Chặt bỏ cao su, nỗi đau vàng trắng
Mấy năm gần đây, giá cao su liên tục "lao dốc" thê thảm, trong khi giá hồ tiêu lại tăng đến... chóng mặt, dao động từ 200 - 230 ngàn đồng/kg. Không ít vườn cao su ở Tây Nguyên đã bị chặt bỏ, thay vào đó là những vườn hồ tiêu được hối hả trồng mới, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn...
Một thời gian dài, cao su được mệnh danh "vàng trắng". Bên cạnh các loại cây trồng khác thì lợi nhuận từ cây cao su đã mang đến bộ mặt tươi sáng cho các tỉnh Tây Nguyên. Không ít gia đình bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ vào vườn cao su tiểu điền. Còn bây giờ, những vườn cao su - nhất là cao su tiểu điền - tan hoang đến thảm hại...
Chị Nguyễn Thị Thúy (cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đưa chúng tôi đến vườn nhà ông Trần Đức Mạnh ở thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng - gia đình "tiêu biểu" trong "chiến dịch" chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu và cà phê. Theo chị Thúy thì “đây là hộ gia đình khá tiêu biểu trong thôn này chuyển đổi sang cây trồng khác”.
Gia đình ông Mạnh có 1,6ha hồ tiêu từ nhiều năm qua, nay ông vừa mua thêm khoảng 2ha cao su năm thứ 7 của một hộ khác để chuyển sang trồng tiêu.
Ông Mạnh cho biết: “Giá cao su thấp quá, tôi mua lại của ông hàng xóm khoảng 2ha nhưng chặt bỏ để trồng tiêu vì khai thác cao su cũng không hiệu quả, trước mắt chúng tôi tận dụng cây cao su để làm trụ cho tiêu leo. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn trồng song song thêm cà phê, nếu trong trường hợp giá các loại nông sản có biến động thì các loại cây sẽ hỗ trợ cho nhau”.
Năm 2014, toàn xã có khoảng 51ha cao su tiểu điền, đến nay người dân đã chuyển sang trồng tiêu, cà phê nên diện này chỉ còn khoảng 29ha.
Trên địa bàn Gia Lai, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số huyện vốn không phải là nơi truyền thống của hồ tiêu như Đăk Đoa, Mang Yang hay Chư Prông cũng được người dân chặt bỏ cao su để trồng hồ tiêu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là vùng đất mới nên cây tiêu có thể sinh trưởng tốt và khó bị nhiễm bệnh. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
ưTại Đăk Lăk, phong trào chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác cũng đang được nông dân "hưởng ứng" nhiệt tình.
Cách đây 6 năm, gia đình anh N.V.H ở xã Ea Sol (huyện EaH’leo) đã huy động mọi nguồn lực tài chính, mua 5ha đất để trồng cao su, với hy vọng đến thời gian cây cao su cho mủ sẽ lấy lại vốn. Bây giờ, vườn cao su đến tuổi cạo thì giá mủ lại lao dốc thê thảm, càng cạo càng lỗ. Vậy là, một nửa diện tích cao su nói trên đã bị chặt bỏ để trồng tiêu.
Anh cho biết: “Lúc đầu trồng cao su, tôi đã không nghĩ có ngày giá cao su rớt thê thảm đến vậy. Giờ chính tay mình phá bỏ vườn cao su tâm huyết bao nhiêu năm nay, đau lòng lắm. Tuy nhiên vẫn phải chấp nhận bởi số tiền lãi vay để đầu tư trồng cao su ngày càng nhiều, trong khi đó tôi cũng không thể mở miệng cạo vào thời gian này được. Thôi đành chặt bỏ một nửa diện tích để trồng thêm tiêu, bắp, đậu nhằm có đồng ra đồng vào”.
Không riêng gì gia đình anh N.V.H, nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Ea Sol cũng thực hiện biện pháp tự chuyển đổi nhằm cứu vớt những vườn cao su đang ngày càng trở thành món nợ lớn.
Không ít vườn cao su đã đến thời điểm mở miệng (thu hoạch - PV) nhưng chủ vườn vẫn không cạo mủ, bởi một lý do hết sức đơn giản và chua xót: Càng cạo càng lỗ! Tại đây, có rất nhiều vườn cao su - một thời được mệnh danh và "vàng trắng", giờ đã được xen canh hoặc thay thế hẳn bởi cà phê, hồ tiêu hoặc bắp, đậu…
Diện tích cao su tiểu điền của huyện Ea H’leo (tỉnh Đăk Lăk) đã giảm sút đáng kể. Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo thì hết năm 2014 tổng diện tích cao su tiểu điền toàn huyện khoảng xấp xỉ 14.000ha, nhưng đến thời điểm này đã giảm khoảng trên 1.000 ha, nguyên nhân do người dân chặt bỏ cây cao su để thay thế cây trồng khác, trong đó có cây hồ tiêu.
Tại Đắk Nông, trong khi diện tích cao su ở tỉnh này vốn đã ít, nay lại càng ít vì người dân phá bỏ để trồng tiêu. Chỉ tính trong năm 2015, toàn tỉnh Đắk Nông đã có gần 2.000ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây hồ tiêu. Ngày 15/6/2015, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã ban hành công văn số 808/SNN-BTVT, về việc khuyến cáo nông dân không chặt cao su để mở rộng diện tích hồ tiêu. Mặc kệ, cao su vẫn bị chặt, và hồ tiêu vẫn được nông dân ồ ạt trồng mới.
Thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có tổng số 32.000ha cao su, trong đó có 5.970ha cao su quốc doanh, 3.990ha cao su của các doanh nghiệp tư nhân và 22.300ha cao su tiểu điền, tổng diện tích đang khai thác là 12.766ha.
Qua kiểm tra, ra soát của Sở thì nông dân đã chặt bỏ hàng trăm ha cao su để chuyển sang trồng tiêu, cà phê… tập trung nhiều tại các huyện Đăk R’lấp, Đăk Song, Tuy Đức, Krông Nô, Chư Jút và rải rác tại một số địa phương khác.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ với 600 lợn nái nhưng ông Hưởng phải đầu tư đến 22 tỷ đồng. Nhờ chăn nuôi bài bản bằng quy trình nghiêm ngặt, ông Hưởng không phải lo đầu ra, không sợ dịch bệnh, doanh thu ổn định mỗi năm lên đến 18 tỷ đồng.
Gần chục năm lấy nhau là từng ấy thời gian vợ chồng anh Trần Quang Vinh (SN1983) và chị Lữ Thị Thu Giang (SN 1987) ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) gắn bó với nghiệp nuôi gà. Với mong muốn xây dựng thương hiệu gà sạch, vợ chồng anh Vinh táo bạo bỏ nhà vào rừng nuôi gà bằng thảo dược.
Ông Phạm Văn Dũng – Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Xuân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhận xét: “Sử dụng phân bón Văn Điển giúp cây vải thiều không bị loang trắng, lá xanh đen, quả sai, to, căng tròn đều, không chàm chấm, cùi dày hạt nhỏ, vị ngọt thanh”.