Chạy đua với thời vụ cây trồng cạn
Vụ hè thu 2015, đối với một số địa phương như: Nghi Xuân, Vũ Quang, Hương Khê thì cây trồng cạn đóng vai trò “sống còn”. Sau đợt hạn hán kéo dài, không ít vùng lúa rơi vào cảnh “bất khả kháng”, khi có mưa thì thời vụ đã đi qua. Đó là lý do khiến bà con nông dân ở đây dồn sức cho cây trồng cạn.
Ông Trần Hồng Đức (Đức Lĩnh - Vũ Quang) cho biết: “Tôi bắt tay làm đất gieo trỉa đậu khi vụ lạc xuân kết thúc. Lúc đó đang cao điểm của nắng hạn, tập quán ở đây vẫn chủ yếu sử dụng sức trâu, bò là chính khiến cho công đoạn làm đất gặp nhiều khó khăn. Nhưng rất may, cuối thời vụ có mưa nên tỷ lệ nảy mầm tốt, gia đình tôi đang tập trung gieo trỉa nốt 1 sào còn lại là hoàn thành kế hoạch”.
Cách đây mấy năm, ông Đức đã chuyển 2 sào ruộng ở vùng cao cạn, năm nào cũng “bạc mặt” với hè thu nhưng năng suất chẳng ăn thua sang trồng đậu xanh, vừa đầu tư ít, hiệu quả kinh tế vượt trội so với làm lúa. Đến thời điểm này, Vũ Quang đã hoàn thành trên 89% diện tích đậu xanh và hoàn thành đúng thời vụ 2 loại cây trồng khác: lạc (100%) và ngô (144%).
Ở Hương Khê, ngay từ đầu vụ, địa phương đã chủ động “đón đầu” nắng hạn bằng giải pháp “cắt” 500 ha lúa hè thu sang làm lúa mùa và cây trồng cạn. Dù nắng hạn khiến đất khô cứng suốt cả tháng qua, bà con vẫn nỗ lực ra đồng, gieo trỉa sớm để tránh lũ cuối vụ.
Ông Đinh Công Chiến - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hương Đô cho biết: “Vụ này chủ yếu trồng đậu xanh, vào những năm trước thì đã hoàn thành rồi nhưng năm nay nắng hạn kéo dài quá. Hiện, chúng tôi đã gieo trỉa được 100 ha (đạt 70% kế hoạch). Bà con đang dồn sức gieo trỉa nốt hết ngày hôm nay nữa là “đóng” lịch vì sợ không kịp thu hoạch khi lũ về”. Trên cánh đồng, mặc cho nắng chiều như thiêu, như đốt, người nông dân đang chạy đua cùng thời gian, nơi cuốc cỏ, chăm sóc số diện tích đã nảy mầm, nơi tập trung gieo trỉa hết diện tích còn lại.
So với các địa phương đồng bằng thì bao giờ thời vụ gieo trỉa của các huyện miền núi cũng bắt đầu sớm hơn. Một phần là do diện tích lớn nhưng quan trọng hơn, sản phẩm nông nghiệp có thể trở thành “mồi béo bở” cho lũ dữ khi mùa mưa bão về. Bởi vậy, người nông dân bao giờ cũng lượng tính để xuống giống phù hợp nhất, bảo vệ an toàn thành quả của mình. Ngược lại, thời điểm này mới là cao điểm ra quân làm đất gieo trỉa cây màu hè thu của Thạch Hà. Tiếng máy cày nổ giòn giã, trâu bò đổ ra đồng khiến cho không khí lao động trở nên khẩn trương, rộn ràng. Anh Nguyễn Quang Quân (xóm Thanh Sơn, Thạch Lạc) cho hay: “Vụ này, tôi làm 3 sào vừng, 2 sào lạc, sau đợt mưa, đất tơi xốp hơn nên đỡ mất công làm đất. Máy cày đến đâu, gieo trỉa đến đó, khoảng 5 ngày nữa là hoàn thành”.
Ở các xã bãi ngang ra đến tận các xã phía Bắc rồi ngược vùng thượng, không khí ra quân làm đất cũng tấp nập không kém; nhiều địa phương vừa thu hoạch xong bầu sáp vụ xuân đã bắt tay làm đất gieo trỉa lạc. Bà Bùi Thị Vân (Thạch Hải, Thạch Hà) cho biết: “Thời vụ đã khép lại nhưng vì trùng với thời điểm tỉa dặm lúa nên tỷ lệ làm đất chưa nhiều, chủ yếu mới làm vừng. Bắt đầu từ hôm nay, bà con ra đồng rất đông, thu hoạch bầu sáp đến đâu làm đất trỉa lạc đến đấy. Nếu làm tập trung chỉ khoảng 1 tuần là xong”.
Thời điểm này, diện tích gieo trỉa hè thu mới chỉ đạt 2/3 kế hoạch. Trong đó, cây đậu gần 6.036 ha (chiếm 63%); còn các cây trồng khác vẫn ở tốc độ “đì đẹt”: ngô chỉ “chạm” quá bán; lạc: 30%, vừng: 39%; khoai, rau các loại chưa đáng kể! Điều đáng nói, trong khi ở một số địa phương khó khăn về điều kiện canh tác như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn có tỷ lệ gieo trỉa đúng thời vụ khá cao (từ 70-90% kế hoạch) thì có nhiều địa phương chỉ mới bắt đầu làm đất khi khung lịch đã khép lại. Nhiều người cho rằng, diện tích vùng màu ở những địa phương này ít hơn so với lúa nên bà con có tâm lý coi đây là cây trồng phụ, làm tranh thủ mà quên rằng, lợi nhuận của cây màu không hề nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cách đây 5 năm, một số hộ dân các xã khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mang giống tiêu nổi tiếng ở Vĩnh Linh về trồng. Nhưng cây tiêu mọc lên còi cọc nên nhiều người muốn bỏ. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, cây tiêu bỗng phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển cây tiêu.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 nên thời điểm này nông dân trồng dưa hấu đang rất hồi hộp, bởi giá dưa hấu thời điểm những ngày cận tết thường biến động. Tuy nhiên, đối với những người trồng dưa hấu bán trước Tết thì coi như được mùa, trúng giá và có cái Tết ấm no, sung túc.
Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 các xã viên sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 60 - 80 tấn bưởi mang thương hiệu bưởi da xanh Sông Xoài. Người trồng bưởi ở xã này cũng cung cấp khoảng 20 tấn bưởi Năm Roi cho thị trường Tết.
Theo người dân, năm nay, mặc dù thời tiết bất thường, năng suất thấp, nhưng giá xoài cao gấp 2-3 lần các năm nên các vườn xoài đều có lãi cao. Ông Lê Văn Đàng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức, cho biết, giá xoài năm nay cao do phía Trung Quốc tiêu thụ mạnh, trong khi nguồn cung không đủ.
Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh nhấn mạnh từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2000, ngành kinh tế mắc ca đã manh nha hình thành khi giá trị kinh tế loại cây trồng được mệnh danh “hoàng hậu của các loại hạt khô” không hề nhỏ.