Chăn Nuôi Thủy Cầm Chưa Xứng Tiềm Năng
So với các loại hình chăn nuôi khác, chăn nuôi thủy cầm dường như đang lép vế hơn nhiều, cơ cấu chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng đàn gia cầm. Vì vậy, cần có thêm những giải pháp để chăn nuôi thủy cầm có bước đi vững chắc hơn.
Gia đình ông Quách Mạnh Thắng ở xã Thịnh Hưng (Yên Bình - Yên Bái) nuôi 500 con vịt đẻ trứng. Mấy năm trước, gia đình cũng nuôi 1.000 con vịt. Trước kia, giá trứng vịt 3.000 đồng mỗi quả trong khi cám chỉ 300.000 đồng/bao 40kg.
Đàn vịt 1.000 con mỗi ngày cũng sử dụng hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn, trong khi giá cám thì ngày một tăng, giờ đã lên 418.000 đồng/bao, còn giá trứng thì lại giảm xuống còn 2.500 đồng. Tính đi tính lại, chi phí thức ăn chiếm 70% nên ông quyết định giảm đàn xuống còn 500 con.
Ông Thắng cho biết: “Đầu ra các loại sản phẩm từ chăn nuôi thủy cầm tương đối ổn định. Sản phẩm làm ra đến đâu hầu như được tiêu thụ hết đến đó. Nhưng chỉ có điều là giá cả đầu vào thì tăng nhưng đầu ra thì lại giảm, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì chăn nuôi và tái đàn chứ chưa nói đến mở rộng quy mô”.
Khó khăn trong chăn nuôi của ông Thắng cũng là khó khăn chung của những người chăn nuôi thủy cầm nói riêng và gia cầm nói chung hiện nay. Để giải quyết khó khăn trước mắt và tăng thêm nguồn thu, ông thả các loại cá mè, trôi, chép vào diện tích ao 100m2 nuôi vịt.
Cá sẽ tận dụng thức ăn rơi và phân của vịt nên làm sạch môi trường nước, giúp giảm chi phí xử lý nước trong ao, giảm chi phí thức ăn đầu tư cho cá, có thêm nguồn thu từ chăn nuôi.
Hiện nay, tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh đạt 3,5 triệu con. Trong khi đàn gà không ngừng tăng lên thì số lượng của đàn thủy cầm lại giảm 0,06% so với cùng kỳ. Đến nay, tổng đàn thủy cầm ở mức 516.000 con. Muốn nuôi thủy cầm, quan trọng là phải có diện tích mặt nước.
Tuy không có những cánh đồng rộng lớn, hệ thống kênh rạch chằng chịt như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng Yên Bái là một tỉnh có diện tích mặt nước lớn với hồ Thác Bà, đầm Vân Hội, đầm Hậu, hơn 3.000 hồ đập và nhiều diện tích ao hồ, sông, suối...
Diện tích mặt nước này hoàn toàn có thể tận dụng để chăn nuôi thủy cầm. Chăn nuôi thủy cầm đang tập trung chủ yếu tại huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên.
Sau nhiều năm, những giống thủy cầm mới như ngan Pháp, vịt Kaki Cambell hay vịt siêu trứng đều đã được đưa vào chăn nuôi tại địa phương, chủ yếu là vịt lấy thịt, vịt lấy trứng, ngan thịt. Điều đó cho thấy, nông dân không ngừng tìm tòi các phương thức chăn nuôi mới. Ngoài ra còn có các giống thủy cầm đặc sản như: giống vịt bầu Lục Yên, vịt Nghĩa Lộ cho chất lượng thịt thơm ngon và hiệu quả kinh tế cao. Khó khăn của chăn nuôi thủy cầm hiện nay đầu tiên phải kể đến giá bán.
Một thực tế tồn tại nhiều năm nay là giá các sản phẩm thủy cầm, bao gồm cả thịt và trứng luôn thấp hơn so với gà nên chưa thu hút được nông dân. Chúng ta chưa có phong trào nuôi vịt thả đồng do khoảng cách giữa các mùa vụ ngắn và diện tích đồng ruộng nhỏ hẹp. Các giống mới đã được đưa vào chăn nuôi nhưng chưa nhiều. Đó là chưa kể dịch bệnh thường xuyên đe dọa đàn vật nuôi như: cúm, tụ huyết trùng.
Có thể nói, ngành chăn nuôi thủy cầm chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong các nông hộ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ chứ chưa thể xuất bán ra bên ngoài. Chính sách hỗ trợ của tỉnh với mức 15 triệu đồng/cơ sở quy mô 1.000 con đã khuyến khích nhiều cơ sở chăn nuôi thủy cầm theo hướng hàng hóa.
Ông Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nếu có diện tích mặt nước, tận dụng các ngách, đầm, sông suối nhỏ lẻ và được đầu tư đúng mức, chăn nuôi thủy cầm vẫn phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.
Những loại vịt đặc sản như vịt Lâm Thượng, vịt Khánh Thiện của Lục Yên hay vịt Nghĩa Lộ được nuôi dân dã sẽ tạo ra điểm nhấn trong chăn nuôi thủy cầm. Tuy nhiên, do đặc thù của loại thủy cầm nên cần tăng cường khâu quản lý trong chăn nuôi. Bên cạnh đó là phát triển những loại giống mới, cho năng suất cao về thịt hoặc trứng sẽ tạo ra hiệu quả về kinh tế”.
Nông dân nên tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, có tỷ lệ phối trộn thức ăn hợp lý để giảm giá thành sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hành cho người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp phòng bệnh đầy đủ, xây dựng liên kết giữa chăn nuôi với tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đang thử nghiệm nuôi khoảng 2 vạn con chạch đồng trong bể với diện tích 200m2 tại đơn vị.
Ủ chua rơm rạ: Hố ủ cần xây chắc chắn, ở nơi cao ráo, dễ che đậy kín, thuận tiện việc ủ và lấy ra, có thể xây bằng gạch hoặc có thể dùng túi nylon dày và to để ủ. Kích thước tùy thuộc vào lượng rơm rạ cần ủ, cứ 1m3 hố ủ được 100kg rơm, hố ủ nên hẹp chiều ngang để dễ nén rơm.
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, cho năng suất và lợi nhuận cao, trong đó có mô hình nuôi gà ri lấy trứng của ông Lê Văn Dũ - ngụ ấp 4.
Cách mặt tiền đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt khoảng một cây số có một thung lũng nhân nuôi 15 con nai vàng trưởng thành. Không gian nơi đây thoáng mát, yên tĩnh, cỏ cây xanh tốt tự nhiên khiến cho đàn nai nhanh chóng thích nghi từ những tháng đầu “nhập cư”.
Gần một tháng nay, ngành Thú y và huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên - địa phương xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn bò - đang tập trung bao vây khống chế, không để bệnh LMM phát tán, lây lan rộng thành dịch.