Chậm và nhiều vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi
Tiến độ chậm
Theo Thông tư 27, các trang trại được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp.
Trong đó, trang trại chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản) là trang trại có tỷ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa của ngành chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm.
Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa thì được gọi là trang trại tổng hợp.
Cũng theo quy định, khi được công nhận là kinh tế trang trại, chủ trang trại được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định hiện hành.
Trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì.
Tuy nhiên sau hơn 4 năm Thông tư 27 có hiệu lực, việc triển khai cấp GCN kinh tế trang trại nói chung, trang trại chăn nuôi (gia súc, gia cầm) nói riêng trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn quá thấp so với thực tế.
Theo khảo sát, tính đến nay, toàn TP mới cấp GCN cho 247 trang trại, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Anh (203 trang trại), Ứng Hòa (25 trang trại)...
Trong khi đó, nhu cầu được cấp GCN của các hộ chăn nuôi hiện còn rất lớn, bởi toàn TP có 3.185 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Trong đó bao gồm 35 trại chăn nuôi bò sữa, 68 trại chăn nuôi bò thịt, 779 trại chăn nuôi lợn với quy mô lợn nái từ 10 con, lợn thịt 100 con/hộ và 2.303 trại chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thịt, 500 gà thả vườn trở lên.
Tiến độ cấp GCN trang trại chăn nuôi chậm do nhiều nguyên nhân như công tác triển khai của các huyện, thị xã chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ hộ chăn nuôi về quyền và lợi ích khi được cấp GCN kinh tế trang trại còn nhiều hạn chế.
Đáng chú ý, muốn được cấp GCN kinh tế trang trại, tiêu chí bắt buộc phải có GCN quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến việc cấp GCN trang trại.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Thực tế những năm qua, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn TP chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, tự phát, các địa phương còn thiếu quy hoạch đồng bộ. Các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng đất chuyển đổi, khi chăn nuôi có lãi, nhiều hộ chủ động mở rộng sản xuất bằng cách tự chuyển đổi diện tích đất cho nhau nên khi cần xin GCN quyền sử dụng đất dành cho chăn nuôi rất khó khăn.
Để tháo gỡ những hạn chế trên, tháng 2/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy hoạch chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã sẽ triển khai đến các địa phương và các hộ để các trang trại chăn nuôi thực hiện đúng quy hoạch. Việc tổ chức triển khai cấp GCN trang trại cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp, trong đó giải pháp quan trọng là tuyên truyền để các hộ dân phát triển chăn nuôi đúng quy hoạch, giảm nhanh phương thức chăn nuôi tự phát.
Chỉ có chăn nuôi đúng quy hoạch, các hộ mới được cấp GCN kinh tế trang trại để được hưởng các quyền lợi phát triển sản xuất như chính sách hỗ trợ của TP về giống, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo, tập huấn và vay vốn sản xuất.
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Đồng thời, đang tập trung ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và xây dựng các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu dùng. Đây cũng chính là những điều kiện thuận lợi để các trang trại đầu tư phát triển sản xuất.
Để các chủ hộ sớm được cấp GCN trang trại góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của UBND các huyện, thị xã bởi việc cấp GCN kinh tế trang trại thuộc thẩm quyền của UBND các cấp này.
Có thể bạn quan tâm
Giống bắp mới DK 6919 có đặc tính chịu hạn và chống chịu sâu bệnh tốt, có thể trồng ở mật độ dày từ 72.000 - 74.000 cây/ha. Đặc biệt, cây có thời gian sinh trưởng ngắn, rất thích hợp để thâm canh, tăng vụ, nhất là những vùng thường xuyên thiếu nước như Mỹ Thạnh.
20 - 25 tấn rau sạch được cung ứng cho thị trường mỗi ngày là kết quả sản xuất của 29 hộ thuộc Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát. Hiện nay, Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát đang triển khai nhiều biện pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho mình.
Sau dịch hại chổi rồng trên cây nhãn tiêu da bò, nông dân huyện Châu Thành (Đồng Tháp) lựa chọn nhiều loại cây ăn trái khác để chuyển đổi canh tác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với mức lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha, sầu riêng là loại cây trồng đang hấp dẫn nhà vườn.
Dù chỉ phát triển khoảng 10 năm trở lại đây nhưng mãng cầu Xiêm đã trở thành 1 trong 3 cây trồng chủ lực ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Cùng với phát triển nhanh về diện tích, cây mãng cầu Xiêm đang đối mặt với nhiều thách thức cần có giải pháp để phát triển bền vững.
Ông Ngô Văn Khỏi, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) ngờ ngàng trước việc 1 cây dừa trong đất rẫy của mình có hình thù rồng bay phượng múa...