Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chọn cây đậu xanh, dứa... thay cho lúa

Chọn cây đậu xanh, dứa... thay cho lúa
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 12/03/2016

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra trong nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 11.3, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) đã phối hợp nhiều cơ quan chức năng các tỉnh, thành trong vùng tổ chức hội thảo “Tiết kiệm nước trong nông nghiệp cho các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) lo lắng: Việc xây dựng hàng chục hồ thuỷ điện, đập trên sông Mekong, gia tăng diện tích canh tác lên đến 31.000ha ở Lào và Campuchia và các dự án chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng Đông Bắc (Thái Lan) cũng góp phần làm cho khu vực hạ lưu gánh chịu hậu quả nặng nề.

Theo các cơ quan chuyên môn, sản xuất nông nghiệp là ngành tiêu thụ nguồn nước lớn nhất (chiếm khoảng 70%), trong khi đó ngành công nghiệp chỉ chiếm 22%, dân dụng chiếm 8%. Vì vậy, trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn trên, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là làm sao sử dụng nước một cách tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao nhất.

Phần lớn, đại diện các địa phương cho rằng, biện pháp trước mắt là cần chọn cây trồng chịu hạn, mặn cao và có biện pháp luân canh hợp lý. Cụ thể là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo mô hình lúa – tôm, nuôi trồng thuỷ sản, có áp dụng các biện pháp chống thất thoát nước, làm gia tăng độ ẩm trong đất. Trong điều kiện cho phép, có thể sử dụng nước thải an toàn bổ sung cho cây trồng. “Nước sau khi tắm, có thể tưới cho rau. Bây giờ, tiết kiệm 1m3 nước có ý nghĩa hơn hơn là tìm ra 1m3 nước” – PGS - TS Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Tranh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin: Tỉnh Cà Mau vừa chọn được cây đậu xanh thay cho cây lúa và sẽ mở rộng trồng loại cây này trong thời gian khô hạn tới. “Ở Cà Mau, hạn đến sớm, đất lúa khô cằn và nứt nẻ. Người dân không sản xuất lúa, gieo hạt đậu xanh trên nền đất nứt và tiết kiệm đến nỗi chỉ tưới 2 đợt (15 ngày và từ 25-30 ngày), vậy mà cây phát triển tốt, cho năng suất tới 3 tấn/ha, thương lái đến mua với giá 32.000 đồng/kg. Năm sau, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này và không sợ hạn nữa” – ông Tranh nói.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngẫu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hậu Giang thì cho biết: “Tỉnh Hậu Giang sẽ chuyển cây lúa, cây mía sang khóm (dứa), cây ăn trái và áp dụng biện pháp tưới nhỏ ngọt, tiết tiệm nước”.

Theo Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), việc tưới nước cho cây trồng hiện nay phải được tính toán kỹ vừa đủ, chỉ tưới cho cây không tưới rộng sang đất, gây lãng phí. Đồng thời, có thể áp dụng cách tưới nước tiết kiệm nước ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể là dùng bình đất nung, có khoét lỗ đặt xuống chung quanh gốc cây để nước thấm từng giọt ra ngoài nuôi bộ rễ; dùng ống tre có khét lỗ hoặc tưới bằng chai nước úp ngược được đặt cạnh bộ rễ cây…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nói rằng, về lâu dài cần trữ nước lũ để dành lại dùng cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Ngoài lợi ích trên, việc trữ nước lũ còn giúp góp phần giảm xâm nhập mặn ở hạ lưu, giảm tác động của lũ, phân tán lũ trong mùa mưa,  tồn trữ cá thiên nhiên sau khi lũ rút…


Có thể bạn quan tâm

Giá lúa tăng 300 đồng/kg Giá lúa tăng 300 đồng/kg

So với thời điểm tháng 2 thì giá lúa Đông xuân 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những ngày đầu tháng 3 này đang tăng khoảng 300 đồng/kg, trong đó tăng mạnh nhất là các giống lúa hạt dài như: OM 5451 và OM 4900. Cụ thể, hiện thương lái mua lúa tươi, cắt máy tại ruộng với hai loại giống trên có giá từ 4.900 - 5.000 đồng/kg, riêng giống lúa IR 50404 cũng đang tăng nhẹ và ở mức 4.400 - 4.500 đồng/kg.

11/03/2016
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần nhiều nỗ lực Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần nhiều nỗ lực

Sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và là “chìa khóa” để nông sản của tỉnh nhà bước vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.

11/03/2016
Những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP Những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP

Ra đời từ năm 2008, sản xuất rau VietGAP đã nhanh chóng thâm nhập vào những vùng nông nghiệp Lâm Đồng, mang đến lợi nhuận vượt trội cho người nông dân. Đến nay, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích rau VietGAP. Tuy nhiên, lộ trình phía trước đang đối diện với nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

11/03/2016