Cây Dược Liệu Quý Được Trồng Ở Yên Ninh (Thái Nguyên)
Dây Thìa canh được biết đến là loại dược liệu quý, có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, loại dây này còn có nhiều công dụng khác như: kích thích tiêu hoá, chống độc… Dây Thìa canh đang được trồng nhiều ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến thăm Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK (chuyên trồng và chế biến dây Thìa canh) thuộc xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương), chúng tôi thực sự cảm thấy thích thú khi được ngắm nhìn những khu vườn dây Thìa canh xanh mơn mởn mọc ngang thân người, lá của cây tỏa mùi hương thơm man mát, dễ chịu…
Thìa canh là một loại cây dây leo. Theo y học, cây có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh đái tháo đường, ngoài ra còn chữa một số loại bệnh khác liên quan đến tiêu hóa, giải độc...
Anh Trần Viết Văn, Giám đốc Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK cho biết: Hiện nay, chế biến dược liệu dây Thìa canh vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, cả nước chỉ có vài công ty sản xuất, chế biến, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới có Công ty trồng và chế biến loại cây dược liệu này.
Với thuận lợi, gia đình anh Văn có người nhà làm việc tại Trường Đại học Dược Hà Nội, nơi nghiên cứu khá nhiều loài cây dược liệu quý, cộng thêm khát vọng làm giàu và mong muốn tìm ra loại cây trồng phù hợp với chất đất, khí hậu ở địa phương để nâng cao giá trị kinh tế giúp người dân tăng thu nhập.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Thái Nguyên, anh Văn xuống Trường Đại học Dược Hà Nội tìm hiểu và mời gọi Công ty TNHH một thành viên Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội cùng hợp tác trồng cây dược liệu dây Thìa canh trên đồng đất xã Yên Ninh.
Sau khi nghiên cứu chất đất, các kỹ sư của Trường thấy vùng đất này khá phù hợp với trồng loại dây Thìa canh nên đã cử cán bộ lên chuyển giao khoa học kỹ thuật và trồng thử 3 sào, kết quả cho thấy năng suất đạt cao, hàm lượng các chất trong cây cao.
Năm 2011, Công ty chính thức triển khai trồng đại trà. Với diện tích 3 ha, ngoài ra Công ty còn ký hợp đồng trồng dây Thìa canh với 10 hộ dân trong xã, với diện tích khoảng 4 ha.
Anh Phương Văn Dũng, xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh, cho biết: Từ năm 2011, Công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi về vố.
Mỗi sào, Công ty cho vay 1 triệu đồng để hỗ trợ tiền mua giống, phân bón. Năm đầu tiên, gia đình tôi trồng 3 sào; năm thứ hai trồng 7 sào; năm thứ ba, trồng 1,3 mẫu. Trồng dây Thìa canh không khó, chỉ cần làm đất, lên luống, cuốc hố với mật độ 1,5 m rồi trồng, sau 2 tháng thì làm giàn dây leo và chăm bón theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật của Công ty.
Nếu chăm bón tốt, mỗi sào Thìa canh có thể đạt giá trị từ 7 đến 9 triệu đồng/ năm. Đây là loại cây chỉ trồng một lần nhưng lại cho thu hái nhiều lần trong năm. Hiện nay, giá mua Thìa canh tươi tại Công ty là 9 nghìn đồng/kg.
Để chế biến sản phẩm Thìa canh, Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chế biến dây Thìa canh như: nhà sơ chế, nhà sấy, hệ thống triết dược liệu… Sản phẩm sau khi thu hái về được rửa sạch, phơi khô, sao tẩm và đóng gói bán.
Hiện nay mỗi gói 100gam, Công ty bán với giá 30.000 đồng. Công ty đã tạo việc làm cho 10 lao động là người địa phương. Chị Hoàng Thị Vân ở xóm Đồng Phủ cho biết: Tôi vào làm công nhân từ khi Công ty mới thành lập, mức lương hiện tại là 3,5 triệu/tháng, công việc nhẹ nhàng, lại không cần đòi hỏi tay nghề cao.
Anh Trần Viết Văn, Giám đốc Công ty cho biết thêm: Vì dây Thìa canh là loại cây mới đưa vào trồng đại trà lại có nhiều tác dụng đối với người bệnh, nhất là người bị bệnh đái tháo đường nên sản phẩm làm ra tiêu thụ rất dễ dàng, làm ra sản phẩm đến đâu, Công ty TNHH một thành viên Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội bao tiêu hết đến đó.
Với kế hoạch đặt ra, đến năm 2015, Công ty sẽ ký hợp đồng với các hộ dân phát triển thêm khoảng 5 ha dây Thìa canh.
Ông Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh thông tin: Mặc dù chúng tôi chưa đưa chỉ tiêu trồng dây Thìa canh vào kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm của xã Yên Ninh, nhưng những năm gần đây, chúng tôi đều vận động bà con chuyển đổi những cây trồng giá trị kinh tế thấp trên đất soi bãi sang trồng dây Thìa canh.
Có thể bạn quan tâm
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước và trên thế giới, nhất là nguy cơ xâm nhập của chủng virus cúm A/H7N9 thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ngày 2/2, Bộ NN&PTNT có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, TP tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Những ngày qua, việc người nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội phải... đổ sữa tươi ra đường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa, sự lỏng lẻo trong liên kết tiêu thụ nông sản lại khiến người dân nếm "vị đắng".
Tại TP Cần Thơ, giá heo hơi phổ biến từ 43.000 - 45.000 đồng/kg (tương đương 4,3 - 4,5 triệu đồng/tạ), riêng heo hơi siêu nạc được nuôi với số lượng lớn tại các khu vực thuận lợi về giao thông, thương lái mua khoảng 46.000 đồng/kg (tương đương 4,6 triệu đồng/tạ). Sau khi tăng lên ở mức cao, giá heo hơi đã có xu hướng giảm trong những tháng gần đây do nguồn cung trên thị trường dồi dào.
Được biết, các ổ dịch LMLM xuất hiện vào đầu tháng 12/2014 tại địa bàn 3 xã: Dìn Chin, Pha Long và Tả Ngài Chồ làm 291 con gia súc mắc bệnh. Tính đến thời điểm này, đã có 65 con gia súc phải tiêu hủy, trong đó có 48 con bò và 17 con lợn.
Trong năm 2014, Vinamilk cũng đã thu mua hơn 183 triệu kg sữa, tăng 17,12% so với năm 2013. Riêng khu vực phía Bắc, Vinamilk thu mua gần 22 triệu kg sữa (mua từ hộ nông dân 14,7 triệu kg), tăng 50,1% sản lượng và 58,6% giá trị. Trong cả nước, lượng sữa nguyên liệu Vinamilk thu mua của nông dân chiếm hơn 60%.