Cần Tháo Gỡ Khó Khăn Để Thanh Long Phát Triển Bền Vững
Với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thanh long. Hiện nay, bằng phương pháp chong đèn kích thích ra hoa rải vụ nên người dân đã chủ động được thời gian thu hoạch, cung cấp cho thị trường quanh năm.
Thanh long Bình Thuận đã khẳng định là một loại cây chủ lực, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Tuy thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm hơn 2/3 sản lượng tiêu thụ (trong đó hầu hết thông qua buôn bán biên mậu).
Tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, các loại nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng được vận chuyển qua chợ bên kia biên giới để tiêu thụ, hình thức này đang tiềm ẩn những yếu tố rủi ro khó lường và thường xuyên bị ách tắc trong giao nhận.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới đầu tư xây dựng “Trung tâm trung chuyển, sơ chế, đóng gói, bảo quản lạnh rau quả”, xây dựng “chợ biên giới” ở các cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Kim Thành (Lào Cai); tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để mở rộng thị trường khu vực này nhằm giảm áp lực tại cửa khẩu Tân Thanh; tăng lượng xuất khẩu nông sản qua cặp cửa khẩu Kim Thành, đón đầu việc thông xe tuyến Nội Bài - Lào Cai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm bố trí kinh phí cho các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa thanh long Bình Thuận vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm nhằm tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu loại trái cây này đến các quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đó, tránh được sự quá phụ thuộc vào một thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như thị trường Trung Quốc…
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao năng lực sản xuất tôm giống và tăng hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng tôm giống là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị triển khai đề án nâng cao chất lượng tôm giống, do Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào sáng 29/4.
Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sẽ phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 1.100 héc-ta. Tuy nhiên, chỉ mới đến cuối tháng 3, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện lên đến hơn 1.500 héc-ta, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, lan rộng ở 11/11 xã, thị trấn trong huyện.
VASEP cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Nhật đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.
Gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nằm trong danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Trước đây, gà Đông Tảo thường được dùng để cúng tế hay tiến vua vì thịt gà rất ngon.
Nắng hạn là nguyên nhân chính làm vụ đậu đen đông-xuân ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) mất mùa. Năm ngoái năng suất đạt 5 tấn/ha, nay giảm gần một nửa.