Bón vôi đúng cách giải pháp canh tác bền vững cho cây ăn trái
Trong quá trình canh tác và sản xuất nông nghiệp đặc biệt là canh tác cây ăn trái, bà con nông dân đã có thói quen sử dụng vôi, nhắc tới vôi làm chúng ta liên tưởng ngay tới tác dụng hạ phèn, diệt khuẩn của vôi nông nghiệp nói chung, thật ra vôi còn nhiều tác dụng khác đối với cây trồng nhưng không phải ai cũng biết như sử dụng loại vôi nào, bón bao nhiêu, thời điểm bón, cách bón như thế nào là phù hợp với yêu cầu đất và cây trồng.
I. Tác dụng của vôi:
1. Vôi cung cấp chất dinh dưỡng Canxi (Ca) cho cây: Canxi là một chất dinh dưỡng trung lượng nên cây cần khá nhiều Canxi để làm vững chắc thành tế bào. Thiếu Canxi làm cây dễ đổ ngã, dễ bị sâu bệnh, trái hay bị nứt; khi thiếu trầm trọng Canxi làm đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Ngoài ra Canxi còn giúp giải độc cho cây trồng, tăng khả năng chống chịu của cây.
2. Chống chua đất: Đất chua là đất có dư lượng acíd, độ pH nhỏ hơn 7. Hầu hết đất canh tác nông nghiệp bón nhiều phân hóa học qua nhiều năm đất sẽ bị suy thoái và chua làm giảm năng suất của cây trồng. Khi độ pH xuống dưới mức hợp lý thì phải chống chua và thứ rẻ nhất để làm việc này là vôi.
3. Khử tác hại của mặn: Khi đất bị nhiễm mặn thì đất bị mất dần cấu trúc, rời rạc; cây thì không hút được nước và chất dinh dưỡng. Để hạn chế tác hại, những vùng đất mặn có phèn nên bón vôi để rửa mặn
4. Ức chế sự phát triển của nấm bệnh: Đất trở nên chua khi bị suy thoái là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh trong đất phát triển. Một trong những biện pháp ức chế sự phát triển của những loại nấm gây hại là bón vôi cải tạo đất.
II. Phân biệt các loại vôi
Cần phải hiểu rõ về tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng để đạt hiệu quả và tránh các tác hại không cần thiết
1- Vôi tôi (Ca(OH)2), vôi nung (CaO)
- Đặc tính: Tạo phản ứng rất mạnh khi gặp nước; đây là chất diệt khuẩn mạnh: tiêu diệt cả vi sinh gây hại và cả vi sinh có lợi
- Tác dụng với đất: Tăng pH đất rất nhanh; khi pha nước tưới, sát khuẩn rất mạnh; sử dụng hổ trợ khống chế nhanh để dập dịch bệnh;
- Chú ý: Dễ gây cháy lá – da - rể cây; gây bỏng da tay; chỉ nên cho vôi này vào nước- không làm ngược lại; không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi
2- Bột đá vôi (CaCO3)
- Đặc tính: Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu, cung cấp Ca
- Tác dụng với đất: Làm tăng pH đất nhanh.
- Chú ý: Dễ sử dụng không gây cháy lá - rễ cây, không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi
3- Vôi Dolomite (CaMg(CO3)2)
- Đặc tính: Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu; cung cấp cả Ca, Mg cho cây
- Tác dụng với đất: Làm tăng pH đất chậm.
- Chú ý: Dễ sử dụng không gây cháy lá-rễ cây; không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi
III. Bón vôi như thế nào cho đúng
Bón vôi cho đất là việc cần thiết khi canh tác và thâm canh cây trồng, tuy nhiên không phải bón vôi càng nhiều càng tốt, sử dụng vôi còn phải cân nhắc đến các tác hại của nó, muốn bón vôi có hiệu quả cần tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:
1. Bón đúng loại vôi: Có 3 nhóm vôi chính dùng để bón cải tạo đất: bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2), Vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) tùy theo tình trạng suy thoái cụ thể của từng loại đất và tác dụng của từng loại vôi mà sử dụng cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
+ Đất bị phèn mặn và pH thấp < 4 hoặc cây trồng bị các vấn đề bệnh ở rễ cây nên xử lý vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2).
+ Đất có pH >5- 6 sử dụng Vôi Dolomite (CaMg(CO3)2)
2. Lượng vôi cần bón cho từng loại đất: Lượng vôi cần sử dụng căn cứ vào 3 yếu tố sau đây:
+ Tùy thuộc vào độ chua của đất (độ pH). Đất bị chua nhiều cần bón nhiều vôi, đất ít chua bón ít vôi hơn.
+ Đất sét bón nhiều vôi nhưng nhiều năm mới bón lại trong khi với đất cát thì không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác.
+ Tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất nhiều hữu cơ bón nhiều vôi, nhiều năm bón lại; ngược lại nếu đất ít hữu cơ nên bón lượng ít hơn nhưng nên bón vôi thường xuyên hơn.
- Với đất sét, nhiều chất hữu cơ:
+ pH từ 3,5-4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha;
+ pH từ 4,6-5,5 bón 1 tấn vôi/ha;
+ pH từ 5,6-6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha,
+ pH > 6,5 không cần bón vôi.
- Với đát cát, ít chất hữu cơ:
+ pH từ 3,5 đến 4,5 bón < 1 tấn vôi/ha;
+ pH từ 4,6-5,5, bón < 0,5 tấn vôi/ha;
+ pH từ 5,6-6,5, bón < 250 kg vôi/ha;
+ pH >6,5 không cần bón vôi.
3. Thời điểm bón vôi:
- Với vườn cây chưa cho thu hoạch có thể bón bất cứ vào thời điểm nào trong năm.
- Với các vườn đang cho trái, chỉ nên bón sau khi đã thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, phòng trừ sâu bệnh.
4. Cách bón vôi: rải đều lượng vôi trên mặt liếp rồi dùng cào răng xới sâu 5-10cm để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt.
IV. Lưu ý những tác hại khi sử dụng vôi có thể xảy ra:
- Tiêu diệt hệ vi sinh vật có hại lẫn có lợi: Trong đất có rất nhiều vi sinh vật có lợi cho đất, khi bón vôi sẽ tiêu diệt các vi sinh vật nầy.
- Làm mất chất dinh dưỡng: Vôi khi gặp các loại phân bón chứa đạm sẽ làm mất đạm khiến cây không hấp thu được. Hầu hết các loại phân vô cơ như Urê, SA, NPK, DAP, Lân…đều kỵ vôi .
Sử dụng vôi có hiệu quả cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc trên. sử dụng vôi tùy theo mục đích như loại vôi nào để xử lý nấm bệnh, loại nào để nâng pH cải tạo đất, loại nào để cung cấp Ca,Mg cho cây trồng. Khi bón vôi không nên trộn chung với bất kỳ lọai phân gì, bón trước hoặc sau đợt bón phân ít nhất 15 ngày.
- Tóm lại: Bón vôi cho đất là việc cần thiết khi canh tác và thâm canh cây trồng, tuy nhiên không phải bón vôi càng nhiều càng tốt, việc sử dụng vôi vừa có lợi vừa có những tác hại vì vậy bón vôi như thế nào là phù hợp với yêu cầu đất và cây trồng thì cần phải hiểu rõ về tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng để đạt hiệu quả và tránh các tác hại không cần thiết
Có thể bạn quan tâm
Sau những đợt khô hạn kéo dài, đàn gia súc thường mệt mỏi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin
Sau hơn 17 năm, cây chè đã giúp người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm người.
Nhiều hộ nông dân xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) trồng thử nghiệm cây chanh leo, bước đầu cho hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng