Cây Xóa Nghèo Trên Đất Lúa!
Lợi nhuận của nông dân trồng lúa giảm mạnh, giá lúa dao động ở mức thấp và khó tiêu thụ trong điều kiện xuất khẩu gạo gặp khó khăn.
Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu là giải pháp để giúp nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Và thực tế qua 3 năm cây bắp giống “bén rễ” trên đất lúa Trà Vinh đã mở ra hướng đi mới tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Chắc ăn như bắp.
Hơn 30 năm trồng lúa với diện tích 1 ha chưa bao giờ nông dân Thạch Kha, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thu được lợi nhuận 10 triệu đồng/ha/vụ. Vậy mà vụ bắp xuân hè 2014 chỉ trồng 3 công bắp giống F1 ông đã thu lãi hơn 10 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 3 lần trồng lúa. “Xã Long Sơn là vùng đất gò cao nên sản xuất lúa năng suất bấp bênh lắm, trúng lắm chỉ 20 giạ/công (4 tấn/ha).
Tham gia trồng bắp giống 3 năm được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) hỗ trợ hạt giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm, nay tôi đã trả được nợ vay ngân hàng 20 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày một cải thiện” - Thạch Kha phấn khởi kể. Học theo Thạch Kha, nông dân Thạch Tài, ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang chuyển đổi 4 công đất lúa sang trồng giống bắp giống F1. Vụ đầu tiên tuy năng suất chưa cao, đạt khoảng 9,8 tấn/ha nhưng lợi nhuận khoảng 2,7 triệu đồng/công.
So sánh hiệu quả kinh tế giữa trồng lúa và bắp giống anh Thạch Tài cho rằng, cây bắp dễ trồng, đầu ra được bao tiêu, lợi nhuận cao gấp 3 lần cây lúa nên nông dân mê lắm. Xã Long Sơn, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn, Thuận Hòa,… Cầu Ngang (Trà Vinh) là vùng đất gò cao thường thiếu nước tưới vào mùa khô, do đó không đủ nước tưới cho trồng lúa, lại bị nhiễm mặn, phèn vào cuối mùa khô nên nhiều nơi đất bị bỏ hoang.
Việc hợp tác sản xuất bắp giống F1 sẽ dần chuyển đổi tập quán canh tác lúa – lúa sang canh tác bắp – lúa, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên hiện có. Trong khi đó, kết quả sản xuất thử hạt giống bắp của SSC tại đây cho thấy, thu nhập của nông dân tăng hơn 57,7% so với canh tác lúa trong vụ đông xuân, nhờ đó lợi nhuận tăng 2,9 lần, tương đương hơn 12,8 triệu đồng/ha.
Kỹ sư Kim Sô Phan - Cán bộ kỹ thuật “biệt phái” thuộc Sở NN&PTNT Trà Vinh phụ trách nông nghiệp xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: “Qua 3 năm nông dân xã Long Sơn nói riêng, huyện Cầu Ngang nói chung hợp tác làm ăn với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đã có hơn 100 nông dân thoát nghèo.
Chỉ tính riêng xã Long Sơn diện tích trồng bắp thử nghiệm ban đầu chỉ 10 ha năm 2010, nay đã mở rộng gấp 16 lần, lên hơn 160 ha. Nhiều hộ nông dân thực sự đổi đời từ cây bắp giống thương phẩm; Đầu ra ổn định nhờ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hiệu quả kinh tế hiện nay cao gấp 2,5 đến 3 lần cây lúa, cây bắp hiện đang là cây trồng hiệu quả nhất, cây xóa nghèo nhanh nhất trên đất lúa.”
“Cây xóa nghèo trên đất lúa”
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng bắp lớn tại ĐBSCL, cây bắp thích nghi và phát triển tốt ở vụ đông xuân và hè thu. Các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải… là vùng trọng điểm trồng bắp. Từ năm 2013, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) có chương trình hỗ trợ hạt giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cam kết thu mua sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: Từ vụ hè thu và thu đông năm 2014 huyện Trà Cú đã quyết định chuyển 739 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước tưới, thường bị mặn xâm nhập sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, trong này cây bắp là lựa chọn số 1. Trước mắt, huyện sẽ liên kết Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư và bao tiêu sản phẩm mở rộng diện tích trồng bắp giống.
Vụ đông xuân 2013 - 2014 mở rộng diện tích khoảng 300 ha với năng suất đạt từ 8 - 9 tấn/ha. Giá bao tiêu sản phẩm là 8.300 đồng/kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí người trồng bắp thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 3- 4 lần so với trồng lúa.
Lễ ký kết “Dự án chuyển đổi cơ cấu bắp giống trên đất lúa giúp nông dân thu nhập thấp Trà Vinh thoát nghèo”
Không dừng lại ở đó, để tạo lòng tin bền vững cho người trồng bắp, ngày 17/3/2014, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Trà Vinh, các ngành liên quan triển khai dự án chuyển đổi cơ cấu bắp giống trên đất lúa giúp nông dân Khmer Trà Vinh thoát nghèo.
Ông Hàng Phi Quang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam khẳng định: Dựa trên khả năng của Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam định hướng phát triển sản xuất hạt giống bắp lai ở Trà Vinh, tiềm năng về đất đai, khí hậu thời tiết và lao động của Trà Vinh, quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) đã thỏa thuận tài trợ cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam triển khai dự án Kinh doanh cùng người thu nhập thấp “Chuyển đổi cơ cấu bắp giống - lúa giúp nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh thoát nghèo” với tổng kinh phí dự án là 42 tỷ 386 triệu đồng trong đó quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam tài trợ gần 9 tỷ đồng.
Theo đó, các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải là những địa phương có thế mạnh phát triển bắp giống F1. Mục tiêu của dự án trong 2 năm 2014 - 2015 là đảm bảo vùng nguyên liệu hạt giống bắp F1 ổn định có quy mô 1.100 ha được kiểm soát chất lượng, cung cấp thêm ra thị trường 2.750 tấn hạt bắp giống F1 có chất lượng tốt, giá rẻ hơn giống nhập khẩu.
Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác tới người nông dân. Nâng cao thu nhập 2,9 lần cho 2.200 hộ nông dân trong vụ đông xuân, trong đó có hơn 1.500 hộ Khmer được hỗ trợ từ 6,7 triệu đồng lên đến 20 triệu đồng/ha/vụ.
Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tập quán canh tác từ lúa – lúa sang canh tác bắp giống – lúa theo chiến lược quốc gia tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng nhà máy sấy, chế biến, đóng gói tại Trà Vinh với công suất ban đầu 2.000 tấn hạt giống/năm và 2 máy sấy vệ tinh tại HTX/nhóm nông dân.
Các hộ nông dân hợp tác với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam sẽ được bao tiêu sản phẩm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập; người lao động quanh vùng nguyên liệu và nhà máy sẽ có thêm công ăn việc làm; người nông dân sử dụng cuối cùng sẽ dễ dàng tiếp cận được hạt giống bắp F1 của dự án có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn 50% so với giống nhập khẩu và tăng thu nhập thông qua hệ thống phân phối rộng khắp cả nước của Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam…
Đây là mô hình liên kết 4 nhà “Nhà nước, Nhà Khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông” và mô hình “Cánh đồng lớn” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập một cách bền vững. Cây bắp sẽ là sự lựa chọn hợp lý cả về ngắn hạn và dài hạn khi mà ĐBSCL có nhiều lợi thế để trồng bắp và loại cây này sẽ đem lại lợi ích bền vững cho cả người nông dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nước nhà.
Việt Nam phải nhập khẩu 2,5 - 3,5 triệu tấn bắp về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong khi có những giống bắp trồng ở ĐBSCL cho năng suất lên tới 9 - 11 tấn/ha. Đẩy mạnh trồng bắp, Việt Nam sẽ từng bước thoát khỏi cảnh phụ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài và mô hình này trên thực tế cho thấy đã đem lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày cuối tháng 7, các vùng quê huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch bơ. Nông dân rất phấn khởi vì vụ bơ năm nay được mùa, cho thu nhập cao.
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.
Ngành chăn nuôi tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn khoảng hơn bốn triệu con gia cầm và 450 nghìn con lợn; hơn 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất hàng triệu tấn/năm. Ðể chăn nuôi có hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có chủ trương thực hiện mô hình cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN và PTNT) Hà Nam, bước đầu mang lại nhiều lợi ích.
Hiện nay, có 4 loài cá lóc được người dân nuôi phổ biến là: Cá lóc đen (Ophiocephalus striatus), cá lóc bông (Ophiocephalus microphetes), cá lóc môi trề (Ophiocephalus sp) và cá lóc nhím (cá lóc lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề).
Trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ngư dân ở 5 xã ven đầm Ô Loan (Tuy An - Phú Yên), có thu nhập cao từ khai thác tôm đất tại đầm này.