Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Mắc Ca Trên Đất Điện Biên Hy Vọng Mới Về Loài Cây Xóa Đói Giảm Nghèo

Cây Mắc Ca Trên Đất Điện Biên Hy Vọng Mới Về Loài Cây Xóa Đói Giảm Nghèo
Ngày đăng: 14/01/2014

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho hiệu quả là bài toán vẫn luẩn quẩn tìm lối ra thì cây mắc ca đang được xem là kỳ vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo trên những vạt đồi, vùng đất bạc màu ở nhiều địa phương trong tỉnh Điện Biên. Sau 2 năm trồng thí điểm cây mắc ca đã có tín hiệu bước đầu khả quan…

Vườn ươm mắc ca giống của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tại xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) được tưới ẩm bằng hệ thống phun sương tự động.

Từ những cây mắc ca lứa đầu

Nói về cây mắc ca với vẻ đầy tâm huyết, ông Phạm Duy Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cho biết: Với mục tiêu phát triển rừng bền vững dựa trên quan điểm cải tạo và phát triển nguồn tài nguyên sẵn có như đất trống đồi núi trọc, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loài cây đa mục đích vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về các loại cây rừng, chúng tôi quyết định chọn mắc ca là cây trồng chủ lực trong phát triển vùng dự án trồng rừng sản xuất.

Dự án có tổng diện tích quy hoạch 4.009ha. Năm 2012, những cây mắc ca đầu tiên được doanh nghiệp trồng thí điểm tại bản Đứa (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) và xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) với diện tích gần 20ha theo hình thức trồng hợp tác với người dân. Những ngày đầu triển khai dự án ở bản Đứa (xã Quài Tở) gặp không ít khó khăn, ông Phạm Duy Thành chia sẻ: Khi mới bắt tay thực hiện dự án, do là loài cây mới nên người dân chưa mặn mà tham gia trồng và chăm sóc.

Chính vì vậy, cán bộ đơn vị phối hợp với chính quyền các xã vùng dự án bỏ nhiều công sức, thời gian tuyên truyền về loài cây này để thuyết phục người dân liên kết phát triển cây mắc ca. Tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm đất”, từ chỗ chẳng mấy mặn mà, người dân bản Đứa đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ.

Dự án trồng điểm vì thế mà thuận lợi hơn. Năm 2013, Công ty triển khai trồng mới mắc ca trong vùng quy hoạch dự án với tổng diện tích 35ha tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang (huyện Tuần Giáo); Nà Tấu (huyện Điện Biên). Đến nay, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đã triển khai liên kết với người dân trồng hơn 57ha cây mắc ca tại rất nhiều địa phương trong tỉnh. Công ty đã xây dựng vườn ươm cây giống với quy mô 5 vạn cây/năm tại xã Tà Lèng đảm bảo cung cấp cây giống cho vùng dự án và nhu cầu cây giống của người dân.

Qua theo dõi quá trình phát triển cho thấy, cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay, bình quân chiều cao của cây đạt từ 1,2 – 1,5m, đường kính từ 2 – 3cm; tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Cuối tháng 12/2013, đoàn công tác của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn – người đưa cây mắc ca về Việt Nam lên tham quan vườn cây đánh giá cao tốc độ phát triển tại vùng dự án và triển vọng của cây mắc ca trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khi được phát triển với diện tích lớn.

Sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo

Theo giá thị trường, hiện nay, quả mắc ca được bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg và chủ yếu để sử dụng làm giống. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, sau 3 năm trồng cây đã cho bói quả và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Trung bình cây mắc ca 9 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả.

Như vậy, chỉ cần quả có giá bán 120.000 đồng/kg, thì 1ha mắc ca đã cho thu khoảng 600 triệu đồng, cao gấp 6 - 7 lần so với thu nhập từ cây cà phê. Trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc mắc ca thấp hơn đầu tư trồng cà phê. Chính vì vậy, nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Với tổng diện tích hơn 3.300ha cà phê; trong đó, nhiều diện tích cà phê chưa có cây che bóng.

Thực hiện trồng thí điểm xen cà phê với mắc ca, huyện đã triển khai trồng 1ha từ năm 2009, năm 2012, mắc ca cho thu bói với tỷ lệ đậu quả khá cao. Với lợi thế của huyện trong việc phát triển cây cà phê, thời gian tới huyện sẽ vận động nhân dân tích cực trồng xen mắc ca với cà phê trên hơn 200ha cà phê. Vì mắc ca vừa che bóng cho cây cà phê vừa nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Trăn trở với việc tìm cây rừng “chủ lực” cho huyện mới Nậm Pồ, tại hội thảo trồng và phát triển cây mắc ca do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tổ chức cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ tâm sự: Trước Đồn Biên phòng Nà Hỳ (xã Nà Hỳ) có cây mắc ca được trồng từ năm 2001 hiện phát triển rất tốt và đậu rất nhiều quả.

Với hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca đem lại, chính quyền địa phương rất mong muốn sẽ có doanh nghiệp đến khảo sát, thực hiện dự án trồng cây mắc ca, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân xóa đói giảm nghèo. Chỉ khi xác định được cây chủ lực trong phát triển kinh tế, người dân mới mong thoát đói giảm nghèo bền vững.

Trên thế giới, mắc ca được coi là quả khô ngon nhất trong các loại quả khô. Hàm lượng axít béo không no rất cao (78%), nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu... từ ngon thành có giá. Đặc biệt, Trung Quốc là nước đang có nhu cầu lớn về nhân mắc ca để ép dầu ăn, cũng là nguyên liệu vô cùng quý để sản xuất mỹ phẩm; bã, vỏ hạt của mắc ca đều có thể sử dụng hữu ích. Nói như vậy, để thấy rằng, mắc ca có thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng rất ít nước trồng được.

Trong khi đó, vùng Tây Nguyên, Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng trồng được nên xuất khẩu sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế lớn, thu từ 2.000 - 3.000 USD/ha/năm khi bước vào giai đoạn ổn định phát triển. Nếu có chính sách phát triển để người dân, doanh nghiệp liên kết trồng mắc ca thì mắc ca sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả mà vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho rằng: Trước khi triển khai phát triển mắc ca trên diện rộng, các sở, ngành chức năng cần có đánh giá tổng thể về quá trình sinh trưởng của cây mắc ca cũng như giá trị kinh tế từ cây mắc ca đem lại. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách theo quy định để có thể phát triển theo quy hoạch bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Liên kết để phát triển Liên kết để phát triển

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình hợp tác xã (HTX) đang trở thành đòn bẩy, là yêu cầu tất yếu cho nền sản xuất nông nghiệp. Do đó, thị xã Ngã Bảy đang đẩy mạnh phát triển hình thức này nhằm nâng cao giá trị nông sản tại địa phương.

06/11/2015
Dồn sức cán đích nông thôn mới ở huyện miền núi Hương Khê Dồn sức cán đích nông thôn mới ở huyện miền núi Hương Khê

Ở huyện miền núi Hương Khê, những ngày này, các xã Phú Phong và Phúc Trạch - 2 địa phương đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015 đang khẩn trương, ráo riết hoàn tất những phần việc còn dang dở...

06/11/2015
Xây dựng nông thôn mới không bắt buộc người dân đóng góp Xây dựng nông thôn mới không bắt buộc người dân đóng góp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu việc huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM) của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân.

06/11/2015
Truy xuất nguồn gốc tôm giống yếu tố quyết định thành bại trong NTTS Truy xuất nguồn gốc tôm giống yếu tố quyết định thành bại trong NTTS

Truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với người nuôi tôm nhằm xác định mua giống đúng địa chỉ, đảm bảo chất lượng, kiểm soát dịch bệnh. Đây là một trong những yếu tố quyết định 50% thành bại của vụ nuôi.

06/11/2015
Công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP Công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các Bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý.

06/11/2015