Chuyện Cây Rau Má Ở Quảng Thọ
(Báo Thừa Thiên Huế "Năm qua, với 5 sào rau má, gia đình tôi lãi trên 30 triệu đồng. Nhiều hộ ở địa phương cũng thu nhập khá cao từ cây rau má", anh Cao Quảng Thiện, người trồng rau má ở Quảng Thọ đã "khoe" với chúng tôi. Nằm hạ lưu sông bồ, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) vốn là vùng quê nổi tiếng trồng rau màu, khoai và đậu lạc; song giá trị sản phẩm thấp nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Mô hình trồng rau má được hình thành đã mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Anh Cao Quảng Thiện, ở thôn Phước Yên, là người khai sinh mô hình rau má ở địa phương. Anh kể: "Vào một buổi chiều mùa hè cách đây chừng hai năm, tôi bắt gặp một số người dân hái rau má ở các triền sông, ven các kênh rạch và bán với giá khá cao. Tôi xin bà con vài kg rau về trồng thử. Đây là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp. Tôi quyết định đầu tư trồng rau má vào tháng 5/2002, diện tích 300m2. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, tôi đã trồng cây vào mùa hè. Khó thích nghi thời tiết nắng nóng, nên chết khá nhiều, nhưng tôi quyết tâm "bắt đất và cây sinh lợi". Không phụ người, sau hơn một tháng chăm sóc, cây cho lứa đầu tiên, thu nhập trên 1,5 triệu đồng. Tôi tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích cây trồng lên 5 sào..." Thị trường tiêu thụ rau má rất lớn. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày, còn là sản phẩm chế biến sinh tố, nước giải khát, được nhiều người ưa thích. Anh Thiện cho hay: "Từ 4 giờ đến 5 giờ chiều, các tay buôn đã đến thu mua sản phẩm. Chưa bao giờ sản phẩm đủ cung ứng cho họ. Có những ngày thu nhập cao từ 700 đến 800 ngàn đồng. Nhờ vậy, gần hai năm nay, cây rau má thật sự mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá cao". Anh Thiện nhẩm tính: "Mỗi sào đầu tư kinh phí khoảng 300 ngàn đồng. Trong khi đó, mỗi lứa thu hoạch 2,5 tạ; giá mỗi kg rau má từ 5 ngàn đến 6 ngàn đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi lứa lãi từ 800 ngàn đến 900 ngàn đồng/sào. Không có loại cây nào giá trị kinh tế sánh kịp cây rau má!. Năm nay, anh Thiện đầu tư trồng rau má trên toàn bộ quỹ đất vốn có của giá đình, nâng tổng diện tích rau má lên 0,5 ha. Đầu năm nay, bình quân mỗi lứa, cho lãi trên 8 triệu đồng... Thấy được hiệu quả từ cây rau má của anh Thiện, nhiều hộ dân ở Quảng Thọ đã phát triển diện tích hơn 20 ha và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Trồng rau má dễ mà khó! Xác định trồng rau má là nghề chính của gia đình, anh Thiện chú trọng kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đầu tư "ăn chắc". Thời gian qua, anh vào thành phố Đà Lạt để học tập nâng cao kỹ thuật và kinh nghiệm trồng rau. Trồng rau má có bí quyết kỹ thuật và kinh nghiệm trồng rau. Trồng rau má có bí quyết kỹ thuật riêng gì? Anh bảo rằng; rất dễ, song đòi hỏi dày công chăm sóc và xuống giống đúng thời vụ. Thời vụ hợp lý nhất là vào tháng giêng âm lịch. Vào mùa hè, cần tưới nước thường xuyên. Tuy vậy, rau má khá nhạy cảm với thời tiết, môi trường. Sương mù là tác nhân dễ khiến cây vàng úa. Khoảng 3 đến 4 giờ sáng là thời điểm sương đã phủ cây, nên cần tưới cây vào thời điểm này. Hoặc có những cơn mưa đầu mưa dù lớn hay nhỏ cũng cần tưới nước, vừa rửa axít và tránh môi trường thay đổi đột ngột, dễ khiến cây hư hỏng. Loại cây này chủ yếu thích hợp các loại phân vi sinh, và phân chuồng. Chọn giống hợp lý rất quan trọng, hiện nay có 3 loại giống chủ yếu: giống má cọng tím (thân tím, phiến lá hình dạng răng cưa); giống má mèo (cây thấp, lá nhỏ, bò sát mặt đất); giống má mở (thân to, lá to và xanh mướt, cây cao). Song, giống má mở là loại đặc biệt cho hiệu quả cao nhất trong các loại hiện có. Theo anh Thiện, Quảng Thọ là vùng đất giàu tiềm năng, đất phù sa ven sông được bồi đắp hàng năm, nên thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng. Song, trên các vùng đất trồng rau má của gia đình tôi, được đánh giá là loại đất xấu nhất, mùa mưa thường ngập úng, mùa nắng thì khô hạn. Thế nhưng, vùng "đất xấu" này lại thích hợp với cây rau má, mang lại hiệu quả kinh tế cao". Để nâng cao hiệu quả cây trồng, nguyện vọng của bà con là có được hệ thống dẫn nước từ sông Bồ, phục vụ tưới tiêu. Song, kinh phí đầu tư là vấn đề khó khăn đối với họ. Nếu được địa phương quan tâm đầu tư và mở rộng diện tích, thì rau má là loại cây có khả năng đem lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình nông dân ở đây.
Có thể bạn quan tâm
Nghề trồng rau má là một hướng đi đúng. Rau má đang trở thành một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Trồng rau má chỉ cần lên luống như luống gieo rau cải sau đó cấy giống một lần, công việc còn lại là bón phân vô cơ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu (nếu có) và tưới nước mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều cho cây rau đủ độ ẩm để phát triển. Cứ 20 ngày là cắt một lần đem nhập cho tư thương các chợ ở quanh vùng
Sau đây là một số kinh nghiệm của bà con mà chúng tôi đã thu lượm được nhân dịp về tham quan tìm hiểu loại cây này. Theo bà con ở đây thì rau má có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng loại đất thích hợp nhất cho chúng vẫn là loại đất phèn.
Rau má là cây cho lợi nhuận khá cao, nhưng trồng rau má phải dày công chăm sóc và xuống giống đúng thời vụ (hợp lý nhất là tháng giêng Âm lịch)
Dễ trồng và dễ tiêu thụ, cây rau má đã tạo sự đột phá lớn trong phát triển kinh tế của người dân xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Từ ngày chuyển đổi 7 sào đất trồng sắn, lạc, bắp sang trồng rau má, kinh tế của gia đình ông Nguyễn Đình Lâm (thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ), lên như diều gặp gió. “Nhờ cây rau má mà gia đình tôi từ chỗ chạy ăn từng bữa đã có của ăn của để và xây được nhà cửa khang trang”- ông Lâm phấn khởi.
Hiện nay ở nước ta đã nhập khẩu được rau má Tây Phi có năng suất chất lượng cao, đã được trồng ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…