Chuyển Đổi Cây Trồng Trên Đất Vườn Và Gò Đồi Hy Vọng Mới Ở Giống Cây Cũ
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, thung lũng và các vực sông xen kẽ, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ngoài cây lúa nước, dứa còn là loại cây rất quen thuộc, gắn bó lâu đời với tập tục canh tác của đồng bào Hrê ở Ba Tơ.
Trước đây, cây dứa được trồng phổ biến khắp các thôn làng. Tuy nhiên, sự “hấp dẫn” của cây keo đã khiến diện tích dứa ở Ba Tơ ngày càng bị thu hẹp dần.
Cây thế mạnh bị... thất thế
Nhiều năm trước đây, dứa là loại cây quen thuộc trong các khu vườn của người dân Ba Tơ, nhất là đồng bào Hrê. Dứa từng được coi là giống cây thế mạnh của địa phương. Trái dứa xuất hiện trong các phiên chợ của người dân, dùng làm bán buôn, trao đổi hàng hóa...
Không chỉ có giá trị về kinh tế, cây dứa còn gắn bó lâu đời với thói quen canh tác của người dân vùng đất này. Khi cây keo nguyên liệu xuất hiện, mang lại thu nhập cao khiến bà con ồ ạt trồng keo, kéo theo diện tích trồng dứa ngày càng bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân khiến trái dứa không còn được chuộng ở địa phương nữa là do chất lượng giống thoái hóa. Người dân bỏ lâu không chăm sóc, không trồng lại giống mới dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém, trái có vị chua...
Nỗ lực phục hồi
Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp, quả dứa chứa rất nhiều vitamin C, B1, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Đây là loại cây “dễ tính”, sinh trưởng nhanh, không kén đất trồng, chịu được hạn, phù hợp với đất đai và khí hậu của vùng núi Ba Tơ. Thời gian qua, Trạm Khuyến nông Ba Tơ đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình “cải tạo vườn tạp”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn và gò đồi.
Mô hình nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn. Trong đó, Trạm Khuyến nông đã thực hiện tại hai xã Ba Chùa, Ba Động với quy mô 8.500m2 để trồng dứa giống Queen và giống Cayen với số lượng hơn 3.300 chồi, ngoài ra còn trồng xen chuối và mít ruột đỏ quanh vườn.
Anh Phạm Văn Minh ở thôn Gò Ghèm, xã Ba Chùa cho biết, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ 150 chồi dứa cùng 27 gốc chuối và 5 cây mít để anh trồng. Anh Minh hy vọng lần xuống giống này sẽ thành công, vì giống cây này đã từng quen thuộc với vùng đất nơi đây, dễ chăm sóc, không cần cải tạo đất, nhanh thu hoạch. Hộ chị Phạm Thị Đêu cũng là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng dứa, gia đình chị vừa trồng 100 chồi dứa, 28 gốc chuối, 5 cây mít trong vườn nhà.
Tuy những hộ tham gia mô hình lần này rất hồ hởi với việc trồng dứa, nhưng một trong những điều khiến người dân không khỏi băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Cùng với nỗi lo này của người dân, ông Phạm Văn Kani - Chủ tịch UBND xã Ba Chùa (Ba Tơ) cho biết, thuận lợi đó là điều kiện thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với việc trồng dứa, nhưng phải tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân. Nhất là tìm đầu ra ổn định cho trái dứa, để người dân yên tâm trồng trọt. Bởi bên cạnh mục đích hiệu quả kinh tế, việc trồng lại cây dứa còn là nỗ lực phục hồi giống cây quen thuộc của địa phương.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-vuon-va-go-doi-hy-vong-moi-o-giong-cay-cu-2358787/
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.
Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.
Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn về việc cấp kinh phí bổ sung gần 10 tỷ đồng cho 5 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười nhằm hỗ trợ các khoản chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa đông xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại.
Gần 90% nông dân trồng khoai phải đi mua dây khoai lang giống, còn lại tự sản xuất hoặc trao đổi với nhau. Điều này đã làm cho nhiều giống khoai bị thoái hóa, năng suất và chất lượng đạt thấp.