Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Đang Phát Triển Mạnh

Chăn Nuôi Đang Phát Triển Mạnh
Ngày đăng: 14/08/2013

Mặc dù cao su vẫn là chủ lực của kinh tế xã Long Tân, nhưng thời gian gần đây, địa phương này đang rộ lên phong trào chăn nuôi. Cũng từ đây, nhiều hộ nông dân đã khá lên nhờ những vật nuôi mà họ vẫn nghĩ không mang lại lợi nhuận cao.

Gà, heo gia công

Tuy không thuận lợi về giao thông, nhưng Long Tân lại nằm trong khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá tốt mà không phải ở đâu cũng có. Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi, từ những năm 2006, UBND xã Long Tân phát động phong trào nông dân thi đua chăn nuôi giỏi với những chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật.

Được sự động viên của chính quyền, nhiều hộ dân sống trên địa bàn xã Long Tân mạnh dạn viết đơn xin vay vốn và đăng ký tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, để tìm kiếm được một mô hình chăn nuôi với quy mô và giống vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng không hề dễ. “Xem báo, đài thấy các địa phương khác phát triển những mô hình chăn nuôi gia công gà, heo, nên bà con nông dân bàn nhau đến các công ty chăn nuôi gia công xin đăng ký mở trang trại chăn nuôi theo hệ thống”, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân kể.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương, vài tháng sau, những trang trại gia công đầu tiên ở Long Tân được hình thành. Tính đến nay, toàn xã Long Tân đã có 87 trang trại chăn nuôi. Kể lại quá trình phát triển trang trại chăn nuôi gà, ông Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Sau vài năm nuôi thử, thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi quyết định mở rộng quy mô, tăng thêm một trại chăn nuôi nữa”.

Phần lớn những mô hình chăn nuôi ở xã Long Tân đều được vận động phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp và tập trung vào các trang trại. Với hướng đi này, chỉ trong một thời gian ngắn, chất lượng và số lượng chăn nuôi ở đây đã được tăng lên rõ rệt. Nếu năm 2010, toàn xã Long Tân chỉ có hơn 100.000 con gia súc, gia cầm thì đến cuối tháng 7-2013, tổng số lượng lên đến gần 160.000 con, trong đó, có gần 140.000 con gà và 18.180 con heo.

Sẽ thành lập hợp tác xã (HTX) bò sữa

Trước khi những trang trại chăn nuôi gia công gà, heo ở Long Tân ra đời, năm 2001, nhiều hộ nông dân ở đây đã thử sức với nghề chăn nuôi bò sữa. Thời gian đầu do chưa có kỹ thuật chăm sóc bò và cách nhân giống, “tậu” bò được vài năm nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Long Tân bắt đầu có những nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của loài vật nuôi này. “Năm 2004, khi giá thành sữa giảm sút trầm trọng, nhiều hộ nuôi bò sữa ở Long Tân nghĩ đến chuyện bán bò mua con vật khác về nuôi, nhưng tôi thấy làm như vậy sẽ mất thời gian và không ổn định kinh tế gia đình nên động viên họ giữ lại đàn bò”, ông Lê Văn Khương, Chủ nhiệm tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Long Tân tâm sự.

Vượt qua quãng thời gian khó khăn, năm 2008, số lượng đàn bò sữa của xã Long Tân tăng thêm 50% so với năm 2001. Làm ăn hiệu quả, theo thời gian, những hộ trước đó đã nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, gia tăng đàn bò, hàng xóm thấy vậy cũng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách vắt sữa rồi cũng “tậu” bò về nuôi. Hiện tại, tổng số lượng đàn bò sữa của xã Long Tân đã lên đến 209 con.

Nhận thấy phong trào chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đang phát triển mạnh, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã kiến nghị UBND xã về việc xin thành lập HTX bò sữa ở đây. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết, vừa có văn bản gửi UBND huyện Dầu Tiếng và các ngành chức năng đề xuất về việc thành lập HTX bò sữa Long Tân. Bởi theo ông Thạnh, “việc thành lập HTX bò sữa sẽ tạo điều kiện cho các xã viên có cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất sữa, qua đó sẽ giảm bớt những chi phí trung gian”.

Ông Nguyễn Văn Khương, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Long Tân cho biết, tổ hợp tác đang có kế hoạch phát triển số lượng đàn bò. Bởi theo ông Khương, nếu nắm vững kỹ thuật thì việc chăn nuôi bò sữa không hề khó khăn mà hiệu quả kinh tế lại cao. “Các tổ viên của tổ hợp tác đang có kế hoạch phát triển số lượng đàn bò, một số hộ nông dân khác cũng đang học hỏi mô hình và có ý định đầu tư chăn nuôi bò sữa, nên có thể cuối năm nay số lượng đàn bò sữa của xã sẽ là 250 con”, ông Khương nhận định.


Có thể bạn quan tâm

Vỏ Cây Cóc Trị Tiêu Chảy Vỏ Cây Cóc Trị Tiêu Chảy

Trái cóc từ lâu đã được ghi nhận là có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, giải nhiệt, sinh tân dịch, giải khát.

19/02/2011
Chăn Nuôi Đồng Nai Nói Không Với Chất Cấm Chăn Nuôi Đồng Nai Nói Không Với Chất Cấm

Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi lớn nhất cả nước. Nhưng nhiều năm qua, chăn nuôi ở đây vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, mà nổi cộm là việc sử dụng các chất cấm. Hiện nay, những người chăn nuôi có tâm huyết ở tỉnh này đang nỗ lực để thay đổi hình ảnh xấu nói trên.

23/02/2012
Diêm Dân Bình Định Lao Đao Diêm Dân Bình Định Lao Đao

Niên vụ sản xuất muối năm 2010 - 2011 của diêm dân Bình Định sắp khép lại. Nhờ thời tiết diễn biến khá thuận lợi, số giờ nắng cao nên diêm dân được mùa muối. Tuy nhiên, giá muối xuống thấp khiến đời sống bà con hết sức khó khăn

17/08/2011
Sắp Diễn Ra ILDEX VIETNAM 2012 - Nơi Hội Tụ Của Xu Thế Thời Đại Sắp Diễn Ra ILDEX VIETNAM 2012 - Nơi Hội Tụ Của Xu Thế Thời Đại

ILDEX Vietnam 2012 tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thương hiệu của mình và đồng hành cùng các khách hàng, từ đó là cầu nối cho các doanh nghiệp phát triển các mối quan hệ hợp tác.

26/02/2012
Nấm Rơm Đầu Tư 1, Thu Lại 3 Lần Nấm Rơm Đầu Tư 1, Thu Lại 3 Lần

Nếu so với đưa màu xuống ruộng thì hiệu quả của việc tận dụng rơm, rạ trồng nấm mùa khô cũng không kém phần. Mô hình này không cần nhiều vốn, chỉ lấy công làm lời. Vì thế, người nông dân đâu tư một, nhưng có thể lấy lại 3 lần so với đồng vốn bỏ ra

20/08/2011