Chăm sóc chè đón lộc xuân
Chè là cây trồng chủ lực, ngày càng được nông dân chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật cao, mở rộng diện tích tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Năm nay, người dân đốn tỉa ngọn chè bằng máy mới, năng suất lao động cao hơn gấp 3 lần so với thủ công. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trên thực tế, đây cũng là cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vùng thượng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, thời gian này, người trồng chè ở huyện Kỳ Anh đang áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để chăm sóc, đốn tỉa để cây chè nẩy mầm, ra lộc, đảm bảo năng suất chất lượng trong vụ mới.
Gia đình chị Trần Thị Khuyến ở thôn Phúc Sơn, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) có 10 sào trồng chè nguyên liệu. Sau khi thu hái đợt cuối cùng, chị đã bắt tay ngay vào việc thực hiện chăm sóc vườn chè bằng cách sử dụng phân chuồng hoai mục cùng với phân tổng hợp NPK và đốn cành tạo tán để cây chè được hồi sinh, nẩy mầm ra lộc khi xuân về.
Là hộ gia đình đã có nhiều năm trồng chè, theo chị Khuyến, việc chăm sóc đúng kỹ thuật ở giai đoạn này là rất quan trọng, nó mang tính quyết định giúp chè hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, cây phát triển tốt, cho năng suất cao trong suốt cả năm.
Ngoài ra, nếu được bón phân đầy đủ ngay từ đầu vụ xuân khi thời tiết có mưa, đất đủ ẩm thì phân bón sẽ phát huy hiệu quả cao. Cây chè có khả năng bật mầm tốt, cho búp đều, đẹp. Việc sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp với bón NPK đúng liều lượng giúp cho cây chè phát triển cân đối về bộ rễ, thân lá; tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt số lượng búp xòe ít, búp vươn dài, mật độ búp nhiều, trọng lượng búp nặng, phiến lá dầy, chất lượng tốt.
Hàng năm, việc đốn chè thường được người dân tập trung thực hiện vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Đây là khâu cơ bản và quan trọng nhất của quy trình thâm canh cây chè được thực hiện trong vụ đông, sau khi kết thúc một năm thu hoạch nhằm tái tạo cho vườn chè để chuẩn bị cho một năm thu hoạch mới đạt năng suất cao, phẩm cấp chè tốt nhất.
Tùy theo tuổi cây và thời kỳ khai thác, người ta chia ra làm 2 giai đoạn: Chè kiến thiết cơ bản và chè kinh doanh để có các phương pháp và kỹ thuật đốn cho phù hợp. Sau khi đốn xong, sẽ thu dọn hết cành nhánh chè, đưa ra ngoài để ép xanh, kết hợp cùng với các loại cây phân xanh và vôi nhằm tăng thêm nguồn phân hữu cơ, giúp cho việc bón chè sau này.
Khác với những năm trước, năm nay, nhiều hộ dân tại Kỳ Thượng đã đưa máy cắt kiểu tông đơ vào để đốn ngọn chè và tạo tán thay vì đốn thủ công và bằng máy cắt cỏ như trước đây. Theo ông Trần Văn Tuần ở thôn 9, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh): Trước kia, đốn chè bằng máy cắt cỏ mỗi ngày chỉ đốn được 5 sào, còn khi đưa máy cắt kiểu mới này vào sử dụng, mỗi ngày đốn được 15 sào, gấp đến 3 lần trước kia. Cách làm này vừa giảm được công lao động, vừa tránh cho cây chè không bị dập nát ngọn khi đốn, lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho các vườn chè cũng như đẩy nhanh tiến độ đốn tỉa cho kịp thời vụ.
Sau khi đốn tỉa và chăm bón, các đồi chè sẽ bước vào thời kỳ “ngủ đông” và sẽ đâm chồi, ra lộc, đến đầu tháng 3 dương lịch năm 2022 bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Ông Nguyễn Xuân Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh cho biết: Xã Kỳ Thượng hiện có 175 ha chè nguyên liệu, trong đó có 130 ha đã cho thu hoạch. Phong trào trồng chè ngày một phát triển mạnh, trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, xã luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè năng suất, chất lượng thấp; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy giá trị sản xuất làm ưu tiên hàng đầu.
Cùng với hỗ trợ vốn, chính quyền địa phương đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, phần lớn nông dân đã biết áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh trên cây chè và trồng cây tạo bóng mát cho chè. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong chỉ đạo sản xuất cùng sự tập trung cao của bà con, đến nay, các diện tích trồng chè của bà con đã hoàn thành việc bón phân, đốn tỉa và vệ sinh đồi chè.
Hiện nay, người dân huyện Kỳ Anh đang tập trung chăm sóc gần 450 ha chè nguyên liệu. Công ty Cổ phần Xí nghiệp chè 12 - 9 cũng đã phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu chỉ đạo chăm sóc vườn chè sau thu hoạch xong lứa cuối cùng trong năm. Các quy trình trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại chè, quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều biện pháp thâm canh khác được chính quyền địa phương phối hợp với Công ty Cổ phần Xí nghiệp chè 12-9 hướng dẫn và khuyến cáo để người dân thực hiện đầy đủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Có thể bạn quan tâm
Chè xanh Bản Ven có màu nước trong xanh, hương thơm đậm nhờ thổ nhưỡng và bí quyết ủ hương đặc biệt của người Cao Lan.
Sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển trong canh tác chè là lựa chọn khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng của bà con nông dân.
Nhiều năm về trước, gần như chẳng ai ở Vân Hồ nghĩ đến việc thương hiệu chè địa phương xuất hiện ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Trung Đông