Choáng với trang trại nuôi cá theo công nghệ Thái Lan, thu 1 tỷ đồng/năm
Gần 30 năm liên tục nuôi cá, nhưng chỉ 4 năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Khôi mới thực sự “bỏ ống” được hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, nhờ áp dụng công nghệ của Thái Lan.
Ông Khôi hướng dẫn khách thăm trang trại cá
Đến thăm trang trại chăn nuôi cá công nghệ Thái Lan của gia đình ông Nguyễn Văn Khôi ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Từ Kỳ, Hải Dương, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước sự đầu tư quy mô, bài bản.
Với diện tích gần 10ha mặt nước gọn vùng, liền bờ, ông Khôi đã quy hoạch thành các ao chăn nuôi liên hoàn từ cá hương lên cá phân, cá phân thành cá giống và cá giống thành cá thương phẩm. Các thành, bờ ao đều được kè cứng đảm bảo nước không rò rỉ. Có cống cấp, thoát nước dễ dàng. Có quạt nước và máy sục khí thoả mãn nhu cầu ô xy cho các loại cá trong ao sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Riêng cá hương được đầu tư nhân nuôi trong bể composite.
Giới thiệu về quy trình nuôi cá của gia đình, ông Khôi cho biết: Nếu cứ nuôi cá theo phương pháp truyền thống, không xử lý nước ao, chăn thả tự nhiên và cho ăn tận dụng... thì rất dễ bị rủi ro, nếu có được hiệu quả chăn nuôi cũng chỉ đạt dưới 10%, bởi vì hiện nay hầu hết ao hồ, sông ngòi ở nước ta đều bị ô nhiễm. Có thể đây là một trong những lý do để gia đình ông Khôi chọn chăn nuôi cá theo công nghệ Thái Lan.
Theo đó, khi thiết kế trang trại chăn nuôi thuỷ sản, ông Khôi đã dành riêng 1 ao để bơm lọc làm sạch nước bổ sung cho các ao nuôi cá, định kỳ 15 ngày 1 lần thay mới 50% nước cũ cho mỗi ao.
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi ông Khôi còn tiếp tục dùng các chế phẩm Pond contron, CP Zeolite, Gtand zeo, Cleaner - 80, pH Fixer... để xử lý đáy và nước ao theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao gói. Các chế phẩm này có tác dụng diệt khuẩn, hấp thụ khí độc, lắng tụ chất lơ lửng, phân giải chất thải dưới ao, cân bằng pH nước và ổn định môi trường nước ao...
Trong điều kiện môi trường nước ao nói trên, sẽ cho phép nuôi thả với mật độ trung bình 1 con cá giống/1m2 mặt nước. Tỷ lệ cơ cấu các loại cá nuôi thả bao gồm: 60% cá rô phi đơn tính, 20% chép Việt Thái, 10% trắm cỏ, 5% mè hoa và 5% cá trôi.
Thức ăn cho cá chủ yếu là cám công nghiệp đã chế biến hoàn chỉnh, có thể tận dụng thêm một số chất hữu cơ thô xanh từ sản xuất nông nghiệp. Khi thời tiết nắng nóng, cá bị căng thẳng, mật độ nuôi thả cao... cần bổ sung Vitamin Mutagen Gold, C – Mix vào thức ăn cho cá.
Bằng cách làm này, mỗi năm gia đình ông Khôi đã cung ứng ra thị trường được 150 tấn cá thịt các loại và 2 triệu con cá giống (chủ yếu là chép Việt Thái và rô phi đơn tính), doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ.
Theo ông Khôi, bên cạnh công nghệ nuôi cá Thái Lan, còn có công nghệ nuôi cá Israel, Mỹ, Na Uy đang được các nhà nông nước ta áp dụng vào sản xuất. Tất cả các quy trình công nghệ này đều hướng tới tạo môi trường tối ưu cho cá nuôi sinh trưởng phát triển đạt năng suất cao.
Tuy nhiên, mỗi quy trình công nghệ đều có những hạn chế và thế mạnh riêng. Công nghệ nuôi cá của Israel là tạo ra một con sông thu nhỏ trong ao, dùng máy tạo sóng đẩy nước sông thành dòng chảy tuần hoàn liên tục, kết hợp với máy hút cặn bã đáy sông hàng ngày... sẽ cho phép nuôi thả cá với mật độ rất cao, hiệu quả chăn nuôi đạt được cũng rất cao.
Nhưng công nghệ này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn điện, mất điện trong vài chục phút, cá nuôi sẽ bị ngạt thở, gây rủi ro thất thoát lớn. Vì vậy nuôi cá công nghệ Israel chỉ phù hợp với các chủ trang trại có tiềm lực kinh tế mạnh.
Nuôi cá theo công nghệ Thái Lan như gia đình ông Khôi đang làm, vốn đầu tư ban đầu thấp hơn, đỡ phụ thuộc vào nguồn điện hơn, gần với tập quán chăn nuôi của người dân hơn, dễ áp dụng, hiệu quả chăn nuôi cao hơn 20% so với cách nuôi cá truyền thống ở nước ta, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với nuôi cá công nghệ Israel.
Kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm của ông Khôi cho thấy, sai lầm mà các trang trại chăn nuôi thuỷ sản thường hay mắc phải là: Ít quan tâm cải tạo môi trường ao trước khi nuôi thả cá. Và không phát hiện xử lý kịp thời khi cá nuôi vừa chớm bệnh. Dẫn đến tỷ lệ thất thoát trong chăn nuôi còn cao, hiệu quả nuôi thả cá đạt thấp.
"Ông Nguyễn Văn Khôi là một trong số những nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương, ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn giúp cho 3 lao động trong thôn có việc làm và thu nhập thường xuyên, 6 triệu đồng/người/tháng" ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Mạnh dạn thuê đất trồng gấc, chỉ một năm sau, ông Đặng Văn Hai ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã có thu nhập gần 600 triệu đồng.
Với 7 ha trồng nhãn, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Hữu Thanh ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thu về lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cây khóm (dứa) là một trong mười loại nông sản được tỉnh Hậu Giang lựa chọn để xây dựng vùng chuyên canh, tập trung, phát triển thành nông sản chủ lực