Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi Ở Chân Sơn
Những năm gần đây, xã Chân Sơn (Yên Sơn) đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá mạnh mẽ, bước đầu tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Xã Chân Sơn có hơn 1.200 hộ, trong đó 80% dân số là dân tộc thiểu số. Ruộng ít, trình độ canh tác lạc hậu, nên trước năm 2006, Chân Sơn là xã trong diện nghèo nhất huyện; đến năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 850.000 đồng/tháng (tăng hơn 550.000 đồng so với năm 2007).
Xã đã tập trung trọng tâm vào trồng hoa màu và phát triển thủy sản do có lợi thế về nguồn nước từ suối Đèo Hoa, hồ Ngòi Là với diện tích mặt nước 106,79 ha (năm 2010 diện tích nuôi thả cá toàn xã là 26 ha; cây hoa 5 ha. Đến cuối năm 2012 diện tích nuôi thả cá đạt trên 90 ha; hoa màu đạt 65 ha)...
Đồng thời xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay thế cây trồng giá trị kinh tế thấp bằng các giống cây mới phù hợp đồng đất địa phương lại có hiệu quả kinh tế cao như cây hồng Nhân Hậu, bưởi Diễn, dưa bở, mía...
Trường Sơn là thôn sớm đưa cây màu vào trồng trên đất ruộng một vụ lúa và đất vườn, nhờ áp dụng kỹ thuật trong trồng màu nên thôn phát triển đa dạng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như các loại hoa ly, hoa huệ tây, hoa cúc… đến các loại rau, dưa bở, dưa lê. Từ các loại cây trồng này, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Khổng Văn Thành, Lý Thanh Đường, Phạm Thái Học…
Anh Nguyễn Văn Khởi, Trưởng thôn Trường Sơn cho biết, từ phát triển cây màu, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 1,1 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Phạm Thái Học có diện tích 9.000 m2 đất canh tác, trong đó có gần 2.000 m2 đất ruộng. Trước năm 2009, gia đình anh chỉ trông chờ vào thu nhập của 1.000 m2 đất lúa 2 vụ và 1.000 m2 trồng dưa bở.
Cuối năm 2009 gia đình anh cải tạo gần 1.000 m2 đất thành ao nuôi cá và trồng 4.000 m2 mía. Đầu năm 2010, anh về Hà Nội mua giống hồng Nhân Hậu và bưởi Diễn về trồng trên diện tích đất còn lại của gia đình. Anh Học cho biết, hiện gia đình anh có 60 gốc hồng và 30 gốc bưởi đang bước vào năm thứ 3. Năm 2012 vừa qua, các nguồn thu từ mía, cá và dưa bở của gia đình được gần 70 triệu đồng... tới đây, trên diện tích đất lúa 1 vụ kém hiệu quả gia đình dự định chuyển toàn bộ sang trồng mía.
Hộ anh Lý Thanh Đường trồng màu quanh năm, anh Đường cho biết: Trồng màu tuy vất vả vì ngoài chăm bón còn phải đi chợ bán, bù lại thu nhập cao hơn trồng lúa gấp 5 - 6 lần; một sào lúa chỉ lãi 1 tạ (tương đương 700.000 - 800.000 đồng), 1 sào màu thu hoạch có kém cũng phải được 5 - 7 triệu đồng. Anh có 4 sào ruộng đã chuyển sang trồng dưa bở, mướp ngọt, mướp đắng. Vụ đông năm 2012, trên 3 sào trồng hoa lay ơn, anh thu được 20 triệu đồng; 1 sào trồng hoa ly, dịp Tết Nguyên đán 2013, thu được 75 triệu đồng.
Thôn Kim Sơn mới đưa các loại rau màu vào trồng khoảng 2 năm nay nhưng hiệu quả kinh tế đã được khẳng định qua từng vụ thu hoạch. Thôn có 60 hộ thì có trên 20 hộ phát triển rau màu, chủ yếu là cây bắc giàn như mướp đắng, mướp ngọt, bầu, bí, dưa chuột. Ông Nguyễn Văn Thảo, trồng trên 3 sào mướp đắng, mỗi năm thu hoạch đạt từ 50 - 70 triệu đồng.
Ông Thảo cho biết, cây mướp đắng khá phù hợp với thổ nhưỡng vùng này vì đây là vùng hiếm nước trồng các loại rau màu khác không hiệu quả. Hiện mỗi ngày 2 sào mướp của gia đình ông thu trên dưới 1 tạ quả, bán rẻ cũng được 500.000 đồng, trung bình mỗi sào thu khoảng 20 triệu đồng/vụ. Hiện cây màu đang phát triển ở các thôn Trường Sơn, Kim Sơn, Hoàng Sơn, Hoàng Pháp, Nhà Thờ... với diện tích trên 65 ha. Ngoài ra, xã phát triển trên 1.000 ha rừng sản xuất tại các thôn Làng Là, Đèo Hoa, Đồng Giàn, Hoàng Sơn, Khuân Lâm.
Từ thế mạnh, ưu thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã Chân Sơn đã xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa, sản phẩm sạch, chất lượng để cung cấp cho thị trường. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi hiệu quả, tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 30%; 70 - 80% số hộ trong xã có ti vi, xe máy, điện thoại...
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…
Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.
Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.