Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tác giả: Ths. Nguyễn Duy Nghĩa
Ngày đăng: 11/12/2023

Việt Nam là một quốc gia có nền Nông nghiệp lâu đời và có tiềm năng phát triển mạnh. Đồng thời, Nông nghiệp cũng đóng vai trò trong sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây được xem là rào cản và thách thức rất lớn, tuy nhiên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Đứng trước nhu cầu cấp thiết đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là tất yếu.

1. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

2. Lợi ích chuyển đổi số trong nông nghiệp

Giảm thiểu rủi ro và thiệt hại

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu: nước biển dâng, hiện tượng El Nino,… Điều này đã tác động trực tiếp đến tất cả lĩnh vực của ngành nông nghiệp như: giảm diện tích đất, giảm lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; cường độ bão gia tăng, nước biển dâng và dịch bệnh bùng phát; giảm đa dạng sinh học… Gây ra giảm năng suất, chất lượng, thậm chí mất thu nhập trong nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu vào quản lý rủi ro sẽ giúp cảnh báo sớm (72 giờ trước khi bão đi qua), từ đó, các cấp, các ngành, nông dân địa phương sẽ có các biện pháp ứng phó, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Nâng cao năng suất, tiết kiệm nguồn lực

Việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, loại đất, cây trồng và giai đoạn trưởng thành của cây trồng. Thực tế cũng cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm một nửa chi phí và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng năng suất lên 30%, từ đó nâng cao thu nhập của nông dân.

Hơn nữa, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất góp phần tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, giúp người tiêu dùng có thể truy cập, giám sát các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp tự động hóa việc chăm sóc cây trồng

Quản lý đồng bộ dễ dàng

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong điều hành, quản lý sẽ giúp ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn nhờ hệ thống thông tin báo cáo kịp thời, tăng hiệu quả quản lý và hiệu quả hoạt động.

Tạo ra môi trường, lấy nông nghiệp số sinh thái làm nền tảng, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” với mục tiêu cuối cùng là phát triển hiệu quả và bền vững nông nghiệp.

3. Giải pháp chuyển đổi số giúp đẩy mạnh sự phát triển cho ngành nông nghiệp

Nâng cao nhận thức người dân

Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là nông dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Giải pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông. Tiến tới, phổ cập hạ tầng kỹ thuật số với mục tiêu mỗi hộ nông dân đều có điện thoại thông minh và cáp quang để truyền thông tin kỹ thuật số đến nông dân.

Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số nông nghiệp

Cần biên soạn, phổ biến nội dung chuyển đổi số, vận hành dịch vụ số an toàn trên không gian mạng, trong chương trình học các cấp.

Bên cạnh đó, cần phối hợp tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và vận hành cho người nông dân. Từ đó, sẽ nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng sống, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng để tổ chức sản xuất hiệu quả.

Xây dựng đường lối chính sách phù hợp hiệu quả

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.

Để nông nghiệp thực sự "cất cánh" phát triển thì chuyển đổi số là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Bắc Ninh tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp

Trong giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.

16/12/2022
Bắc Ninh sử dụng thức ăn bổ sung thảo dược nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi Bắc Ninh sử dụng thức ăn bổ sung thảo dược nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi

Nhằm góp phần tăng cường sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh.

30/01/2023
Hải Phòng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa trên đất trồng lúa kém hiệu quả Hải Phòng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa trên đất trồng lúa kém hiệu quả

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất, đặc thù của mỗi địa phương.

30/01/2023