Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Chật Vật Tái Đàn

Chăn Nuôi Chật Vật Tái Đàn
Ngày đăng: 11/04/2014

"Người dân cạn sức thì lấy gì tăng đàn, mở rộng quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng vật nuôi”, một lãnh đạo cơ sở than thở.

Sau thời gian trượt giá vì dịch bệnh thì hiện giờ, giá các loại gia súc gia cầm (GSGC) tăng dần lên.

Cụ thể tại Quảng Ngãi, heo hơi dao động từ 45.000 - 48.000 đ/kg, gà 75.000 - 90.000 đ/kg, vịt 70.000 - 80.000 đ/con. Cao nhất là heo giống với giá 500.000 - 700.000 đ/con từ 30 - 35 ngày tuổi.

Thế nhưng người chăn nuôi tỉnh Quảng Ngãi lại khó tái đàn vì thiếu vốn lẫn con giống...

ĐẦU RA TĂNG, ĐẦU VÀO CŨNG VỌT

Chưa kịp mừng vì đàn heo thịt 5 con vừa mang về cho gia đình hơn 12 triệu đồng thì bà Nguyễn Thị Thư, ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức, Quảng Ngãi) lại thấp thỏm lo. Bởi hiện giờ, chuồng heo nhà bà “trắng” nái lẫn con giống. Thế nên muốn có heo thịt bán đợt sau, bà phải bỏ ra 5 - 7 triệu đồng để mua 10 con heo con.

Không chỉ người dân mà cả ngành chăn nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi cũng đang đối mặt với bộn bề gian khó. Muốn vượt qua, họ cần sự trợ lực từ nhiều phía, nhất là phỉa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích của tỉnh.

Số tiền này đối với nông dân là quá lớn nếu muốn tái đàn, họ phải chấp nhận mạo hiểm. Vì theo bà Thư, tiền mua con giống hiện giờ đã chiếm 1/3 giá trị đàn heo thịt tương lai, rồi còn chi phí thức ăn, công chăm sóc. Nếu 4 tháng sau, giá heo thịt vẫn đạt mức cao như hiện nay thì người chăn nuôi còn có chút lợi nhuận; ngược lại, họ phải ôm lỗ kép, mất cả vốn lẫn công.

Không may mắn như bà Thư là có đàn heo thịt vừa xuất chuồng, chị Nguyễn Thị Hợi ngụ xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành loay hoay, chẳng biết kiếm đâu ra tiền để mua con giống tái đàn. Nếu đi vay, chị sợ đến giai đoạn xuất bán mà giá heo thịt suy giảm thì lại vướng nợ.

Bàn đi tính lại, vợ chồng chị Hợi quyết định bán lúa và lạc, lấy tiền mua 3 con heo giống lai với giá 2 triệu đồng để thử vận may.

“Hiện heo thịt đang cao giá mà mình không nuôi thì tiếc. Thôi thử liều xem sao”, chị Hợi cho hay.

Cùng cảnh “nuôi lo lỗ, không nuôi thì tiếc” với người nuôi heo là những hộ muốn tái đàn gia cầm sau khi bị dịch cúm A/H5N1 càn quét. Nguyên nhân một phần là hiện giờ, giá gia cầm đã tăng trở lại; phần vì chỉ còn hai tháng nữa đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5) nên chủ hộ nôn nóng tái đàn để kịp phục vụ nhu cầu người dân.

Tính toán thế nhưng ông Nguyễn Hữu Thi ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa lại chùng lòng khi nghĩ đến số tiền ban đầu phải bỏ ra.

“Vịt thịt phải nuôi bầy từ 300 con trở lên mới có lời. Mà con giống tốt bây giờ giá cao lắm, những 20.000 - 25.000 đ/con nên muốn có đàn vịt mới, tôi phải ứng trước 6 - 7,5 triệu đồng. Đó là chưa kể thức ăn đã tăng 40.000 đ/bao”, ông Thi nhẩm tính.

NGƯỜI CHĂN NUÔI ĐƠN ĐỘC

Tại Quảng Ngãi nguyên nhân giá con giống tăng cao được người chăn nuôi dự đoán là do trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 11/2013 cuốn trôi hơn 280.000 con GSGC, rồi dịch bệnh tấn công khiến đàn GSGC trong tỉnh càng teo tóp.

Trong khi đó, việc tái đàn dường như chỉ phụ thuộc vào nội lực của người chăn nuôi, mà chưa có sự trợ sức nào từ bên ngoài, nhất là ngành chức năng.

Chính vì thế nên dù muốn khôi phục đàn GSGC về trạng thái cũ, người chăn nuôi cũng chẳng biết xoay xở đâu ra vốn để đầu tư con giống, thức ăn. Chị Hợi tâm sự: “Lũ qua dịch đến, người còn chật vật kiếm miếng ăn, lấy đâu tiền mà gầy heo, gà”.

Chật vật thế mà đến giờ, tức đã gần nửa năm sau ngày trận lũ tàn phá nhưng những hộ dân có GSGC bị chết, cuốn trôi vẫn chưa nhận được bất kỳ chế độ hỗ trợ nào để có điều kiện tái đàn. Sự chậm trễ này không chỉ khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo kiểu “giã gạo”, được chăng hay chớ.

"Người dân cạn sức thì lấy gì tăng đàn, mở rộng quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng vật nuôi”, ông Mai Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành trăn trở.

Ông Tuấn cũng cho rằng lúc này, thứ mà người chăn nuôi vùng lũ Hành Thiện cần không chỉ vốn, mà còn là con giống. Vì với chi phí đầu vào như con giống, thức ăn quá cao như hiện giờ thì người sẵn vốn muốn tái đàn cũng ngại, huống chi những hộ phải đi vay mượn.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn) Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.

09/02/2013
Gần 24% Diện Tích Nuôi Tôm Chân Trắng Bị Thiệt Hại Ở Trà Vinh Gần 24% Diện Tích Nuôi Tôm Chân Trắng Bị Thiệt Hại Ở Trà Vinh

Trên địa bàn vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện có trên 200 hộ thả nuôi gần 76 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 152 ha. Tuy mới vào vụ nuôi nhưng đã có 36 ha bị thiệt hại (24%), với lượng giống thả nuôi hơn 18 triệu con giống. Tôm nuôi bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị và tôm chết thường ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, đã gây thiệt hại nặng người nuôi.

09/02/2013
Vú Sữa Lò Rèn Hoàng Kim Trên Đất Vĩnh Kim Vú Sữa Lò Rèn Hoàng Kim Trên Đất Vĩnh Kim

Lâu nay, nhắc đến vú sữa Lò Rèn, người ta nghĩ ngay đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vậy mà, đi sâu tìm hiểu xuất xứ loại cây này, tuy có nhiều giai thoại nhưng giai thoại nào cũng cho biết vú sữa Lò Rèn không xuất phát từ Vĩnh Kim!

09/02/2013
Nuôi Rắn Mối Làm Giàu Nuôi Rắn Mối Làm Giàu

Những ngày cuối năm, trang trại rắn mối của chị Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) càng ăn nên làm ra, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ con trai chị, một kỹ sư công nghệ thông tin đã mạnh dạn làm thêm nghề “tay trái”: nuôi rắn mối.

15/02/2013
Nghề Nuôi Rắn Ở Lào Cai Nghề Nuôi Rắn Ở Lào Cai

Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề “đùa với tử thần” lại trở thành “cây cầu” giúp không ít người gây dựng được cơ nghiệp.

15/02/2013