Chất Chà Phương Pháp Mới Bắt Chuột Đồng Hiệu Quả
Ở vùng Đồng Tháp Mười hiện có rất nhiều người dân đang sử dụng chà để bắt chuột, và đây là phương pháp mới rất có hiệu quả.
Chất chà hay còn gọi là “làm nhà” để dẫn dụ chuột đến ở. Muốn thực hành điều này thì người chất chà và dỡ chà phải chọn một bãi đất trống, khoảng vài chục mét ở những nơi có nhiều chuột tập trung cắn phá. Dùng nhiều cành cây khô như cây tràm, tre, gáo, bạch đàn, xếp thành đống và chất từng lớp.
Cứ mỗi lớp cành cây lại rải một lớp rơm mỏng, rồi lại chất tiếp lớp cành cây khác. Việc sắp xếp như vậy sẽ tạo ra nhiều khoảng trống cho chuột kéo đến sinh sống, làm tổ, sinh đẻ và ở luôn trong đó, ngày ngủ tối ra đi kiếm mồi ăn, nhất là cây lúa. Đống chà được chất cao khoảng 2 thước.
Ngoài ra, sau khi chà được chất thì rải thêm ít mồi như lúa, ốc, bắp để thu hút chuột các nơi khác kéo đến, ăn quen và sẽ ở ngay tại đống chà.
Ông Nguyễn Văn Nhi (Hai Nhi), một nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) mỗi năm đều huy động mấy người con trong gia đình dùng đọt cây trâm bầu, gáo, tre, tràm lên gò cao chất thành nhiều đống chà, mỗi đống 4 x 6 m hoặc to hơn tùy diện tích.
Ông nói: “Khi đó, chuột sẽ tìm về đây trú ngụ, mình chỉ cần chất chà thành đống rồi phủ rơm cho “ấm” là được, như vậy chuột mới vào ở nhiều”. Xong đâu đó, cứ việc về nhà nghỉ ngơi. Vài hôm sau (thường từ 5 - 7 ngày) quay trở lại dỡ chà ra. Trước khi dỡ chà, ông Nhi cần làm sạch cỏ xung quanh, cắm nhiều cọc đứng, dùng tấm lưới cước bao quanh, chiều cao khoảng 1,2 - 1,5 m để chuột không nhảy ra được. Cần đặt những cái rọ lớn có hom ở các góc và đậy lại kín đáo.
Chân tấm lưới cước được chôn xuống đất từ 5 – 10 cm để chuột không chui ra được. Sau đó các con ông chuyển dần hết cành, nhánh cây và rơm ra khỏi khu vực chất chà. Khi chà gần hết, ta sẽ thấy chuột lớn chuột nhỏ nhảy tứ tung và tìm đường trốn nhưng chính chúng chui vào các rọ đã đặt sẵn.
Sau khi bắt chuột xong, cành cây và rơm lại được xếp lần nữa để tạo đống chà mới. Biện pháp chất chà rất đơn giản, dễ làm, rẻ tiền mà mang lại hiệu quả cao. Ở nơi nhiều chuột, mỗi lần dỡ chà có thể bắt được vài trăm con chuột kể cả rắn vào ăn chuột!
Anh Lê Thanh Tâm ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, người chuyên săn bắt chuột đồng có tiếng ở đây, nói: “Khi đêm đến, tôi chỉ cần chống xuồng cặp theo bờ kênh rạch pha đèn, thấy chuột là dùng chĩa đâm (loại chĩa chùm), mỗi chĩa là một con.
Do bị ánh sáng đèn làm chói mắt, chúng sẽ không thấy đường chạy mà chỉ nằm im một chỗ, lúc đó chỉ cần ra tay chính xác là tóm được chuột ngay...”. Dụng cụ để xoi chuột là một xuồng dài 5 m (có bánh lái phía sau), đèn xoi dùng ắc quy, súng chĩa tự chế có thể bắn chuột trong phạm vi 5 mét và chĩa đâm có cán dài từ 5 - 7 mét.
Ở Tháp Mười có nhiều người sống về nghề săn bắt chuột đồng nhưng giỏi nhất là ông Lê Hồng Sơn, ở khu dân cư Lê Công Sính, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười. Do không ruộng đất mỗi năm ông đều tìm những chủ đất quen xin chất chà trên phần đất trống.
Mỗi năm ông Sơn chất được 30 đống chà trên các cánh đồng thuộc xã Hưng Thạnh. Cứ khoảng 4 - 6 đêm ông lại dỡ chà, mỗi lần dỡ bắt được cả trăm ký chuột, hôm nào ít cũng được vài chục ký. Là dân chuyên nghiệp trong nghề nên tay lưới bao chà của ông Sơn có gắn một cái rọ dùng đựng chuột. Khi dỡ hết đống chà, chỉ việc túm lưới, chuột sẽ chui hết vào rọ, khỏi bắt.
Còn gia đình anh Hai Muống, ở xã Hưng Thạnh thường đi đuổi chuột đồng ban đêm sau khi lúa vừa mới cắt xong. Đồ nghề gồm có một tay đăng tre dài khoảng 30 m, đóng thành hình chữ V trên mặt ruộng, chính giữa có đóng một cái lọp (rọ) để chuột chui vào, hai sợi dây thừng dài 20 - 25 m có treo nhiều chiếc lon thiếc, bên trong mỗi chiếc lon có một hay hai cục đá để khi kéo dây phát ra tiếng kêu “leng keng” làm cho chuột hoảng sợ. Sau khi đã đóng đăng, đặt rọ xong thì bắt đầu kéo dây thừng. Mỗi người một đầu dây, kéo những chiếc lon kêu “leng keng” trên rạ, tạo ra tiếng ồn làm chuột hoảng sợ chạy dồn về hướng có đăng và rọ.
Khi hết đường chạy, gặp đăng, chuột chạy theo đăng và cuối cùng chúng chui vào rọ đã đặt sẵn. Thời gian thích hợp nhất để đuổi chuột là 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau, vì lúc này chuột đi ăn nhiều. Đuổi xong đám ruộng này thì dời đến đám khác.
Đây là cách săn bắt mới, được một số bà con nông dân ở vùng này nghĩ ra, vừa khỏe lại hiệu quả cao. Có đêm anh Muống thu được hai, ba trăm con chuột. Chuột bị bắt sống bán được giá cao, như thời điểm hiện nay ở chợ từ 30.000 đồng (nhỏ) đến 40.000 đồng (lớn) một ký, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Chất chà có thể áp dụng quanh năm, nhưng làm vào mùa lũ là thích hợp nhất vì mùa này chuột tránh nước, tập trung lên các gò cao. Còn mùa nắng, chuột sống phân tán nhiều nơi nên thu hoạch ít hơn mùa nước nổi.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh lem lép hạt làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa, bệnh gây hại từ trổ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp
RVT là giống lúa thuần chất lượng mới do ông Nguyễn Công Tạn và cộng sự nhập nội và tuyển chọn đã được công nhận cấp Quốc gia
Do ảnh hưởng của hai đợt rét kỷ lục kéo dài, nhiều diện tích lúa gieo trồng đã bị chết. Do đó, việc đầu tiên trong quá trình chăm sóc là bà con cần tỉa dặm
Bộ rễ lúa lai phát triển sớm và mạnh: Nhu cầu dinh dưỡng khoáng (N,P,K) cao, Đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, bông to, số hạt trên bông nhiều
Bệnh lùn sọc đen phương Nam không có thuốc đặc trị, do đó việc áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng bệnh có vai trò rất quan trọng.