Chấn chỉnh hoạt động sản xuất hồ tiêu
Đây là một động thái hết sức cần thiết của ngành Nông nghiệp tỉnh trước tình hình diện tích hồ tiêu ngày càng gia tăng với tốc độ “chóng mặt”.
Vườn tiêu 1 năm tuổi trồng trên cây sống của gia đình chị Bùi Thị Diễm Lệ ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp).
Những năm gần đây, do giá tiêu trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định, trong khi đó, giá cà phê, mủ cao su xuống thấp nên một bộ phận nông dân đã chặt hạ cao su hoặc phá bỏ cà phê để trồng tiêu.
Theo quy hoạch của tỉnh thì đến năm 2020, diện tích tiêu chỉ dừng lại ở mức khoảng trên dưới 10.000 ha.
Thế nhưng, qua thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có đến 16.500 ha tiêu.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới đã lên đến trên dưới 2.500 ha.
Điều đáng nói hơn, việc trồng tiêu một cách ồ ạt, không tuân theo quy trình kỹ thuật, không những phá vỡ quy hoạch mà còn dễ dẫn đến vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành hồ tiêu nói riêng.
Đơn cử như chuyện chặt cao su chuyển sang trồng tiêu cũng có nhiều điều đáng nói.
Do sợ tốn kém đầu tư nên người dân chỉ bỏ phần ngọn và giữ lại thân cây cao su để làm trụ trồng tiêu.
Trong khi đó, theo khuyến cáo, việc trồng tiêu xen trong vườn cao su là không đúng, do nền đất dưới gốc cây cao su thường bị chai cứng nên sẽ không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cây tiêu phát triển.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp - PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã tăng cường khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, không chuyển đổi các cây trồng khác sang trồng tiêu mà chỉ nên tập trung đầu tư, chăm sóc tốt diện tích hiện có.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung phản ánh về những hậu quả xấu đã xảy và có thể xảy ra, những nguy cơ tiềm ẩn của việc phát triển tiêu ồ ạt.
Cụ thể như giá tiêu những năm tới có thể xuống thấp; dịch bệnh lây lan nhanh gây chết tiêu hàng loạt; những đối tượng dịch hại luôn tiềm ẩn trong vườn tiêu.
Các cơ quan chuyên môn tăng cường việc theo dõi, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu và các loại cây trồng khác cho nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Việc theo dõi hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) phục vụ cho sản xuất cũng cần được tăng cường, nhất là việc nhân giống tiêu phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không để ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất hồ tiêu trên địa bàn từ năm 2010 - 2015.
Tập trung vào việc ước tính tổng diện tích hồ tiêu trồng thuần và trồng xen trong các cây trồng khác; cơ cấu giống tiêu và dự kiến chủng loại giống trong thời gian tới; áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hồ tiêu như tưới nước tiết kiệm, tiêu thoát nước, phân bón.
Các địa phương cũng cần tìm hiểu, đánh giá về cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tiêu; mô hình sản xuất tiêu năng suất cao, bền vững; mô hình trồng xen hồ tiêu với cây trồng khác hiệu quả cao; các cơ sở sơ chế hồ tiêu đảm bảo chất lượng; công tác quản lý giống hồ tiêu; đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trong thời gian tới…
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, không ít nông dân vẫn có tâm lý chạy theo phong trào và chịu nhiều hậu quả khi lâm vào tình cảnh “trồng - chặt”.
Vì vậy, việc ngành Nông nghiệp triển khai rà soát, đánh giá lại hoạt động sản xuất hồ tiêu không gì ngoài mục đích nhằm tiếp tục có những biện pháp, quyết sách cần thiết để chấn chỉnh lại tình hình sản xuất cho đúng hướng hơn.
Ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng, về phía nông dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, thận trọng trong việc trồng hồ tiêu, đừng để vì sự thiếu hiểu biết mà “tiền mất tật mang”.
Có thể bạn quan tâm
Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.
Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.
Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương
Nuôi heo rừng là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, từng bước vươn lên thành khá giàu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tuần rồi, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đã giảm từ mức 5.650–5.750 đ/kg của tuần trước xuống còn 5.250-5.400 đkg (giảm 350-400 đ/kg), lúa khô chất lượng cao cũng từ mức 5.800–5.900 đ/kg giảm xuống còn 5.450–5.600 đ/kg (giảm 300-350 đ/kg). Gạo hàng hóa cũng giảm mạnh.