu quả vì cây cứ chết dần. Thấy 2 cây sơ ri của ông Nguyễn Minh Trí (gần nhà) quanh năm cho trái sai oằn, bán được giá, ông Tài xin chiết 16 nhánh đem về trồng. Thật bất ngờ, chỉ hơn 1 năm sau sơ ri đã cho trái, gia đình có nguồn thu nhập mỗi ngày. Nhận thấy trồng sơ ri có hiệu quả kinh tế cao, bao nhiêu tiền bán sơ ri và tiền tích lũy từ chăn nuôi, ông Tài gom hết để mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình ông có 7 công sơ ri. “Mỗi công trồng khoảng 30 cây, khi cây được 3 - 5 năm tuổi sẽ cho thu nhập khá hơn, bình quân 30 triệu đồng/công. Cây trồng càng lâu năm thì thu nhập càng nhiều”, ông Tài chia sẻ.
Theo ông Tài, sơ ri dễ trồng, cây phát triển nhanh, bung cành sum suê, cho trái quanh năm. Khi muốn nhân rộng diện tích trồng chỉ cần chiết nhánh trong vườn, không phải tốn tiền mua giống. Chính vì vậy nhiều người trong ấp khá lên nhờ có được 2 - 3 công sơ ri. Điển hình như ông Nguyễn Văn Kép (50 tuổi, ấp Mỹ Trung A), nhà có 4 công đất ruộng nhưng làm ăn thất bát, thua lỗ triền miên nên bán hết 3 công, còn lại 1 công ông lên liếp trồng sơ ri và làm lái thu mua sơ ri nên cuộc sống khấm khá lên nhiều. Hay như ông Lê Văn Chính, nhà chỉ có 1 công đất trồng sơ ri và nuôi 1 con bò, đến nay gia đình thoát nghèo với thu nhập sơ ri hằng tháng và được 10 con bò trị giá hơn 100 triệu đồng...
Đặc biệt, nơi đây nhiều người dân không có đất sản xuất nhưng vẫn đổi đời cũng nhờ cây sơ ri với cách thuê vườn sơ ri theo vụ. Cụ thể như ông Nguyễn Văn Dễ thuê 40 gốc sơ ri khoảng 4 năm tuổi với giá 2 triệu đồng/năm. Nhờ đầu tư chăm sóc nhiều nên năng suất cao, chỉ cần hái bán 2 lứa là đủ trả chi phí thuê.
Dễ trồng, thu hoạch quanh năm
Theo nhiều hộ nông dân, sơ ri cho trái quanh năm, tầm 2 tháng thu hoạch 1 lứa (mỗi lứa hái liên tục 15 ngày), năng suất khoảng 50 kg/cây. Đây là cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Nhiều gia đình có thể tận dụng khoảng trống trước sân, sau nhà để trồng, có “đồng ra, đồng vô” mỗi ngày.
Ông Tài cho biết hiện nay có nhiều thương lái từ TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Cà Mau... đến thu mua nên sơ ri có đầu ra ổn định. Tại ấp Mỹ Trung A, mỗi ngày có đến 4 thương lái thu mua từ 4 - 6 tấn trái, lúc cao điểm lên đến 10 tấn/ngày. Giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi.
Ông Đồng Văn Út, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận, cho biết toàn xã hiện có hơn 100 hộ trồng sơ ri với khoảng 20 ha, tập trung nhiều nhất ở ấp Mỹ Trung A với hơn 50 hộ. Trung bình mỗi hộ 2 công, nhiều nhất là 7 công. “Cây sơ ri đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời, từ nghèo khó vươn lên khá giàu. Xã hiện có nhiều vườn cây sơ ri cổ thụ hàng chục năm, cây có thân hình uốn éo rất đẹp mắt. Vì vậy, sắp tới địa phương sẽ thành lập hợp tác xã và đưa vào phục vụ khách du lịch đến tham quan, nâng cao giá trị kinh tế cây sơ ri”, ông Út nói.
Có thể bạn quan tâm
Là loài hoa nhập ngoại song hoa lily đã và đang là hướng đi phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho người dân
Mô hình nuôi chồn vòi hương (còn gọi chồn hương, chồn mướp) của ông Trương Minh Thuấn là một điển hình. Mỗi năm, ông Thuấn thu lãi hàng trăm triệu đồng
Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.