Chăn nuôi động vật hoang dã chưa thể quản lý chặt
Mỗi tháng một lần, cán bộ kiểm lâm xuống các điểm chăn nuôi động vật hoang dã kiểm tra số cá thể đàn vật nuôi theo quy định.
Người nuôi thiếu thông tin
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có gần 600 hộ chăn nuôi động vật hoang dã.
Nhiều nhất là trăn đất với hơn 41.500 cá thể; kế đó là các loài ba ba, cua đinh, rắn ri voi, rắn ráo trâu, cá sấu… Song, trên thực tế vẫn còn khoảng 10-15% trường hợp chưa đăng ký về cơ quan chức năng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do một bộ phận nhỏ người dân không hiểu rõ về quy định chăn nuôi và xuất bán các loài hoang dã.
Ban đầu, bà Phạm Thị Em, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chỉ nuôi một vài con trăn đất để làm thú vui, nhưng thời gian sau gia đình bà có ý định sẽ chuyển sang nuôi với mục đích kinh doanh.
Nhưng khi được hỏi về quy trình thủ tục, bà Phạm Thị Em ngạc nhiên trả lời: “Tôi đâu nghĩ phải đăng ký gì đâu, cứ tưởng mua về là mình nuôi thôi chứ.
Hoàn toàn không biết mình phải đăng ký hay khai báo...”.
Lời bộc bạch chân thành của những nông dân như bà Phạm Thị Em không chỉ cho thấy sự thiếu kiến thức về quy định chăn nuôi động vật hoang dã mà còn lý giải nguyên nhân dẫn đến khâu xuất bán sau này gặp nhiều trở ngại.
Ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp phân tích, khó khăn nhất là việc chủ nuôi khai báo sai thông tin khi tăng đàn, tỷ lệ cá thể chênh lệch quá nhiều so với thực tế và tính toán của ngành chức năng.
Tình trạng này chủ yếu rơi vào các hộ mới nuôi.
Khi phát hiện những trường hợp như thế, địa phương sẽ cử cán bộ kiểm lâm đến hướng dẫn quy trình thủ tục cho bà con.
Ông Phong dẫn chứng: “Khi nuôi loài trăn đất, ban đầu là chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con phải chứng minh được nguồn gốc vật nuôi, có xác nhận ở nơi cung cấp con giống và ngành chức năng sở tại; sau đó đem về địa phương mới được xem là hợp pháp.
Tiếp đến, trách nhiệm của hạt kiểm lâm chúng tôi là sẽ xác nhận và cấp sổ theo dõi cho bà con.
Trong quá trình nuôi, nếu người dân có tăng đàn thì chỉ cần đến Chi cục Kiểm lâm, hoặc Hạt Kiểm lâm sở tại xác nhận kịp thời nhằm tránh tình trạng xuất bán không được do chưa đảm bảo về mặt thủ tục quy định”.
Khâu đăng ký có khó ?
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, việc khai báo và đăng ký giúp thuận lợi hơn trong khâu xuất bán.
Một lợi thế khác là sản phẩm đã chứng minh rõ nguồn gốc giúp ông tránh được tình trạng thương lái ép giá.
Nhờ thế ông Vinh từ một người nông dân chân chất tập tành nuôi cá sấu, giờ đây có thể hướng dẫn rành rọt thủ tục cho những người mới bước vào nghề.
“Cá sấu là loài đòi hỏi quy trình thủ tục thả nuôi nghiêm ngặt.
Tôi phải đăng ký cả về tiêu chuẩn chuồng trại nữa chứ đâu có đơn giản là chứng minh nguồn gốc con giống.
Thủ tục thì lên Hạt Kiểm lâm đăng ký là xong, chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ là có thôi.
Lúc mới nuôi, tôi không biết gì về giấy tờ hết nên rối lắm.
Chứ bây giờ được mấy chú kiểm lâm hướng dẫn cặn kẽ riết rồi thuộc lòng.
Phải nói là thương lái thấy sản phẩm của mình có nguồn gốc, xác nhận đầy đủ của cơ quan chức năng nên khoái lắm”, ông Vinh tâm đắc.
Ông Trần Thanh Phong cho biết thêm, trong suốt thời gian nuôi, kiểm lâm viên sẽ kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu đăng ký đến khi xuất bán bằng cách kiểm đếm, thống kê cá thể đàn vật nuôi, khấu hao số lượng tăng giảm và có xác nhận vào sổ theo dõi hàng tháng.
Còn ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho rằng đối với trường hợp khai báo sai thông tin khi tăng đàn, ngành kiểm lâm sẽ tiến hành tính toán, phân loại, rồi kiểm đếm thực tế số lượng cá thể trong đàn một cách chính xác, sau đó mới có xác nhận vào sổ theo dõi.
Ngoài ra, còn thực hiện công tác tuyên truyền nhắc nhở hộ dân, tránh tái phạm trong những lần sau.
“Nhìn nhận ở góc độ quản lý, chúng tôi rất ủng hộ người dân trong khâu chăn nuôi động vật hoang dã, bởi điều này sẽ góp phần làm giảm thiểu lượng săn bắt trái phép ngoài tự nhiên, vì trên thực tế nhiều loài đang dần trở nên khan hiếm, cạn kiệt.
Nhưng việc chăn nuôi tuyệt đối phải làm đúng quy định.
Bởi nếu bà con không đăng ký mà xuất bán như các loại vật nuôi thông thường mà không có giấy tờ, khi phát hiện, cơ quan kiểm lâm cũng sẽ tiến hành tịch thu sản phẩm không rõ nguồn gốc và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo luật định”, ông Phúc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng khá nhanh trong những năm gần đây. 11 tháng đầu năm 2013, giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần 70 triệu USD so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm tới 27,8% tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Tổng sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL năm 2013 ước đạt 24.850.000 tấn (năm 2012 là 24.300.000 tấn), tăng 550.000 tấn so với năm 2012.
Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, nhân rộng và phát triển loại cây gỗ quý hiếm, Hạt kiểm lâm huyện Quảng Điền đã tiến chọn mua 1.900 cây giống sưa đỏ, tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain thuộc họ Đậu.
“Trước đây, cả vạt đồi trước nhà gia đình tôi trồng mơ, vải, rồi chuyển sang quất. Nhưng các loại cây trên đều thu hoạch theo mùa vụ, được mùa thì lại rớt giá. Tôi đang loay hoay nên chuyển đổi sang trồng cây gì thì được cán bộ khuyến nông của xã đã tư vấn trồng cây Thanh Long.
Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, trong tháng 12 giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL đã liên tục tăng lên. Hồi đầu tháng, giá lúa khô hạt dài ở mức 6.050-6.150 đ/kg.