Cần Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng, Trừ Ốc Bươu Vàng Hại Lúa
Tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 2.300/4.592 ha lúa vụ đông xuân và đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Đây cũng là thời điểm ốc bươu vàng hoạt động mạnh, khả năng gây hại lúa cao. Qua kiểm tra của ngành chức năng, hiện tại, một số cánh đồng lúa đã xuất hiện ốc bươu vàng.
Cụ thể, tại xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao, có một số diện tích lên tới 50 - 70 con/m2 và đã làm hơn 200m2 lúa bị ốc bươu vàng cắn phá trắng.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện thì ngay sau khi kiểm tra thấy có ốc bươu vàng cắn phá, đơn vị đã hướng dẫn bà con thực hiện một số biện pháp như dùng tay bắt ốc hoặc dùng các loại thức ăn mà ốc ưa thích như lá đu đủ, lá chuối, lá khoai lang... đặt trong mương, trong ruộng để dẫn dụ ốc từ các nơi khác bò tới, bám xung quanh miếng bả mồi, sau đó theo bẫy thu bắt ốc.
Đối với diện tích chưa gieo cấy thì người dân đã tiến hành làm rãnh thoát nước để ốc tập trung một chỗ thuận tiện cho việc thu gom và tiêu diệt… Hiện tại, bà con cũng đang tích cực ra đồng thực hiện các biện pháp nhằm diệt hết ốc bươu vàng, tránh lây lan sang diện tích khác.
Còn tại xã Đắk Rtíh (Tuy Đức), địa phương này hiện đã có khoảng 32 ha lúa nước bị nhiễm ốc bươu vàng với mật độ là 1-2 con/m2. Theo UBND xã Đắk Rtíh thì nguyên nhân là do người trồng lúa ở đây chưa nâng cao ý thức về phòng trừ ốc bươu vàng, đặc biệt là tại các cánh đồng lúa của bà con dân tộc thiểu số.
Để hạn chế ốc bươu vàng gây hại, địa phương đang tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của ốc bươu vàng và hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Tương tự, trên các cánh đồng khác tại huyện Đắk Glong, Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil… tình trạng ốc bươu vàng cũng đã xuất hiện ở một số diện tích, với mật độ thấp. Theo các địa phương này thì để hạn chế ốc bươu vàng gây hại, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã tập trung hướng dẫn nông dân xử lý đất đúng kỹ thuật và thực hiện các biện pháp bắt, tiêu diệt ốc bươu vàng trước khi gieo xạ.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì ốc bươu vàng là loài sinh vật gây hại nguy hiểm đối với lúa và một số cây trồng dưới nước. Chúng có đặc tính rất thích ăn lá non và lá bánh tẻ. Lúa non bị ốc ăn sẽ không thể phục hồi được, vì khi cắn ngang thân cây lúa, loài ốc này còn tiết ra loại chất nhờn bám vào vết cắn, khiến cây lúa không thể tiếp tục sinh trưởng.
Bên cạnh đó, chúng lại sinh sản rất nhanh, một con cái có thể đẻ 2 lần/tháng, mỗi lần 500 trứng; ốc 2 tháng tuổi đã bắt đầu sinh sản và có thể sống tới 4 - 6 năm. Trên ruộng lúa, chúng ăn từng đám, tập trung ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non, lúa mới cấy, lúa gieo thẳng. Trường hợp ruộng bị hạn, nước trong ruộng khô kiệt, ốc bươu vàng có thể sống vùi mình xuống lớp đất sâu sống tiềm sinh hàng tháng vẫn không chết.
Từ nay đến cuối tháng 3 là cao điểm gây hại của ốc bươu vàng trên diện tích lúa mới cấy – đẻ nhánh. Nhiều ruộng sẽ phải cấy dặm nhiều lần, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng đồng đều của ruộng lúa và làm giảm năng suất rất lớn nếu không được phòng trừ kịp thời.
Vì vậy, Chi cục khuyến cáo các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc khoanh vùng, thống kê những diện tích nhiễm ốc bươu vàng, chú ý những nơi sử dụng nguồn nước từ các hồ, đầm chứa đã có sẵn ốc bươu vàng, vùng ổ cũ và những khu vực gieo sạ thẳng; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân trong việc không nuôi và diệt trừ ngay ốc bươu vàng.
Tại những nơi xuất hiện ốc bươu vàng, nông dân cần thực hiện các biện pháp diệt trừ tổng hợp như thu bắt ốc, trứng ốc; cắm cọc ven bờ và rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút ốc bươu vàng đến đẻ trứng.
Đối với những ruộng mới cấy hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị ốc bươu vàng gây hại gây mất khoảng, người dân nên giữ mực nước xâm xấp để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của ốc bươu vàng; đồng thời, cần dặm bổ sung ngay kết hợp với tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự đẻ nhánh của cây lúa.
Có thể bạn quan tâm
Qua tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế ở nhiều địa phương khác, anh cải tạo diện tích đất vườn tạp để lên liếp trồng màu. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, nên cây màu của gia đình anh Sơn phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất khá, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước.
“Chúng tôi khẳng định các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá ba sa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây sapô lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay sapô đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây sapô. Tới đây, diện tích trồng sapô của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định.
Báo cáo kết quả sản xuất lương thực trong năm, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 1,37 triệu tấn (đạt trên 103% kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm trên 230.605 ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản lượng trên 1,35 triệu tấn; cây lương thực có hạt (chủ yếu là cây bắp) xuống giống trên 4.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 14 nghìn tấn.
Hiện nay các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện về giống, đất đai để xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015. Năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt. Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ đông xuân sắp tới, một trong những giải pháp cần tập trung là tăng cường công tác phòng, chống hạn…