Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chợ Trên Sóng

Chợ Trên Sóng
Ngày đăng: 11/03/2014

Gọi hoạt động mua bán cá ngoài biển khơi là chợ trên sóng là bởi, cảnh mua bán rộn ràng ngang ngửa với chợ trên bờ, nhưng đồng thời cũng không thiếu những khung cảnh thơ mộng, lãng mạn của sóng nước. Hàng ngày, trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan, Phù Mỹ (Bình Định) có đến vài chục chiếc tàu rẽ sóng tìm đến những mẻ cá còn tươi rói của ngư dân vừa kéo lên khỏi mặt nước, ngay trên ngọn sóng.

Bình minh trên biển

Chiếc tàu BĐ 96322 công suất 140CV của anh Nguyễn Tấn vui vẻ đón tôi cùng đi thu mua cá khi trời còn nhá nhem tối. Anh và vài người bạn khác vừa về lúc 11 giờ đêm hôm trước, 4 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục quay mũi thuyền ra biển. Cùng đi thu mua, còn có nhiều tàu của các thương lái khác cùng xuất bến ở cửa biển Tam Quan (Hoài Nhơn).

Buổi sáng, biển êm như ru, sóng dập dềnh âu yếm mạn thuyền. Anh Tấn vừa lái tàu vừa ăn vội hộp cơm vợ anh để sẵn trên cabin. Đội thu mua có 3 người, thường là những thanh niên khỏe mạnh để đọ sức với biển. Đội của anh Tấn thì đặc biệt hơn khi có thêm một người phụ nữ: chị Liên. Tuy không vai u thịt bắp nhưng gần 40 năm con sóng va đập cũng đủ làm nước da chị sạm đen với vị mặn.

Mọi vật dụng chuẩn bị trên tàu thu mua cá cũng như cho một chuyến đánh bắt ở ngư trường xa, trừ một thứ: đá lạnh ướp cá. Vì cá mua xong là phải đem vào bờ ngay, khi chúng còn nguyên độ tươi ngon. Vật dụng chủ yếu trên tàu là thùng nhựa để đựng cá. Và cá thường được mua nhiều nhất là cá cơm.

Sau khi định vị ngư trường, tàu thu mua khóa ga chạy. Đội thu mua ngồi tựa trên mạn thuyền vừa tranh thủ ăn sáng vừa nghỉ dưỡng sức. Đây là thời điểm thảnh thơi nhất trong chuyến đi. Họ ngồi ngắm bình minh đang hừng ở phía đông.

Trong sự giao hòa trời- biển, trong khung cảnh huyền ảo mà rực rỡ của sự pha trộn giữa sắc đỏ rực của mặt trời vừa e ấp nhô lên với màu xanh nước biển và những ngọn sóng trắng xóa, hình ảnh những con người lao động cần mẫn trên những chiếc thuyền như nổi bật lên, nhỏ bé giữa biển cả mênh mông, nhưng có lúc lại mạnh mẽ, táo bạo trước sự hung hãn khôn lường của biển.

Tàu vượt ra khơi khoảng hơn 20 hải lý, xung quanh chỉ còn sóng nước, thấp thoáng trong tầm mắt khoảng vài chục tàu cá đang bủa lưới. Lưới đánh cá cơm ngư dân thường dùng là lưới mùng màu xanh, gọi là trủ. Mỗi lần các tàu kéo lưới lên, từ xa nhìn như bức rèm thưa dịu dàng thả xuống từ trời xanh.

Khi người lái tàu bắt đầu đảo mắt quan sát các tàu thu mua cá cũng là lúc đội mua vào việc. Anh Tấn cho biết: “Hơn thua nhau là mình phải tinh mắt, phán đoán tàu cá nào có dấu hiệu kéo lưới là mình phải áp sát, nếu không kịp thì tàu khác sẽ đến mua trước mình”.

Eo sèo mặt nước

Tàu đánh bắt các loại cá, mực nhỏ hoạt động cách bờ khoảng vài chục hải lý dọc theo cửa biển Sa Huỳnh, Tam Quan, Đề Gi... Đây là ngư trường có nhiều cá cơm. Cá cơm vùng này ngọt, làm mắm ngon nên được ưa thích hơn các nơi khác. Trước kia, khi đánh bắt khoảng một ngày, các tàu phải quay vào bờ bán cá, nhưng thời gian gần đây họ làm nhiều ngày ngoài biển, khi nào hết lương thực mới vào bờ nghỉ ngơi, bởi đánh bắt xong là có thể bán liền trên biển.

Mỗi mẻ lưới kéo lên là có vài tàu mua cá ập đến. Giá bán ngoài biển có rẻ hơn nhưng bù lại không tốn tiền dầu và không mất thời gian chạy về cảng. Ông Thanh, một chủ tàu đánh bắt cá cơm ở Sa Huỳnh vừa bán xong gần 20 két cá, thảnh thơi tâm sự: “Từ ngày có dịch vụ thu mua trên biển, chúng tôi yên tâm chỉ lo đánh bắt. Ngày mở biển đổ đầy dầu, khi về ví bọc đầy tiền vô bờ chứ không phải chở cá”.

Ai đặt chân lên thuyền đầu tiên là được ưu tiên mua trước.

Thoáng thấy chiếc tàu nghiêng ngả đang dồn sức kéo lưới, anh Tấn bẻ tay lái nhấn ga bám tới. Khi mạn thuyền anh Tấn áp sát, vừa kịp quăng neo cột vào tàu đánh bắt, hai chiếc tàu thu mua khác cũng trờ tới. Nhanh như cắt, chị Liên nhảy phóc qua tàu cá trước tiên. Theo lệ, tàu nào đến trước được mua hết hoặc mua nhiều hơn.

Một chiếc thuyền đánh bắt, có khi có đến 3-4 chiếc thuyền thu mua neo dính lại ở một bên tàu đánh bắt, phía không kéo lưới. Chiếc ngoài cùng phải nhờ các tàu khác làm lối đi. Đây là lúc nguy hiểm nhất của chợ trên sóng. Nước dập dềnh làm các mạn thuyền chòng chành va đập mạnh vào nhau rồi lại giãn ra xa quá bước chân người.

Chỉ cần bước lỡ một nhịp cũng đủ đưa cả người và cá lọt thỏm xuống biển, hoặc nếu bị kẹt vào 2 mạn thuyền cũng nguy hiểm không kém. Nhưng những bước chân của người thu mua vác trên vai két cá nặng trịch cứ nhuần nhuyễn, thoăn thoắt bước qua. Chính sự nguy hiểm đã dạy cho họ tính cẩn thận và độ chính xác tuyệt vời.

Mẻ lưới cá cơm vừa được kéo lên, những con cá còn búng nhảy bắn lên vô vàn tia nước nhỏ, sáng lóng lánh dưới ánh mặt trời đẹp đến lạ kỳ. Lẫn với tiếng sóng là tiếng mặc cả mua bán với giọng ầm ào giữa các tàu thu mua. Những người mua tự động đưa ra giá cạnh tranh, chủ cá không cần ra giá. Cuộc mua bán diễn ra căng thẳng nhưng chóng vánh. Xong tàu này, các tàu thu mua lại tranh thủ tháo neo tìm đến những tàu đánh bắt khác. Một buổi rượt đuổi thu mua, tàu anh Tấn đã có hơn 100 két cá cơm trong hầm.

Buổi trưa, khi mọi người đã đói và thấm mệt, tàu neo lại nghỉ. Sau khi nấu cơm, anh bạn trên tàu lấy cần ra câu cá. Khi nồi cơm vừa chín tới, hơn chục con cá tầm ngón chân cái dính câu còn giãy đành đạch cũng đã sẵn sàng. Cá tươi luộc chấm nước mắm thôi đã thấy ngọt lịm.

Thuyền neo lại một chỗ chao chao nghiêng nghiêng. Với người ít đi biển thì đây là lúc dễ say sóng nhất. Hơn sáu giờ chạy trên biển, tôi luôn thấy thích thú, đủ tỉnh táo để cảm nhận cuộc sống trên biển. Từ lúc thuyền neo lại đến khi mâm cơm được dọn ra, con cá vừa được luộc cứ lắc qua lắc lại trong tô, tôi bắt đầu ngây ngây. Một người bạn trên tàu nói: “Nếu anh ăn cơm được thì anh đi ra tới tận Hoàng Sa cũng không bị say”. Tôi cầm chén cơm trên tay, cố và cơm vào miệng nhai mà không thể nào làm được. Người bạn động viên: “Anh chưa ói là giỏi rồi”.

Những mẻ cá cơm tươi rói được đổ vào thùng.

Lộc biển

Chiều. Những con sóng càng lúc càng mạnh chồm lên dữ dội. Mũi thuyền hết chúi xuống lại ngóc lên. Người lái thuyền lựa thế đương đầu với những vách nước. Con thuyền lúc chơi vơi trên đầu sóng, lúc lọt thỏm xuống vũng nước sâu. Một con sóng này vừa thoát qua thì một con sóng lớn dựng đứng khác lại đập mạnh vào mạn thuyền, đôi bắp tay thuyền trưởng căng gân để giữ cho bánh lái đúng hướng.

Có cú va đập mạnh làm con sóng vỡ ra, nước văng tung lên rồi phủ xuống thuyền. Ướt sũng nhưng vẻ mặt anh thuyền trưởng vẫn cười nói về một chuyến đi đầy ắp cá. Những người trong đội thu mua cá cũng không có nhiều thời gian để nghỉ. Họ phải sắp xếp cá, rửa tàu cho sạch trước khi cập bờ.

Ở cảng cá đang có vài chục phụ nữ đứng chờ sẵn để chuẩn bị chuyển cá vào lò hấp. Bỏ lại sự rộn ràng ở cảng, những người thu mua đi về nhà, tranh thủ nghỉ ngơi để buổi tối lại ra khơi.


Có thể bạn quan tâm

1 triệu tỷ đồng cho chương trình nông thôn mới 1 triệu tỷ đồng cho chương trình nông thôn mới

Chiều 20.10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình báo cáo Quốc hội đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

21/10/2015
Giúp vốn giúp cả hướng làm ăn Giúp vốn giúp cả hướng làm ăn

Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo của tỉnh Kon Tum đã dần thoát ra khỏi nếp nghĩ, cách làm cố hữu.

21/10/2015
FrieslandCampina Việt Nam tiếp tục trao tặng bò cho các hộ nông dân tại tỉnh Long An FrieslandCampina Việt Nam tiếp tục trao tặng bò cho các hộ nông dân tại tỉnh Long An

Tiếp tục chương trình “Ngân hàng bò” FrieslandCampina Việt Nam thực hiện việc trao tặng 50 con bò cho các hộ nông dân nghèo tại thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa tỉnh Long An.

21/10/2015
12,5 triệu USD phát triển cà phê bền vững 12,5 triệu USD phát triển cà phê bền vững

Sở NNPTNT Đăk Lăk vừa giới thiệu về Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat), do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện từ 2015 - 2020. 

21/10/2015
Cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào bán tại Chợ nông sản Đà Lạt Cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào bán tại Chợ nông sản Đà Lạt

Một số tiểu thương kinh doanh khoai tây Trung Quốc tại Chợ nông sản Đà Lạt, phường 11, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) bức xúc trước việc Ban quản lý chợ không cho phép đưa khoai tây Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt.

21/10/2015