Cảnh Giác Với Các Đối Tượng Thu Mua Lá Điều Khô Ở Bình Phước
Trên địa bàn Bình Phước lại xuất hiện một số nhóm đối tượng thu mua lá điều khô, dư luận đặt dấu hỏi về mục đích thu mua kỳ lạ này
Liệu đây có phải là chiêu lừa đảo trong kinh doanh hay mưu đồ phá hoại các vườn điều của các phần tử xấu?
Hai năm trước, tại các xã Minh Hưng và Thống Nhất của huyện Bù Đăng có một nhóm đối tượng lạ mặt đến địa bàn thu mua lá điều khô cho một đối tượng gọi chung chung là ông Chủ. Nhưng sau khi mua với một số lượng lớn, nhóm đối tượng này mang ra khỏi địa phương và đốt bỏ số lá nói trên.
Mới đây, tại xã Tân Hòa huyện Đồng Phú, lại xuất hiện một nhóm đối tượng gạ gẫm mua của bà con lá điều khô với giá 600-700 đồng/kg và bán ra với giá 800 đồng/kg.
Mục đích mua lá điều khô để làm gì vẫn là điều bí ẩn.
Theo các nhà chuyên môn, hàng năm lá điều rụng xuống trả lại cho đất một nguồn dinh dưỡng hữu cơ, góp phần duy trì độ phì của đất, tăng khả năng giữ ẩm và hạn chế xói mòn, rửa trôi do mưa, gió và quá trình canh tác.
Chị Nguyễn Thị Kim Nga, Chủ tịch Hội nông dân, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước cho biết: “Bất cứ cây nào cũng phải có lá mới quang hợp được, nếu tạo cú sốc sinh lý rụng lá sẽ làm hại cây. Thứ hai lá điều còn giữ độ ẩm, giữ độ mùn cho đất. Nông dân Thái Lan còn gom lá điều đốt để xua đuổi, diệt bọ xít, côn trùng hại cây. Nếu gom lá điều khô, hay xịt thuốc làm chết lá điều sẽ làm suy kiệt cây điều”.
Tỉnh Bình Phước hiện có 200 ngàn ha điều, trong đó diện tích thu hoạch là 148 ngàn ha. Hàng năm, Bình Phước xuất khẩu hơn 300 ngàn tấn hạt điều, chiếm 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu điều cả nước. Hiện nay, cây điều vừa trải qua thời kỳ thu hoạch (cây điều thu hoạch mỗi năm một lần vào tháng 1-2 âm lịch), đang bước vào giai đoạn sinh trưởng, dinh dưỡng, chuẩn bị cho vụ điều tiếp theo.
Đây là thời điểm sinh trưởng quan trọng của cây, vì vậy, việc thu mua lá điều khô sẽ gây hại cho cây điều. Ngoài ra, nếu vì lòng tham mà một số đối tượng phun các loại thuốc hóa học gây rụng lá cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cây, có thể gây chết cây.
Ông Vũ Đức Bộ, một hộ nông dân trồng điều ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Tôi có nghe tin việc thu mua lá điều. Điều làm tôi lo nhất là xịt thuốc làm chết lá vì lá điều khi chưa đến mùa là không rụng lá, chỉ có xịt thuốc mới làm lá rụng, như vậy gây hại cây, mất trái. Tôi cũng khuyên bà con không nên làm vậy, vì cây điều sẽ kém phát triển và kém năng suất”.
Nhằm ngăn chặn hậu quả không tốt về sau, đồng thời giúp bà con trồng điều hiểu được tác hại của việc gom bán lá điều khô, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tình trạng thu mua lá điều khô, điều tra làm rõ mục đích thu mua lá điều của các đối tượng; phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời vụ việc này.
Ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho biết: “Chúng tôi thông báo xuống huyện chỉ đạo xã khuyến cáo để bà con biết ý đồ của đối tượng xấu. Trong các buổi tập huấn chúng tôi cũng tranh thủ thông báo cho bà con vấn đề này”.
Không chỉ có hiện tượng đối tượng xấu thu gom lá điều khô, mấy ngày gần đây ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước lại có hiện tượng đối tượng xấu tung tin mua rễ cây hồ tiêu với giá cao, rõ ràng có ý định phá hoại sản xuất. Một lần nữa hồi chuông báo động lại gióng lên ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Bà con nông dân lại tiếp tục phải nâng cao tinh thần cảnh giác.
Có thể bạn quan tâm
Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.
Anh Nguyễn Đức Thịnh là hội viên nông dân chi hội thôn Bắc Song, xã Đông Hà huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đã nhiều năm liền, anh Thịnh được suy tôn là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện, của tỉnh bởi thành tích gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.
Thân cây vải thiều nhưng lại cho quả nhãn, điều kỳ diệu này đã xảy ra tại vườn cây ăn quả của gia đình nhà ông Lê Thế Hơn thôn Hiệp Tân xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.