Chuyển Đổi Cây Điều Ở Đắk Rlấp Đang Gặp Khó
Chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, sâu bệnh sang trồng những loại cây khác phù hợp là một chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này ở huyện Đắk R’lấp đang đặt người nông dân và ngành chức năng, chính quyền cơ sở trước những khó khăn lớn.
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp thì toàn huyện hiện có hơn 6.400 ha điều, trong đó có nhiều diện tích cho năng suất thấp do trồng những giống không phù hợp, bị sâu bệnh và già cỗi. Chủ trương của huyện là sẽ chuyển đổi khoảng 2.500 ha điều kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác.
Để cụ thể hóa điều này, thời gian qua, ngành chức năng cũng đã triển khai khá nhiều mô hình về chuyển đổi cây trồng như ca cao, cao su, cà phê, mắc ca. Tuy nhiên, vì những lí do khác nhau, việc chuyển đổi vẫn gặp không ít khó khăn.
Được biết, từ năm 2010-2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã triển khai hàng chục mô hình về chuyển đổi cây điều sang trồng cây ca cao qua hình thức trồng xen. Nhưng tính bền vững của các mô hình không được như mong đợi.
Về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Hòe, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Đắk R’lấp cho biết thêm: “Ban đầu, khi mới triển khai các mô hình về trồng xen cây ca cao vào vườn điều thì cho thấy hiệu quả khá rõ nét. Ca cao sinh trưởng, phát triển tốt nhờ được điều che bóng.
Tuy nhiên vào giai đoạn kinh doanh lại bộc lộ những vấn đề như cây dễ bị các loại sâu bệnh tấn công, năng suất không cao... nên nhà nông trở nên không mấy mặn mà”.
Cụ thể, mô hình trồng ca cao xen dưới tán điều của gia đình ông Nghiêm Xuân Quế, thôn 10, xã Đắk Wer được trồng từ năm 2010, tính đến nay đã cho thu hoạch hơn 2 năm. Thời điểm tháng 10 này là giai đoạn ca cao ra hoa, đậu quả nhưng vườn cây rất thưa thớt quả. Nhiều cây đậu quả nhưng do không được chăm sóc đúng cách nên bị khô rồi rụng.
Theo ông Quế thì cây ca cao thực chất không phải là loại dễ tính như cây điều. Nó đòi hỏi người trồng phải nắm vững những kỹ thuật nhất định. Việc xử lý mối trước khi trồng, biết phát hiện và phun xịt đúng cách thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loại bệnh, nhất là nấm hồng. Theo ông Quế thì việc bán sản phẩm ca cao của gia đình cũng gặp khó.
Thông thường, ông phải chở hạt ca cao khô đi bán cho một đại lý ở huyện Bù Đăng (Bình Phước), với mức giá 38.000 đồng - 40.000 đồng/kg, không đủ bù lại công chăm sóc, chi phí nên gia đình rất ít đầu tư chăm sóc. Năm nay, tuy giá có tăng lên đạt mức 62.000 đồng/kg nên cũng bước đầu có lãi. Ngược lại với trường hợp của gia đình ông Quế, không ít hộ dân khác ở trên địa bàn huyện đã quyết định chặt bỏ luôn vườn ca cao.
Cụ thể như trường hợp của gia đình anh Đặng Hữu Công ở thôn 4, xã Quảng Tín. Theo anh Công thì với diện tích sản xuất không nhiều nên đến mùa quả chín, ca cao của gia đình luôn bị sóc ăn với số lượng lớn. Hơn nữa cây còn bị sâu bệnh tấn công nên gia đình thấy không cho hiệu quả kinh tế nên chặt bỏ để trồng cà phê.
Trao đổi về thực tế này, ông Nguyễn Duy Thanh, Khuyến nông viên của xã Quảng Tín khẳng định: “Toàn xã có gần 10 ha ca cao được trồng xen trong vườn điều, với những lý do trên là khoảng 5 ha đã bị bà con chặt bỏ, 5 ha còn lại cũng cho năng suất thấp. Cùng với ca cao thì những năm qua, nông dân trên địa bàn cũng đã trồng xen vào hàng trăm héc ta điều các loại cây khác như cà phê, mắc ca, cao su, cây ăn quả… ”.
Đề cập đến việc chuyển đổi cây điều sang trồng khác, ông Phan Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho biết: “Đa phần các hộ trồng điều đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hộ nghèo.
Nếu muốn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác với quy mô lớn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì theo tôi tỉnh, huyện nên xây dựng cơ chế về hỗ trợ, ưu đãi về vốn cho nông dân. Cùng với đó, huyện cần có những sự khuyến khích, hỗ trợ nhằm hình thành hệ thống thu mua, chế biến trên địa bàn huyện nhằm tạo đầu ra ổn định”.
Được biết, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây điều và chuyển đổi cây điều trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với mục tiêu quy hoạch vùng trồng điều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và xác định vùng trồng điều sinh trưởng kém, năng suất thấp để chuyển sang cây trồng khác. Trong đó, từ năm 2011- 2020, huyện Đắk R’lấp có diện tích điều chuyển sang các loại cây trồng khác cao nhất tỉnh là 1.626 ha, trong đó xen canh cây ca cao: 313 ha, mắc ca: 40 ha và hơn 1.273 ha cao su.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến cảng cá Quy Nhơn thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các ngư dân tham gia Dự án chuyển giao công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) của Nhật Bản và dự lễ bàn giao công nghệ và ngư lưới cụ khai thác CNĐD cho ngư dân.
Anh Phạm Lý Cai, ngụ ấp Tân Bình (xã Tành Đảnh, Tri Tôn, An Giang), cho biết, năm nay lũ nhỏ, nghề đặt lọp ếch bị thất thu.
Là tỉnh có nhiều diện tích và tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, những năm gần đây, nuôi trồng thuỷ sản ngày càng phát triển và trở thành lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh.
Bà Katharine Heather- Tổng Lãnh sự quán Australia vừa làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bàn về khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành đánh bắt, chế biến thủy, hải sản của Australia cho các doanh nghiệp (DN) ĐBSCL.
Trong khi nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ phải treo ao, ngừng nuôi thì gia đình ông Nguyễn Văn Phú ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vẫn “sống khỏe” với mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.