Chuyện Làm Giàu Ở Mường Lay
Trước đây ở Mường Lay (Điện Biên) chẳng ai trồng ngô đông, khoai tây, làm nhà cho gia súc, gia cầm, nay thì ai cũng làm cả. Người nghèo làm vì muốn thoát cảnh khó khăn, người có điều kiện thì cố gắng để giàu hơn nữa...
Tích tiểu thành đại
Gần chục năm trước, gia đình ông Lò Văn Tắm, bản Ho Cang, phường Lay Nưa, thị xã Mường Lay, Điện Biên, vẫn thuộc diện đói nghèo.
Nhưng từ khi nhận thầu 2.000m2 ao cá để nuôi cá giống, cá thịt; khai hóa đất hoang, làm mương dẫn nước tưới chủ động cho hơn 1.000m2 ruộng lúa và chăn nuôi thêm một số gia cầm, cuộc sống của ông thay đổi hẳn. “Bây giờ mỗi năm tôi bán cá giống, cá thịt và gà, vịt cũng được ngót trăm triệu đồng. Gạo đủ ăn, không phải mua thêm, tích tiểu thành đại” - ông cười sảng khoái.
Theo lời giới thiệu của ông Tắm, tôi đến bản Tạo Sen trong phường Lay Nưa để gặp “hộ nông dân (ND) giàu nhất bản” - như lời ông Tắm nói. Đó là gia đình ông Lò Văn Giảng với mô hình kinh tế VACR. Chỉ tay lên vạt rừng trước nhà, ông Giảng bảo: ND bây giờ làm giàu mới khó chứ xóa nghèo thì chỉ cần có sức khỏe, chịu khó là được. Trước đây tôi cũng nghèo khó. Nhưng rồi mạnh dạn nhận khoán gần 9ha đất rừng.
Tôi trồng 100 cây vải thiều, 100 cây mận tam hoa, 400 cây nhãn, vài trăm cây xoài cát, bưởi Mỹ và cả tre nữa. Trồng mỗi thứ một ít là vì ở đất này có nhiều cũng khó bán vì quá xa xôi. Với lại còn dự phòng cây này mất mùa, cây kia mất giá… Lúc đầu cũng khó khăn nhưng chỉ sau mấy năm là có nguồn thu, mùa nào cũng có rau, hoa quả, măng tươi để bán.
Có vốn, tôi lại dốc vào khai hoang ruộng nước, làm ao thả cá, chăn nuôi trâu, bò. Bây giờ kinh tế khá giả, sức yếu, tôi thuê thêm nhân công, có lúc lên tới hơn chục người làm, toàn anh em trong bản này cả. Họ vừa làm, vừa học thêm nghề, đây chính là cách tập huấn khuyến nông hiệu quả nhất.
Nông dân ấm no Hội mới mạnh
Cũng theo ông Giảng: “Hội ND ở Mường Lay luôn sát cánh với hội viên ND. Chúng tôi khá lên được cũng là nhờ tổ chức hội. Họ tư vấn, động viên, giúp chuyển tâm tư nguyện vọng của chúng tôi lên cấp trên; giúp chúng tôi vay được vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo phong trào để chúng tôi thi đua. Ở cái phường này, nhiều hộ thoát nghèo là nhờ tổ chức Hội ND đấy…”.
"Cán bộ Hội ND và khuyến nông hướng dẫn mình cách nuôi cá, thâm canh lúa, bảo mình cách vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất; thấy hay, thấy đúng mình làm theo. Nay thì đã có của ăn của để rồi”.
Ông Lò Văn Tắm
Quả thật, ND Mường Lay bây giờ tích cực lao động sản xuất, đổi mới cách làm ăn. Cứ nhìn ruộng, nương, vườn của họ là biết họ đã thâm canh có chiều sâu, biết cách đa dạng hóa nông sản, mùa nào thức ấy chứ không còn độc canh cây lúa nương, ngô giống cũ như trước nữa.
Ông Lò Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội ND thị xã Mường Lay, cho biết: Ý thức chủ động xóa đói nghèo của bà con nơi đây đã nâng lên rất nhiều. Ngoài cây lúa, cây ngô 2 vụ, bà con còn trồng thêm rau xanh, đậu tương, đậu xanh, sắn, khoai tây… Trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm, thủy sản cũng được đầu tư mạnh.
Hộ nghèo thì chăn nuôi để cải thiện cuộc sống, hộ khá giả thì chăn nuôi để làm hàng hóa, làm giàu. ND vươn lên thì Hội cũng phải sát cánh cùng họ. Chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề, khuyến nông, bảo vệ thực vật… chuyển giao kịp thời cho ND những kiến thức về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thị trường; đồng thời nắm bắt nhu cầu và nội lực của ND để tham mưu với cấp trên, xây dựng giải pháp hỗ trợ ND hiệu quả. ND no ấm thì Hội mới mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi ám ảnh về giống Trung Quốc của bà con nông dân Quảng Nam ngày càng lớn sau câu chuyện cây ớt chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Đại Lộc…
Nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đang thu hoạch rộ và trúng mùa trái sơ ri. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra ổn định.
Những ngày này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng mở rộng diện tích mãng cầu ta trong toàn tỉnh lên vài ngàn ha thay vì 2.000 ha như hiện nay. Người dân được khuyến khích thâm canh mãng cầu qua việc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh giúp nông dân thực hiện những khu vườn mãng cầu thí điểm mà năng suất đạt 7 tấn trái/vụ, với giá bán tùy theo loại, từ 12 - 32 ngàn đồng/kg. Ước tính người trồng mãng cầu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Đây là ý kiến của ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội 2013 về vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM hiện nay. NTNN xin trích đăng một phần ý kiến của đại biểu Thúy.
Mỗi năm huyện Giá Rai có hơn 2.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và thực hiện tốt chủ trương đa cây, đa con, nên đã trở thành giàu có. Ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp 10A (xã Tân Phong) là một điển hình.