Canh tác tốt mô hình lúa - tôm
Mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng.
Năm nay, người nuôi tôm gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa lớn trái mùa thường xảy ra, kết hợp với nắng nóng kéo dài làm cho môi trường nuôi biến động mạnh, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm trong vùng.
Khi môi trường ổn định trở lại, nông dân khắc phục thả nuôi tiếp, nhiều hộ vẫn đạt năng suất cao.
Tuy nhiên, chính vì con tôm mang lại lợi nhuận cao nên nông dân thường thả nuôi nối tiếp nhiều vụ trong năm, không tuân thủ lịch thời vụ. Việc làm này đã mang đến hệ lụy là đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được.
Do đó các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân không nên chạy theo con tôm mà phải tuân thủ lịch thời vụ. Sau vụ tôm cần phải tập trung rửa mặn triệt để, cấy lại vụ lúa.
Cây lúa sẽ hấp thụ các chất hữu cơ tồn dư từ vụ tôm, có tác dụng làm sạch môi trường.
Ngược lại, sau vụ lúa, gốc rạ còn lại sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm.
Mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học đánh giá là bền vững đối với môi trường vùng nuôi tôm nước lợ.
Thực tế qua nhiều năm chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm lúa, đời sống kinh tế người dân trong tỉnh Sóc Trăng được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là huyện Mỹ Xuyên với diện tích khoảng 11.000 ha trên diện tích 18.000 ha nuôi tôm nước lợ.
Tuy nhiên đối với vùng nuôi tôm theo quy trình luân canh tôm – lúa thì con tôm vẫn đóng vai trò chủ đạo, bởi lợi nhuận từ nuôi tôm cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa, do đó nông dân thường có tâm lý canh tác lúa chỉ để cách vụ và ổn định môi trường cho vụ tôm kế tiếp, chưa có sự quan tâm đúng mức đến các khâu canh tác.
Hiện nay canh tác lúa trên nền vuông tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu đòi hỏi nông dân phải thận trọng từng khâu, từ gieo sạ, quản lý dịch hại và thu hoạch mới có kết quả tốt hơn và không ảnh hưởng đến tôm nuôi vụ sau.
Năm nay, theo lịch xuống giống của Ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, khuyến cáo nông dân gieo sạ giống ST5 từ ngày 17/9 – 2/10 dương lịch và từ 13/10 – 27/10 dương lịch đối với các giống lúa cao sản ngắn ngày như OM 4900, OM 6976, OM 7347, OM 5451, 1 bụi đỏ…
Đầu vụ lúa năm nay được đánh giá thời tiết khá thuận lợi, bà con tranh thủ những cơn mưa để tháo mặn rửa phèn cho đất, đồng thời tuân thủ theo lịch xuống giống của Ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Để mô hình tôm lúa bền vững, các nhà khoa học khuyến cáo đối với đất nuôi tôm quảng canh chuyển qua trồng lúa, sau khi rửa phèn cần rút nước cạn, phơi đất khoảng 10 ngày để đất nứt chân chim, tăng hàm lượng Oxy trong đất và phân hủy chất hữu cơ nhanh hơn.
Bón lót vôi từ 200 – 300 kg/ha để tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa, bà con nên dành ra một phần diện tích để làm đường mương nước quanh ruộng, tuy nhiên phần lớn nông dân chưa thực hiện tốt điều này.
Kỹ sư Trần Thanh Bạch – Trưởng Trạm BVTV huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo thêm:
“Để chuẩn bị cho vụ mùa trên nền tôm – lúa đạt kết quả tốt, sau khi thu hoạch tôm bà con nên rửa mặn khoảng 3 tuần sau đó vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ bờ và làm đất cho bằng phẳng, đánh rãnh để rửa phèn và bón lót phân lân từ 200 đến 300kg/ha để cải tạo phèn.
Bà con nên sạ từ 80 đến 120kg giống/ha và nên sử dụng lúa giống cấp xác nhận.”
Mô hình tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên mang tính bền vững và hiệu quả
Trong vụ lúa mùa 1 vụ/tôm – lúa 2015 – 2016, huyện Mỹ Xuyên kết hợp triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên vùng tôm – lúa tại xã Hòa Tú 1, thuộc đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015, theo đó nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống và kỹ thuật nhằm giảm phân bón, thuốc hóa học, sử dụng công nghệ sinh thái, từng bước sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Kỹ sư Trần Thanh Bạch – Trưởng trạm BVTV huyện Mỹ Xuyên cho biết:
“Vụ mùa năm nay huyện Mỹ Xuyên sản xuất thí điểm lúa theo hướng nông nghiệp hữu cơ với diện tích 40 ha ở xã Hòa Tú 1.
Mô hình này có lợi ích là giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân hóa học, cải tạo được môi trường đất.”
Năng suất vụ lúa năm 2014 – 2015 khoảng 5,5 tấn/ha lúa khô, mục tiêu đặt ra năm nay năng suất phải đạt cao hơn, giảm giá thành tăng lợi nhuận cho nhà nông.
Để đạt được mục tiêu này, nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng như lịch thời vụ theo khuyến cáo.
Về lâu dài tỉnh sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu các giống có khả năng chịu mặn, năng suất cao để đưa vào sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc sản cung cấp cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân chính là bà con không chịu đổi diện tích đất ruộng hoặc cho thuê. Tôi đang có ý định mở rộng diện tích nuôi cá nhưng xem ra còn rất lâu mới có thể đạt được ý định. Tôi cũng nghe có chủ trương dồn điền đổi thửa nhưng chưa thấy địa phương triển khai.
Những ngày này khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đang triển khai, thì tại các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện những người môi giới “tư vấn” ngư dân để vay nguồn vốn này nhằm trục lợi. Do vậy, ngư dân cần cảnh giác…
Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp, HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) được mùa tôm sú. Với 19,5 ha ao nuôi trên tổng số 50 hộ dân tham gia, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ nuôi tôm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng, trong đó hộ lãi cao nhất gần 500 triệu đồng.
Theo đó, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đáp ứng được các tiêu chí gồm thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc. Cá thát lát là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang được xem là ngon nhất khu vực ĐBSCL với nhiều cách chế biến như chả cá thát lát nấu canh, cá thát lát chiên muối sả…
Đây là chính sách tái cấp vốn đặc biệt, với lãi suất áp dụng là 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hàng năm với tổng thời gian là 3 năm. Mức tái cấp vốn được xác định tương ứng với số tiền tổ chức tín dụng đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng.