Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP

Những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP
Tác giả: VĂN VIỆT
Ngày đăng: 11/03/2016

Dẫn đầu diện tích VietGAP cả nước

Theo ông Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam), từ năm 2012 đến nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu nhanh chóng khôi phục và mở rộng, đã tạo cơ hội cho người nông dân phát triển thêm nhiều diện tích và các loại rau đạt giá trị lợi nhuận cao hơn, trong đó có diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng ở tỉnh Lâm Đồng, đến đầu năm 2016 đã chiếm vị trí “số 1” trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rau VietGAP.

Cụ thể, diện tích rau VietGAP ở 4 tỉnh dẫn đầu cả nước gồm: Lâm Đồng hơn 1.300ha, Vĩnh Phúc 400ha, thành phố Hồ Chí Minh gần 270ha và Hải Dương hơn 130ha. Đánh giá chung về kết quả sản xuất rau VietGAP ở Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nói thêm: “Đặc trưng rau VietGAP ở vùng cao nguyên Lâm Đồng là có thể sản xuất quanh năm với đa chủng loại khác nhau, đạt chất lượng tươi ngon, đồng đều, thời gian bảo quản dài.

Sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng phần lớn đã hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nên đảm bảo ổn định thị trường đầu ra. Hàng năm xuất khẩu rau VietGAP sang các nước Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… chiếm tỷ lệ từ 3 - 5% sản lượng rau toàn tỉnh…”.

Khảo sát của phóng viên tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ gia đình sản xuất rau VietGAP ở Đà Lạt và các vùng phụ cận cho biết, lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất rau VietGAP trong 3 năm gần đây đạt trung bình khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có không ít diện tích trồng dâu tây Newzealand, các giống cà chua của châu Âu, châu Mỹ, các loại rau baby, rau thơm châu Âu… đạt lãi trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Để sản xuất trên 1ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn (từ 1,5 - 2 tỷ đồng xây dựng nhà kính, hệ thống tưới nước và bón phân tự động, chưa kể giá trị về đất), kỹ thuật canh tác hiện đại, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, chi phí phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm còn khá cao. Mặt khác, hiệu lực của Giấy Chứng nhận VietGAP chỉ trong vòng 2 năm, giám sát định kỳ 1 năm/lần… nên đã gây không ít khó khăn cho người nông dân khi tiếp cận sản xuất.

Chi tiết hơn, bà Cao Thị Làn (Khoa Nông lâm - Trường Đại học Đà Lạt) phân tích hàng loạt khó khăn trong phát triển rau VietGAP Lâm Đồng gồm: quy trình sản xuất với quá nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khắt khe; chi phí sản xuất tăng cao hơn từ 10 - 15% so với chi phí sản xuất truyền thống; giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân phân phối chưa có liên hệ chặt chẽ…

Kế đến vẫn còn nhiều diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không theo mùa vụ, khó kiểm soát; phải ghi chép nhật ký sản xuất từ khâu chuẩn bị đất đến thu hoạch, dán mã vạch; phải phân lô, mã hóa các lô sản xuất; một bộ phận thị trường còn chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm rau VietGAP và rau không VietGAP…

Trong những khó khăn về sản xuất rau VietGAP ở Lâm Đồng nêu trên, ông Phạm Văn Hội đã nhận diện 3 nút thắt chính cần tháo gỡ đó là: Người sản xuất rau không VietGAP vẫn còn thiếu thông tin và kỹ thuật sản xuất rau VietGAP để chuyển đổi quy trình; người tiêu dùng thường thiên về khía cạnh “tiêu cực” của thông tin (khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một vài trường hợp rau không an toàn đánh tráo rau an toàn, thay vì nhận định thị trường rau an toàn đã được kiểm soát, thì người tiêu dùng lại chuyển sang nghi ngờ “rau an toàn chưa chắc đã an toàn” (!)); các đầu mối thu mua rau VietGAP không thể hiện được vai trò kiểm soát mức độ an toàn của sản phẩm trước khi phân phối đến người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tháo gỡ những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng, điều cần thiết bây giờ là quy hoạch và thực hiện đầy đủ quy hoạch vùng sản xuất VietGAP của Đà Lạt và các vùng phụ cận, kiên quyết không cho phép sản xuất rau không VietGAP ở những vùng quy hoạch rau VietGAP.

Tiếp theo cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế doanh nghiệp, đào tạo nguồn lực, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình VietGAP; xây dựng và ban hành quy trình canh tác đối với từng loại rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất VietGAP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng các hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm, liên kết giới thiệu sản phẩm rau VietGAP của Lâm Đồng đến nhiều thị trường trong nước và nước ngoài.


Có thể bạn quan tâm

Gần 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn, mặn Gần 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn, mặn

Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 994.000 ha lúa xuống giống tại ĐBSCL.

11/03/2016
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần nhiều nỗ lực Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần nhiều nỗ lực

Sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và là “chìa khóa” để nông sản của tỉnh nhà bước vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.

11/03/2016
Nông dân còn thờ ơ với cơ giới hóa nông nghiệp Nông dân còn thờ ơ với cơ giới hóa nông nghiệp

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Thế nhưng, hiện nay nhiều nông dân Bạc Liêu vẫn còn sản xuất thủ công từ khâu cải tạo đất đến thu hoạch lúa. Và chuyện thất thoát sau thu hoạch, giảm lợi nhuận là điều hiển nhiên.

11/03/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.