Chọn Thuốc Tốt Trừ Rầy Nâu Hại Lúa

Cần căn cứ vào dự báo thời điểm trứng rầy nở rộ, rầy cám tuổi 1-3 chiếm tỷ lệ cao của cơ quan bảo vệ thực vật các địa phương để quyết định thời điểm phun trừ.
Có thể tự kiểm tra thời điểm phun thuốc ở ruộng dựa vào mật độ rầy khi điều tra, cách làm như sau: Điểm kiểm tra cách bờ 1-2m và cách nhau 4-5m. Kiểm tra khi ruộng có nước, vào 9-11giờ sáng. Tại mỗi điểm kiểm tra, vạch gốc lúa đoạn dài 2-3m, vỗ nhẹ vào gốc lúa, quan sát thấy có rầy ước chừng 10-20con/khóm là thời điểm phun thuốc trừ rầy.
Thuốc Bassa 50EC đặc hiệu trừ rầy nâu hàng chục năm nay hiệu quả vẫn tốt, tuy nhiên loại thuốc này rất độc với người sử dụng, khi phun trừ rầy giai đoạn lúa chắc xanh đến đuôi, người và trâu, bò thường không sử dụng được sản phẩm. Bà con nên chọn một số loại thuốc trừ rầy mới ít độc hại với người và vật nuôi, cụ thể như sau:
Mật độ rầy thấp, dưới 20con/m2 dùng các loại thuốc điều hoà sinh trưởng như: Trebon 10WP; Applaud 2525WP; Difluent 10WP… kết hợp với chất bám dính phun vào gốc nơi rầy trú ngụ.
Mật độ rầy 20-60con/khóm dùng nhóm thuốc điều hoà sinh trưởng kết hợp với thuốc tiếp xúc như: Trebon 10WP; Bulldock 25EC; Bassa 40EC… phun vào gốc lúa.
Tốt nhất dùng loại thuốc trừ rầy có 2 tác động: Nội hấp (lưu dẫn) và tiếp xúc mạnh, ít độc hại với người và thiên địch, thời gian trừ rầy dài, chỉ cần phun lên tán lá, không cần rẽ lúa khi phun. Những loại thuốc trừ rầy nội hấp đặc hiệu đáng tin cậy có uy tín cao trên thị trường có tên thương phẩm là: Oshin 20WP; Actara 2EC; Cruise-plus 312,5FS; Admire 50EC; Confidor 70WG; Sutin 5EC. Về nồng độ, liều lượng cần căn cứ vào mật độ rầy, tuổi rầy để quyết định. Thông thường, khi đa số là rầy tuổi nhỏ (trên 50% số rầy tuổi 1-3) mật độ thấp dưới 15con/khóm phun thuốc với nồng độ, liều lượng như hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Mật độ 20-60con/khóm, tăng nồng độ lên gấp 1,5lần.
Mật độ cao trên 60-100con/khóm, tăng nồng độ, liều lượng gấp 2lần để diệt rầy bằng cả hai con đường tiếp xúc và nội hấp.
Nếu đa số là rầy trưởng thành (trên 50% số rầy tuổi 5 có cánh ngắn hoặc dài), mật độ rầy cao trên 100con/khóm, giai đoạn lúa đỏ đuôi, dùng Oshin 20WP với lượng 6gói/3bình/sào hoặc cần phối hợp giữa nhóm này với thuốc trừ rầy tiếp xúc mới ít độc hại với người (Trebon 10WP; Bulldock 25EC) nhưng tăng gấp 1,5 lần nồng độ, liều lượng để phun trừ kịp thời, tránh cháy rầy.
Rầy nâu là đối tượng dịch hại có khả năng kháng thuốc cao. Qua mỗi vụ lúa nên thay thuốc trên một cánh đồng, thửa ruộng tránh hiện tượng quen thuốc. Khi trừ rầy nâu trên mặt ruộng nên có lớp nước ngập 3-10cm cho hiệu quả tốt hơn.
Cần dùng bình bơm có "béc" tia nhỏ để phun, tốt nhất cho thêm chất bám dính 10-15ml/bình để tăng độ bám dính của thuốc lên thân lá lúa, tăng hiệu quả của thuốc lên 10-15%.
Có thể bạn quan tâm

Như chúng ta đã biết trong các sản phẩm 2,4 D dùng làm thuốc trừ cỏ (thường là muối 2,4 D natri hoặc 2,4 D dimethyl amin) có chứa một lượng chất chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do.

Giá phân bón ngày càng leo thang, thay đổi từng ngày đã ảnh hưởng rất nhiều đến người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp nước nhà nói chung.

Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, bệnh Lùn sọc đen (LSĐ) vẫn tiếp tục gây hại đối với cây lúa, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, nơi có dịch LSĐ bùng phát trên diện rộng từ nhiều ngày qua.

Ngày nay, nếu con người có thể áp dụng thành công công nghệ di truyền (genetic engineering) để điều khiển bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các giống cây mới có đặc tính mong muốn, thì, tương tự, cũng có thể áp dụng công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết đồng ruộng theo ý muốn nhằm thu hút thiên địch đến diệt trừ sâu hại cây trồng để giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đối phó khô hạn bằng cách vận động nông dân chuyển đổi, luân canh cây màu trên nền lúa, Cần Thơ chủ trương bố trí mùa vụ theo khung thời vụ từng địa phương có kết hợp biện pháp xuống giống đồng loạt, né rầy, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng; lịch gieo sạ lúa HT bắt đầu đợt 1 từ 27-3 đến 3-4-2010.