Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Chuyên gia gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai

Chuyên gia gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai
Tác giả: Thanh Thủy
Ngày đăng: 10/10/2024

Động vật thủy sản sống trong môi trường nước và ảnh hưởng nặng nề từ môi trường sau thiên tai, cần xử lý ngay để cá có môi trường lành mạnh phục hồi.

Ngành nuôi trồng thủy sản miền Bắc đang đối mặt với nhiều thách thức sau bão, lũ. Khi cơn bão rút đi, có nhiều xáo trộn về môi trường nuôi thủy sản, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát triển của cá. Với các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước từ gợi ý của các chuyên gia, người dân có thể vượt qua khó khăn và sớm phục hồi sản xuất.

Biện pháp xử lý môi trường nước ngọt

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Miền Bắc, cho biết, “Sau bão, môi trường nước ngọt bị xáo trộn nghiêm trọng. Nước đục ngầu do chất thải từ khu dân cư và khu công nghiệp, rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi đổ dồn về các sông suối, hòa lẫn vào ao nuôi. Để khôi phục sản xuất thủy sản, môi trường và ao nuôi, bà con phải làm trong môi trường nước thật nhanh để cá, tôm có được hoàn cảnh sống lý tưởng nhất”.

Bà Nguyễn Thị Hà gợi ý những biện pháp xử lý sau:

- Sử dụng vôi bột để lọc nước, với công thức 2-3 kg vôi hòa tan trong 100m³ nước ao/đầm và rải đều khắp ao để loại bỏ độc tố. Sau 1-2 ngày, bổ sung chế phẩm sinh học giúp lắng tụ và phân hủy các chất mùn bã hữu cơ.

- Đối với môi trường nước ở các lồng bè trên sông, bà con nên treo túi vôi ở các góc lồng và giữa lồng, 1 ngày rũ túi vôi 4-5 lần để vôi tỏa ra khắp lồng, giúp việc kết tủa các chất trong nước, lắng đọng xuống đáy diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, treo các viên hóa chất chuyên dụng như TCCA, BKD để làm sạch môi trường nước và tiêu diệt các mầm bệnh có trong môi trường như ký sinh trùng, nấm ngoại ký sinh trên da và mang cá...

- Cùng với đó, cần bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng để giúp cá chống lại bệnh tật. Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Miền Bắc khuyến nghị bổ sung vitamin C, men tiêu hóa và chất kích thích miễn dịch như beta-glucan vào khẩu phần ăn. Những chất này sẽ giúp cá phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Biện pháp xử lý môi trường nước mặn

Tiến sĩ Trương Văn Thượng, từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản, lưu ý rằng, “xử lý môi trường nước mặn cũng có thể áp dụng các biện pháp như xử lý môi trường nước ngọt nhưng sẽ khó khăn hơn vì không thể dễ dàng kiểm soát độ đục của nước biển”. Chuyên gia gợi ý một số biện pháp sau:

Trước khi cơn bão đến, để tránh thiệt hại do sóng lớn, bà con nên di chuyển lồng bè vào khu vực vịnh nhỏ, kín gió. Đưa lồng bè trở ra ngoài khi bão tan, giúp đảm bảo thông thoáng và tránh tình trạng thiếu oxy. Sau bão trên biển sẽ có rác thải trôi nổi, bà con cần vệ sinh, tu sửa lồng bè, vớt hết rác trên mặt nước và giữ thủy sản nuôi ở mật độ thấp để có độ thông thoáng nhất định.

Đo oxy trong khu vực nước nuôi thủy sản, nếu nồng độ oxy hòa tan trong nước ở dưới 4mg/l thì cần sục khí bổ sung.

Bão gây xáo trộn mạnh, làm trầm tích đáy nổi lên và nước trở nên đục, cản trở sự hòa trộn các yếu tố trong môi trường. Việc này dẫn đến tăng lượng chất hữu cơ và khí độc, giảm oxy trong nước, đặc biệt vào ban đêm làm thủy sản hô hấp khó khăn. Sinh vật sản xuất oxy như vi tảo cần ánh nắng, nếu vào mùa ít nắng, trời âm u, nước thường đục, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất oxy. Nếu quan sát, đo đạc thấy nồng độ oxy thấp, bà con có thể xả nước mặt và sục oxy để cứu cá.

Giống như ao nước ngọt, cần bổ sung vôi, TCCA và vi sinh vật để duy trì chất lượng nước và loại bỏ các chất ô nhiễm có hại cho thủy sản. Cá biển thường gặp phải bệnh do vi khuẩn và nấm sau bão, nên việc bổ sung vitamin C, men tỏi và kháng sinh an toàn giúp tăng sức đề kháng và phục hồi sức khỏe cho cá.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng thảo dược trong phòng và trị bệnh cho thủy sản, đặc biệt khi bão lũ gây suy giảm sức đề kháng cho cá. Một số thảo dược như tỏi, lá xoan, và tinh chất trầu không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và ký sinh trùng hiệu quả mà không để lại dư lượng kháng sinh trong cá, không gây hại cho người tiêu dùng. Các viện nghiên cứu đã chứng minh rằng các loại thảo dược này giúp cá phòng tránh nhiều bệnh, như bệnh do vi khuẩn Euromonas và ký sinh trùng.


Có thể bạn quan tâm

Hợp tác để phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghệ cao Hợp tác để phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghệ cao

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2023, toàn tỉnh có 1.856 hộ nuôi tôm công nghệ cao.

05/10/2024
Giảm lượng, tăng chất để thủy sản có đủ năng lượng phục hồi sau thiên tai Giảm lượng, tăng chất để thủy sản có đủ năng lượng phục hồi sau thiên tai

Trong quá trình khôi phục sản xuất thủy sản sau thiên tai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt để giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.

07/10/2024
Phòng và điều trị bệnh thủy sản sau bão lũ Phòng và điều trị bệnh thủy sản sau bão lũ

Trong bối cảnh bão lũ kéo dài, sức khỏe thủy sản nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, các loại tôm, cá, nhuyễn thể dễ mắc bệnh hơn do biến đổi môi trường.

10/10/2024