Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cho Trồng Bắp Biến Đổi Gen Ngành Chăn Nuôi Được Gì?

Cho Trồng Bắp Biến Đổi Gen Ngành Chăn Nuôi Được Gì?
Ngày đăng: 01/10/2014

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho bắp (ngô) biến đổi gen (BĐG) MON 89034 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto của Mỹ). Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi giống bắp này sẽ được tung ra thị trường. Ngành chăn nuôi (bao gồm cả sản xuất thức ăn và chăn nuôi) Việt Nam được gì từ cuộc chơi này?

Được gì?

Trước đó, ngày 11 - 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm đối với bốn giống bắp BĐG, gồm NK 603, MON 89034 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam và MIR162 và Bt 11 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.

Phía những người ủng hộ cho rằng trồng bắp BĐG sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (bảy tháng đầu năm 2014 nhập khẩu bắp của Việt Nam đạt trên 2,6 triệu tấn, trị giá gần 690 triệu đô la Mỹ, tăng gần 140% về lượng và gần 89% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái), góp phần tạo điều kiện đưa ngành chăn nuôi phát triển theo.

Xét khía cạnh Việt Nam đang thiếu và phải nhập hàng triệu tấn bắp/năm để phục vụ cho ngành chăn nuôi, rõ ràng việc đưa cây bắp BĐG (ưu thế đặc biệt là năng suất cao hơn hẳn so với bắp lai truyền thống) vào sản xuất là quyết định đúng. Ngoài ra, tại một hội nghị gần đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 20 năm qua, ngành chăn nuôi luôn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, khoảng 6 - 8%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Dương, có được kết quả trên là nhờ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn duy trì được mức tăng trưởng 10 - 13%/năm, đưa Việt Nam thành quốc gia đứng đầu ASEAN và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất ra (năm 2013 sản xuất được khoảng 17 triệu tấn).

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi và ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài (FDI) “làm mưa làm gió”, câu hỏi được đặt ra là: “Việt Nam đang tìm gì trong chiến lược phát triển cây bắp BĐG?”.

Thực tế, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi FDI đang hoạt động, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 doanh nghiệp) nhưng nắm giữ đến 65-70% thị trường cả nước.

Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, phần lớn thị phần đã rơi vào tay của CP (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia)... Cụ thể, thống kê của Cục Chăn nuôi, cho biết doanh nghiệp FDI hiện chiếm trên 70% thị phần gà công nghiệp của cả nước, trong đó riêng CP chiếm khoảng 50% thị trường trứng gà và 30% thị trường thịt gà công nghiệp và khoảng 7% thị trường thịt heo của cả nước...

Với thực trạng được nêu ở trên, rõ ràng rất khó xác định được lợi ích kinh tế thật sự cho Việt Nam nếu cây bắp BĐG được phát triển trong nước theo như quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều gì đến với Việt Nam?

Vào tháng 9 - 2012, tạp chí khoa học Food & Chemical Toxicology (Mỹ) đã đăng tải kết quả nghiên cứu của nhà sinh học phân tử người Pháp Gilles - Eric Séralini thuộc Đại học Caen (Normandy, Pháp), cho thấy chuột được nuôi bằng bắp BĐG NK603 suốt hai năm liên tiếp đã mắc bệnh ung thư, dù sau đó có một số thông tin cho rằng kết quả nghiên cứu này chưa có bằng chứng xác thực.

“Theo tôi được biết, trên thế giới hiện chưa có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy con người sử dụng cây trồng BĐG có ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, cũng không có bằng chứng cho thấy an toàn”, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, trường Đại học Cần Thơ, cho biết.

Trong khi đó, nếu được phép trồng và sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là gia súc, gia cầm sẽ tiêu thụ thức ăn có thành phần làm từ cây trồng BĐG. Vậy điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe con người, nếu kết quả nghiên cứu của nhà sinh học phân tử Gilles-Eric Séralini là đúng?

Trao đổi với TBKTSG, ông Đệ cho biết trên thế giới hiện có hai quan điểm đối với cây trồng BĐG, bên ủng hộ, bên phản đối dẫn đầu trường phái phản đối là các nước Liên hiệp châu Âu (EU), cho rằng việc sử dụng thực phẩm BĐG là mối nguy rất lớn đối với sức khỏe con người, do đó họ phản đối nhập khẩu và sử dụng thực phẩm BĐG, kể cả trực tiếp và gián tiếp.

“Chúng ta là quốc gia xuất khẩu nông sản, cho nên việc sản xuất cây BĐG dù chỉ để sử dụng cho chăn nuôi thôi cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, đặc biệt là ở các nước EU - những quốc gia phản đối cây BĐG”, ông Đệ cho biết.

Xét ở một vài khía cạnh nào đấy, rõ ràng việc trồng bắp BĐG chưa hẳn là một lựa chọn đúng cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản (theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước tám tháng đầu năm 2014 đạt 20,22 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chính vì vậy, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cảnh báo cần có những nghiên cứu sâu hơn về cây trồng BĐG.

Không lo độc quyền giống bắp biến đổi gen

TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, cho rằng một số người lo ngại việc sử dụng và trồng giống bắp biến đổi gen (BĐG) do các tập đoàn đa quốc gia cung cấp sẽ dẫn đến độc quyền, áp đặt giá bán tăng cao cũng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Hàm, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam chưa có công nghệ sản xuất giống bắp lai, lúc đó ngành nông nghiệp trong nước cũng mạnh dạn cho các công ty giống của nước ngoài vào. “Thời điểm đó, cũng từng có lo ngại xảy ra độc quyền vì trong nước không có công nghệ đó. Thế nhưng, thực tế chẳng những việc lo ngại đã không xảy ra mà còn thúc đẩy việc nghiên cứu bắp lai trong nước phát triển và cuối cùng Việt Nam cũng làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai”, ông cho biết.

Theo ông Hàm, ngay cả khi Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai rồi, thì hiện nay các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ mới chủ động được khoảng 30% giống, 70% còn lại vẫn phải do các công ty đa quốc gia cung cấp nhưng cũng không hề có độc quyền xảy ra.

Theo ông Hàm, tương tự đối với công nghệ BĐG, nó sẽ giúp nông dân làm giảm chi phí thuốc trừ sâu (bắp kháng sâu đục thân), tăng năng suất. Thế nhưng, nếu công ty cung cấp giống bắp BĐG vì độc quyền mà tăng giá bán giống, hay nói cách khác cái tăng của năng suất và giảm chi phí thuốc trừ sâu vẫn không bù được so với chi phí tăng giá của hạt giống, tức thu nhập sản xuất bắp BĐG không bằng bắp lai truyền thống. “Đương nhiên, nông dân sẽ bỏ công nghệ mới (bắp BĐG) quay về công nghệ cũ (bắp lai)”, ông Hàm cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò xã Tân Hạnh nhãn đã có mã code đi Mỹ Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò xã Tân Hạnh nhãn đã có mã code đi Mỹ

Với mã số được cấp (PUC) là DE.09.02.01.001, Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò xã Tân Hạnh (Long Hồ) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vinh dự được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục bệnh chổi rồng và đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng theo các chỉ tiêu đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm và tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

10/09/2015
Doanh thu từ quả lê đạt trên 3,5 tỷ đồng Doanh thu từ quả lê đạt trên 3,5 tỷ đồng

Thời điểm này, nông dân Bắc Hà (Lào Cai) đang vào cuối vụ thu hoạch quả lê.

10/09/2015
Mãng cầu cho trái nhiều vụ Mãng cầu cho trái nhiều vụ

Nằm trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) thường xuyên tìm những loại cây trồng mới, ứng dụng kỹ thuật mới để cho ra sản phẩm chất lượng. Mãng cầu đang là sản phẩm nổi bật của tổ hợp tác này.

10/09/2015
Làm giàu từ cây na trên vùng đất Sơn La Làm giàu từ cây na trên vùng đất Sơn La

Ông Trương Văn Đôn là người đã biết cách làm giàu từ 3 ha trồng cây na cho thu nhập gần 700 triệu đồng mỗi năm.

10/09/2015
Dồn sức thu hoạch lúa hè thu, đề phòng mưa lớn gây ngập úng Dồn sức thu hoạch lúa hè thu, đề phòng mưa lớn gây ngập úng

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, những ngày tới, trên địa bàn chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp bị nén bởi lưỡi áp cao lạnh lục địa và đới gió Đông trên cao có xu thế hoạt động mạnh lên, nên từ ngày 15-19/9, sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng toàn tỉnh.

10/09/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.