Cho Thuê Vườn Cây Cam Thời Hạn Dài Có Nên Hay Không?
Nhiều năm qua, các loại cây có múi đã gắn bó với nông dân Sóc Trăng và đem đến nhiều lợi nhuận cho bà con, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nhiều vùng quy hoạch hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất tập trung các loại cây có múi; Tuy nhiên các diện tích sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm nhiều hơn, vì vậy bà con chủ yếu tự trồng rồi tự tìm nơi bán.
Hiện nay đã xuất hiện hình thức cho thuê vườn dài hạn, mà nhà vườn quen gọi là “bán cam lá”, bà con khoán hẳn hoa lợi từ mảnh đất của mình cho người thuê trong thời gian hợp đồng. Cách làm này lúc đầu nhà vườn có thể thu tiền ngay, nhưng về lâu dài còn rất nhiều hệ lụy.
Bà Nguyễn Thị Kiều ở ấp Đắc Thắng, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành cho biết “Có nhiều người trồng cam khi mới bắt đầu có bông, thương lái có thể vô mua cam lá, nhiều vườn thấy tốt lái có thể mua 100 triệu/công, 10 công có thể mua 1 tỷ, với điều kiện thấy vườn tốt đảm bảo có năng suất. Mua cam lá là mua đứt luôn vườn trong 5 - 7 năm, coi như mình không còn thu hoạch gì được trên vườn nhà nữa”.
Như vậy, nếu nông dân muốn có thu nhập ngay từ các diện tích đất nhà mình, hoặc không có điều kiện sản xuất, thì đây là cách để thu lợi nhuận. Nhà vườn nhận tiền ngay từ người thuê đất trong một lần hoặc nhiều lần tùy thỏa thuận giữa hai bên. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhà nông gặp không ít rủi ro, lớn nhất vẫn là sâu bệnh và giá cả bấp bênh.
Hiện nay, bệnh vàng lá gân xanh đang gây hại nặng tại tỉnh Hậu Giang, khả năng lây lan sang các vườn cây có múi trong tỉnh Sóc Trăng là rất cao, nhà nông sau một thời gian dài chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa… đến khi thu hoạch thì lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào thương lái và thị trường, nên phần nào bà con cũng chán nản.
Do đó “bán cam lá” được xem là giải pháp an toàn, giúp nông dân có thể yên tâm là đã thu được khoản lợi nhuận nhất định từ vườn cây của mình.
Theo bà con, chủ vườn và thương lái sẽ thỏa thuận về giá cả và thời gian với nhau, tùy vào tình trạng của vườn cam, nhưng cao nhất chỉ khoảng 100 triệu đồng/công kéo dài trên 5 năm.
Trong khi đó nếu tính trung bình 1 công đất, bà con có thể trồng từ 100 – 150 gốc cam, thu hoạch 2 đợt 1 năm, với giá từ 15 – 17 ngàn đồng/kg cam sành, nhà nông có thể lời hơn 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí, 5 năm là 300 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian cho thuê, nhà vườn sẽ không thu được huê lợi nào từ mảnh vườn nhà mình, chưa kể thời gian từ trồng cây đến khi cây có thể ra hoa đậu trái đợt đầu tiên có khi lên đến 2 năm.
Hiện nay giá các loại cây có múi đang tăng cao, thương lái ban đầu tốn chi phí thuê vườn, nhưng khoản lợi nhuận thu được có thể gấp 3 lần so với số tiền đã chi trả.
Điều đáng chú ý là cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi cần có phải có chế độ chăm sóc thật tốt để cây duy trì năng suất và chất lượng. Sau thời gian dài khai thác, các vườn cam dần bị suy kiệt, khi hết hợp đồng cho thuê, gần như các nhà vườn phải trồng mới lại toàn bộ vườn cam của gia đình.
Thực trạng giá cả nông sản bấp bênh là khó khăn chung, nông dân phải tự tìm những giải pháp riêng để tạo thu nhập gia đình.
Nhưng bà con cũng cần có những quyết định đúng đắn và lâu dài hơn. Hiện nay chính quyền các địa phương đã có những giải pháp cần thiết để nông dân tháo gỡ khó khăn, trong đó giải pháp hình thành nên những vùng quy hoạch cây ăn trái, những tổ hợp tác, hợp tác xã với hình thức liên kết sản xuất kinh doanh được xem là hiệu quả, Ông Đặng Bảo Xuyên – PCT UBND xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Hiện nay xã đã hình thành tổ hợp tác cây có múi ở ấp Đắc Thắng, sắp tới hình thành thêm 1 tổ nữa ở ấp Đắc Lực, trong thời gian tới sẽ thành lập một trạm thu mua tại địa phương, tiện cho nông dân buôn bán vận chuyển.
Cây có múi đang là tiềm năng của xã, nên xã đặc biệt quan tâm và giá cả cam quýt cũng ổn định và cao, giúp nông dân thu nhập rất cao”.
Hiện nay huyện Châu Thành có 8 hợp tác xã, trong đó có 6 hợp tác xã nông nghiệp, 33 tổ hợp tác với gần 3.000 thành viên. Khu vực kinh tế tập thể đang hoạt động rất hiệu quả và ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia.
Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình này, thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ triển khai các chính sách trợ giá, trợ vốn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, giúp bà con có thu nhập ổn định và bền vững trên diện tích đất của mình.
Có thể bạn quan tâm
Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gieo sạ hơn 17 ngàn hecta. Cơ cấu giống vẫn là những giống lúa kháng rầy, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh đó bà con nông dân đã tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nên hầu hết các diện tích đều phát triển tốt, tránh được bệnh rầy nâu và một số dịch bệnh hại lúa khác, ước tính năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, từ nguồn hạt giống cà phê hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Từ đầu mùa mưa đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng mới và tái canh được 835 ha cà phê.
Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa tổ chức kiểm tra mô hình sản xuất và ứng dụng phân hữu cơ vi sinh quy mô nông hộ phục vụ canh tác cây hồ tiêu và cà phê theo hướng bền vững tại 2 xã Thanh Bình và Cây Gáo.
Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện các tỉnh trong vùng đã thu hoạch xong gần 1,7 triệu ha lúa hè thu. Năng suất bình quân đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng cả vụ đạt 9,6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ hè thu năm ngoái, góp phần nâng sản lượng hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm nay đạt 20,6 triệu tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm.