Trang chủ / Rau củ quả / Đậu tương

Chăm Sóc Đậu Tương Vụ Đông

Chăm Sóc Đậu Tương Vụ Đông
Ngày đăng: 15/01/2011

(Báo Nông nghiệp, KH KT nông nghiệp)

Đến thời điểm này cây đậu tương đông đã được trên dưới 1 tháng (tuỳ theo địa phương, tuỳ theo giống...), hiện đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ra hoa, do đó chúng tôi chỉ đề cập đến một số điểm chính trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch để bà con tham khảo, áp dụng.

Với các tỉnh phía Bắc đậu tương có thể trồng được 2 vụ chính cho hiệu quả cao: Xuân hè và vụ đông do đó bà con có thể tham khảo thêm các tài liệu về giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh v.v... được đăng tải thường xuyên trên báo Nông nghiệp Việt Nam và các báo địa phương trước khi vào vụ hoặc thông qua các Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và Chi cục BVTV các tỉnh để được cung cấp tài liệu và tư vấn thêm về kỹ thuật. Do khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm của bà con Hà Tây trong những năm gần đây thông qua tài liệu của TT Khuyến nông Hà Tây và Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.

Chăm sóc: Do gieo vãi nên cây mọc không đều, bà con nhổ bớt những chỗ mọc dày để trồng dặm lại những chỗ thưa nhằm đảm bảo mật độ (45-55 cây/m2 với các giống trung ngày, 55-65 cây/m2 với các giống ngắn ngày) sẽ cho năng suất cao nhất. Công việc cấy dặm lại phải xong trước 15 ngày sau gieo. Dặm xong cắt rạ phủ kín gốc và tưới nước đủ ẩm. Thường xuyên dẫn nước tưới đủ ẩm cho đậu sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa, nuôi quả lớn. Chú ý khơi thông mương rãnh để thoát nhanh nước sau mưa to, không để ruộng bị úng ngập.

Lượng phân bón tính cho 1 sào Bắc bộ gồm: 200kg phân chuồng hoai mục, 3kg urê, 10kg phân lân, 3kg phân kali. Phân chuồng ngâm vào hố ở góc ruộng để pha tưới dần cùng với phân hoá học. Bón thúc lần 1 khi đậu có 1 lá thật (là lá đầu tiên bên trên 2 lá mầm) bằng cách pha 5kg lân + 1,5kg đạm + nước phân chuồng hoà đều để tưới vào gốc. Thúc lần 2 khi đậu có 3-4 lá: Pha 5kg lân + 1,5kg đạm + 1,5kg kali + nước phân chuồng hoà đều để tưới. Thúc lần 3 khi đậu có 5-6 lá: Pha 1,5kg kali còn lại + nước phân chuồng hoà đều để tưới. Chú ý các đợt bón thúc phải kết thúc xong 23 ngày sau khi mọc, không bón quá muộn làm ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả và chất lượng hạt sau này.

Phòng trừ sâu bệnh: Vụ đông ít sâu bệnh hơn vụ xuân hè, tuy nhiên cần chú ý phát hiện và phòng trừ kịp thời một số đối tượng sau: Sau khi gieo 9 ngày (5 ngày sau mọc) pha Dipterex 2/1.000 cộng với 1/1.000 Padan 95SP (bình bơm 10 lít pha 2g Dipterex + 1g Padan) phun kỹ để chống dòi đục thân. Sau 3-5 ngày phun kép lần 2 (cây có 7-8 lá thật) để trừ sâu ăn lá, có thể kết hợp phun thêm các chế phẩm phân bón qua lá để tăng năng suất hạt.. Khi đã tắt hoa phun trừ sâu đục quả bằng thuốc Ofatox, Regent... nồng độ 2/1.000. Dùng thuốc Zineb, Tilsupper để phòng trị bệnh rỉ sắt, sương mai, đốm nâu hại lá. Dùng Validamicin để trị bệnh lở cổ rễ khi cây còn nhỏ. Ngoài ra chú ý diệt trừ sâu khoang hại lá, hại hoa bằng cách bắt bằng tay hoặc đặt các bẫy Pheromone, bẫy chua ngọt có pha thuốc trừ sâu và chuột đồng hại quả vào cuối vụ.

Thu hoạch: Khi thấy lá đậu đã vàng, một số rụng xuống gốc, quả khô là thu hoạch được. Nếu đậu đã già mà lá xanh còn nhiều thì có thể phun nước muối, phun ethrel hoặc xả nước vào ngâm chân 2-3 hôm rồi rút cạn nước cho lá rụng hết dễ thu hoạch. Chọn ngày nắng ráo cắt sát gốc, phơi tại ruộng cho khô bớt rồi vận chuyển về phơi trong nong, nia, vải bạt đập lấy hạt. Cũng có thể dùng máy tuốt lúa để tuốt lấy hạt, phơi khô (độ thuỷ phần khoảng 13%), quạt sạch đem bảo quản nơi khô mát hoặc đem tiêu thụ.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật Trồng Đậu Tương Ở Miền Núi Kỹ Thuật Trồng Đậu Tương Ở Miền Núi

Cây đậu tương được trồng rộng rãi ở các vùng sinh thái khác nhau. ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cây đậu tương được trồng với diện tích lớn như Bắc Giang (8.700 ha), Sơn La (8000 ha), Cao Bằng (7.500 ha). Tuy nhiên, diện tích trồng cây đậu tương có thể phát triển nhiều hơn nữa trên nhiều loại đất khác nhau của miền núi (đồi, gò, nương rẫy...) có thể trồng xen với cây ăn quả, cây rừng chưa khép tán, cây công nghiệp ngắn ngày như mía và trồng luân canh với cây lương thực như ngô, lúa nương.

29/10/2013
Kinh Nghiệm Làm Giống Đậu Tương Hè Rút Ngắn Thời Vụ Kinh Nghiệm Làm Giống Đậu Tương Hè Rút Ngắn Thời Vụ

Thời vụ trồng đậu tương hè giữa hai vụ lúa thường rất ngắn. Nếu trồng đậu tương hè trên chân ruộng thu hoạch lúa muộn, bà con cần làm mạ đậu tương.

22/07/2013
Bệnh Cháy Đỏ Lá Bệnh Cháy Đỏ Lá

Bệnh còn được gọi là “bệnh vết phồng vi khuẩn“ hay “bệnh đốm ướt“. Sau bệnh rỉ, đây là bệnh khá phổ biến trên nhiều giống đậu nành. Ở một số nơi chuyên canh đậu nành trên thế giới, như ở tiểu bang lllinois (Mỹ), hầu hết các giống đều bị nhiễm bệnh này. Bệnh thích hợp trong điều kiện khí hậu ấm áp, lan truyền từ năm này sang năm khác bằng lá bị bệnh và cũng có thể từ hạt giống.

29/10/2013
Bệnh Héo Rũ Bệnh Héo Rũ

Triệu chứng bệnh Bệnh xuất hiện ở cây con và cả cây trưởng thành. các lá dưới thấp bị vàng trước rồi lan dần lên các lá trên, sau cùng cả cây bị vàng héo, lá rụng dần. Rễ bị thối, phát triển kém. Gốc thân có nhiều sợi nấm trắng bao quanh dày đặc. Trong thân, các mô dẫn truyền có màu nâu và có nấm phát triển.

29/10/2013
Chăm Sóc Đậu Tương Vụ Đông Chăm Sóc Đậu Tương Vụ Đông

Đến thời điểm này cây đậu tương đông đã được trên dưới 1 tháng (tuỳ theo địa phương, tuỳ theo giống...), hiện đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ra hoa, do đó chúng tôi chỉ đề cập đến một số điểm chính trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch để bà con tham khảo, áp dụng.

29/10/2013