Canh tác hữu cơ - Bí kíp thách thức thời tiết của nông dân Ấn Độ
Với phương pháp canh tác hữu cơ, nông dân Ấn Độ có thể trồng được nhiều mùa vụ hơn, sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)
Khi biến đổi khí hậu khiến tình hình thời tiết khó dự đoán hơn, các nông dân tại Ấn Độ cũng gặp thêm nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định reo trồng vụ mùa để có thể thu hoạch mà không bị mất trắng.
Mưa nắng thất thường, không tuân theo các quy luật tự nhiên khiến các vụ mùa thất thu, mực nước thấp dần đi hàng năm và nhiều loại côn trùng mới phá hoại mùa màng hơn.
Cái khó ló cái khôn, người nông dân ở quốc gia Nam Á này cũng đã tự tìm cách để chống lại sự "bất thường" trong vài năm gần đây.
Theo cách làm mới, phân bò được sử dụng để tạo ra khí đốt sinh học, cung cấp năng lượng sạch cho các hộ gia đình và sau đó được tận dụng để bón cho đất, cải thiện chất lượng đất trồng.
Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí hơn việc sử dụng phân bón hóa học lại vừa giảm tình trạng phá rừng bởi tự tạo được khí đốt sinh học, người dân Ấn Độ không còn phải vào rừng đốn củi.
Phân bón hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước để chống chọi tốt hơn với các đợt hạn hán.
Các nông dân Ấn Độ biết đến phương pháp này từ 3 năm trước khi nhà khoa học nông nghiệp Susanta Mukherjee hợp tác với Cơ quan Quản lý Công nghệ nông nghiệp Ấn Độ (ATMA) bắt đầu chiến dịch tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ.
Những ngày đầu thuyết phục người dân chuyển đổi phương thức canh tác không hề dễ dàng khi nhiều người định kiến sản lượng vụ mùa sẽ giảm đi khi sản xuất với phương thức hữu cơ thay vì dùng các sản phẩm hóa học.
Chi phí lắp đạt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học biogas trị giá khoảng 30.000 rupee (430 USD) cũng là trở ngại với một số hộ nông dân.
Tuy nhiên, dự án sau đó chỉ ra hiệu quả tiết kiệm chi phí và năng suất cao trên các cánh đồng sử dụng phương pháp canh tác này cùng với đó ATMA cũng hỗ trợ mỗi hộ nông dân một con bò, lắp đặt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học.
Ngoài ra, nông dân cũng được hướng dẫn cách sử dụng giun đất để tạo ra phân bón và pha chế các loại phân bón tự nhiên cũng như thuốc trừ sâu hữu cơ khác.
Các nông dân cho biết nhờ ứng dụng các phương pháp hữu cơ trong trồng trọt họ có thể bỏ ruộng 2 tuần không cần tưới nước ngay cả trong các đợt nóng vì giờ chất lượng đất đã được cải thiện và có thể giữ ẩm được lâu hơn.
Thậm chí trên các vùng đất ẩm, lượng mưa hiếm hoi sẽ được giữ lại nhiều hơn, ngấm dần vào trong các tầng ngậm nước, giúp mạch nước ngầm được tái tạo.
Giờ đây, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước dự trữ ngầm vốn hạn hẹp.
Nông dân cho biết trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi họ chuyển đổi sang kiểu canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.
Bên cạnh việc có thể thu hoạch 2 vụ mùa mỗi năm, người nông dân Ấn Độ nay có thể trồng gối vụ rau, chăn nuôi gia cầm và trồng những loại cây nông nghiệp khác như yến mạch, lúa miến và ngô...
Ngoài những lợi ích đong đếm được, người nông dân Ấn Độ cũng nhận thấy rễ cây trồng có khả năng giữ đất tốt hơn, ăn sâu hơn vào lòng đất, giúp tăng khả năng chống chọi với những cơn bão hay gió mạnh.
Nhiều người nông dân còn cho biết giờ đây họ nhận thấy những cánh đồng trở nên tràn đầy sức sống khi có xự xuất hiện của những vị khách đã vắng bóng từ lâu vì thuốc trừ sâu và phân bón hóa học như cú, chim sẻ, ong và bướm./.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm hộ anh Nam thu hơn 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng
Nhà nông Nguyễn Văn Lĩnh (phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) đã sáng chế ra máy phun xịt “5 trong 1” với nhiều chức năng hữu ích, góp phần giảm sức lao động
8 sào nhãn của gia đình tôi 18 năm nhưng vẫn cho sản lượng cao là nhờ bón phân chuồng và theo mô hình vườn - ao - chuồng phụ trợ để vượt qua thời kỳ giá lao dốc