Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Sơn cách chuyển hiệu quả
Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra, huyện Phước Sơn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng thế mạnh để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Theo đó, địa phương chuyển đổi những diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng bắp tại xã Phước Xuân và Phước Hiệp. Vụ đông xuân vừa qua, các địa phương này đã trồng hơn 10ha bắp, năng suất đạt 70 tạ/ha, giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với trồng lúa nước. Sau thành công của vụ đông xuân, vụ hè thu này, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân ở các xã có ruộng lúa thiếu nước của huyện đã mở rộng diện tích trồng bắp lên khoảng hơn 100ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng khoảng 195ha sắn xen canh với lúa rẫy cũng đem lại thu nhập đáng kể.
Tại các xã ở vùng trung và thấp như Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Đức, huyện chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng bời lời. Ông Hồ Văn Dẻo (thôn 3, Phước Năng) cho biết: “Nhờ 2ha trồng bời lời mà gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2013, gia đình thu hoạch lứa đầu tiên được 80 triệu đồng, cuối năm nay diện tích trên tiếp tục cho thu hoạch. Đầu ra ổn định, do vậy hiệu quả của cây bời lời cao hơn cây keo nhiều”. Hiện diện tích bời lời của huyện Phước Sơn khoảng hơn 300ha, dự tích đến năm 2017 sẽ mở rộng thêm 1.000ha nữa. Vùng cao tiếp tục trồng thêm diện tích quế và mở rộng trồng cây dược liệu như sâm dây, sâm bảy lá hoa…
Ngoài trồng bắp và phát triển kinh tế rừng, huyện Phước Sơn cũng chủ trương cho người dân hạn chế trồng cây keo trên những vùng đất bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Số diện tích này được chuyển sang trồng rau màu như đậu phụng, đậu xanh, ớt, dưa, bí…, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên hơn.
Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên kinh tế nông nghiệp có những chuyển biến tích cực. Huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan để nông dân học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất.
Nhờ vậy nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, địa phương còn lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất.
“Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Sơn đang có những hướng đi tích cực, giúp nông dân cải thiện thu nhập từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại địa phương” – ông Phiếm nói.
Có thể bạn quan tâm
Hiểu được nỗi khổ của người dân với điệp khúc “được mùa mất giá”, Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng xã Tiến Hưng (Đồng Xoài - Bình Phước) đã liên kết với người trồng điều để trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế).
Mấy năm gần đây, trên thị trường miền Bắc xuất hiện loại bưởi Đào Chuyên, ăn ngon và đẹp mã: Quả chín có màu vàng tươi, quả to, vỏ mỏng, chỉ có 12 múi, nhiều nước và ngọt mát, không bị “cơm nguội” và không nát tép.
Nhiều người khâm phục sự nhạy bén, năng động trong sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Thanh Tâm, khu phố Tân Trà, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).Ông Tâm là người đầu tiên ở thị xã Đồng Xoài trồng sầu riêng.
Không cần phun thuốc, tỷ lệ đậu trái khá, tăng năng suất, giá bán cao, thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng… đó là những tín hiệu vui của bà con nhà nông vùng đồng bằng sông Cửu Long khi sử dụng túi bao trái.
“Giá trăn xuống thấp, dịch bệnh hoành hành, lại thêm thủ tục mua bán phức tạp khiến chúng tôi rất hoang mang. Bây giờ rất nhiều bà con muốn bán trăn ngoài địa phương thì phải bán… chui” – anh Dương Văn Nhu – Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hiệp Phát than phiền.