Cha đẻ bộ giống lúa của Phú Yên
Miệt mài nghiên cưu
Năm 2002, ông Nguyễn Văn Thi trong vai trò chủ nhiệm đề tài đã cùng một số đồng nghiệp triển khai đề tài Nghiên cứu chọn tạo giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Phú Yên. Ông Thi chia sẻ: “Qua nhiều năm làm việc trong ngành Nông nghiệp, nhận thấy một trong những điều kiện tiên quyết mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa cho nông dân là chọn được giống tốt, có chất lượng, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, lâu nay, tất cả các giống được đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đều phải du nhập từ các đơn vị chọn, tạo giống lúa trong nước. Khi nhập về, vì điều kiện tự nhiên khác biệt nên rất ít bộ giống phù hợp để có thể triển khai sản xuất trên diện rộng.
Thông thường, để tìm được một giống lúa phù hợp thì chúng tôi phải khảo nghiệm khoảng hơn 100 dòng, giống lúa khác nhau, mất từ 3 đến 4 năm nên lâu nay ngành Nông nghiệp tỉnh không chủ động được nguồn giống. Thêm vào đó, những năm gần đây, nhiều bộ giống lúa trong cơ cấu sản xuất của tỉnh bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh; một số giống không còn phù hợp với trình độ thâm canh của nông dân… Từ thực tế này, tôi “nuôi” ý tưởng lai, chọn tạo ra bộ giống lúa riêng có nhiều ưu điểm và đặc biệt phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh”.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực hiện thành công đề tài là cả một chặng đường dài. Suốt 3 năm ròng, kể từ năm 2002 khi bắt tay vào thực hiện đề tài, ông Thi cùng các đồng sự đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm lai tạo và chọn dòng thuần bằng các phương pháp lai hữu tính và chọn dòng theo phả hệ. Ông Thi cho biết: “Để chọn được bộ giống bố, mẹ thích hợp phục vụ cho lai tạo, những người thực hiện đề tài đã tìm hiểu, khảo nghiệm… rất nhiều giống lúa. Qua đó, đánh giá đặc tính của từng loại giống, khả năng thích hợp với điều kiện của địa phương…”.
Kết quả, năm 2005, ông Nguyễn Văn Thi đã lai, chọn tạo được 7 dòng lúa thích hợp. Đây là thành công bước đầu, làm cơ sở để ông và các đồng sự tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời bộ giống mang thương hiệu Phú Yên là PY1 và PY2. Ông Thi nhớ lại: Khi chọn được những dòng lúa có ưu điểm vượt trội, tôi liền cho khảo nghiệm các dòng này trên chân ruộng ở địa phương. 5 vụ lúa liên tiếp, kể từ vụ đông xuân 2005, chúng tôi cho trồng khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất 7 dòng lúa trên tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Sau đó, tôi tiếp tục trồng khảo nghiệm trên diện rộng tại các huyện Tuy An, Tây Hòa và Đông Hòa với tổng diện tích 1,5ha”.
Cuối cùng, bao nhiêu tâm huyết, công sức của ông Thi và những người trong nhóm nghiên cứu đã được đền đáp. Hai giống lúa PY1 và PY2 đã “chào đời”, thỏa mãn được nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình lai, chọn tạo. Đây là bộ giống có ưu điểm nổi trội, cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện sản xuất của nông dân Phú Yên…
Giống lúa chủ lực của Phú Yên
Theo ông Nguyễn Văn Thi, mặc dù đã lai, chọn tạo được hai giống lúa PY1 và PY2 nhưng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Để khẳng định bộ giống này phù hợp cho sản xuất rộng rãi trên địa bàn tỉnh, ông đã tiến hành trồng thử nghiệm ở một số địa phương. Ban đầu, giống lúa PY1 và PY2 được trồng thử nghiệm ở diện hẹp tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Sau khi kết thúc vụ sản xuất, hai giống lúa này cho năng suất bình quân khoảng 80 tạ/ha, thời gian sinh trưởng từ 90 đến 95 ngày ở vụ hè thu và từ 100 đến 105 ngày ở vụ đông xuân. Khả năng chống đổ ngã tốt, tỉ lệ cây đẻ nhánh khá từ 8 đến 10 nhánh. Đặc biệt, PY1 và PY2 hạn chế được sâu bệnh hại tấn công, các đối tượng rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh thối thân… không xuất hiện.
Từ những đặc tính vượt trội và khả năng thích ứng cao với khí hậu, điều kiện sản xuất của Phú Yên, bộ giống PY1 và PY2 nhanh chóng được nhiều nông dân đưa vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Nhàn, nông dân ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), cho hay: Gia đình tôi có hơn 4 sào lúa nước, trước đây chủ yếu trồng giống lúa của địa phương, năng suất không cao, lại hay nhiễm sâu bệnh nên lợi nhuận thấp. Từ khi chuyển sang trồng giống lúa PY1 và PY2, năng suất lúa cao hơn hẳn, khoảng 400kg/sào, cây lúa lại rất khỏe, không có sâu bệnh, hiệu quả kinh tế vượt trội so với trước.
Không chỉ riêng ông Nhàn, theo nhiều nông dân ở Phú Yên, hiện giống lúa PY1 và PY2 dần thay thế nhiều loại giống khác và là hai giống lúa được cơ cấu trong bộ giống lúa chủ lực của nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng chuyên canh cây lúa như các huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa. Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Ba giống PY1, PY2 và ML213 là những giống lúa chủ lực trong cơ cấu sản xuất của huyện. Trong đó, diện tích sản xuất giống lúa PY1 và PY2 gần 2.000ha, chiếm hơn 40% diện tích canh tác lúa của địa phương; tập trung nhiều ở các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây và thị trấn Hòa Vinh.
Vươn ra khu vực
Không những có chỗ đứng ở Phú Yên, hai giống lúa PY1, PY2 cũng đang từng bước được nông dân của nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung chấp nhận. Theo ông Nguyễn Văn Thi, từ năm 2010, khi PY1 và PY2 bắt đầu được đưa vào sản xuất đại trà tại Phú Yên; Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên đã gửi hai giống lúa này cho Công ty TNHH Thiên An Nông và Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố để trồng thử nghiệm tại các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, nhằm đánh giá khả năng thích ứng của bộ giống trong khu vực. Nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận thấy hiệu quả nên đã chuyển đổi sang trồng giống PY1 và PY2. Hiện hai giống lúa “made in Phu Yen” đã khẳng định được chỗ đứng trên đồng ruộng của một số tỉnh như Gia Lai, Khánh Hòa.
Hiện tại, hai giống lúa PY1 và PY2 đã được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung và Tây Nguyên khảo nghiệm VCU và đang làm thủ tục để được công nhận giống lúa quốc gia của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhận xét: Giống PY1 và PY2 là bộ giống lúa đầu tiên do Phú Yên sản xuất, có chất lượng cao, được nông dân ưa chuộng, góp phần đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa toàn tỉnh. Với tính năng thích nghi cao, phù hợp với nhiều chân ruộng, PY1, PY2 đang tiến dần ra các tỉnh lân cận, có thể sẽ trở thành bộ giống lúa chủ lực của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trong tương lai.
Theo Sở NN-PTNT, qua thống kê sơ bộ của ngành, hiện nay diện tích sản xuất giống lúa PY1 và PY2 tại Phú Yên đạt trên 6.800ha, chiếm khoảng 27% diện tích sản xuất mỗi vụ của tỉnh. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, giống PY1 và PY2 được trồng trên diện tích 1.240ha, Gia Lai là 810ha.
Có thể bạn quan tâm
Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá tra đạt gần 860 triệu USD, chỉ tăng 0,53% so cùng kỳ năm trước, trong đó, ở thị trường lớn EU lại tiếp tục giảm 15,6% so cùng kỳ. Theo đánh giá của bộ Công thương, nhu cầu thị trường EU sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường Mỹ, làm phát triển thêm thị phần ở Mỹ từ 17,2% tăng lên 20,6% trong năm 2012.
Gia đình ông Lê Văn Lộc, ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang hơn một tháng nay đang đứng ngồi không yên theo đàn chồn nhung đen. Từ mối quan hệ cá nhân với ông Đoàn Việt Châu (Hà Nội), gia đình ông Lộc đã nhận chồn nhung đen về nuôi.
Đây là đề tài do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện. Qua khảo sát chất lượng nước các ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 3 mô hình nuôi thâm canh ở tỉnh Sóc Trăng, các nhà khoa học nhận thấy, chất lượng nền đáy ao, bao gồm tổng carbon, tổng nitơ và tổng phosphor, vào đầu vụ nuôi nhìn chung là phù hợp cho tôm phát triển.
Sản xuất tôm giống, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng giống đang phát triển mạnh tại tỉnh Ninh Thuận. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Là nơi tạo ra con giống chất lượng cao, Ninh Thuận vẫn đứng vị trí số 1 trong nước về sản xuất tôm giống.
Giá hạt tiêu trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hiện dao động 110.000 - 120.000 đồng/kg.Vài năm qua, giá tiêu ổn định, người trồng có lãi, nhưng do chi phí đầu tư trồng mới cây tiêu tăng cao, nông dân huyện đảo không có điều kiện mở rộng diện tích hồ tiêu.